Khó trong triển khai dạy học STEM ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Đưa giáo dục STEM vào nhà trường là một xu hướng tất yếu hiện nay, nhất là trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để khuyến khích tự học, tự sáng tạo của học sinh và cũng khắc phục cách truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc trong dạy học như trước đây.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay khi đưa giáo dục STEM vào dạy học ở Nghệ An, đó là thiếu khung chương trình giáo dục STEM cho các cấp học, bậc học để thống nhất triển khai trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học, các trường thiếu tài liệu giáo dục STEM và tài liệu hướng dẫn giáo dục STEM cho các cấp học, bậc học; chưa có mô hình giáo dục STEM thống nhất cho các cấp học, bậc học.
Một khó khăn khác đó là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, bậc học chưa được tập huấn, chuyển giao công nghệ giáo dục STEM, do đó sự hiểu biết và nhận thức về vấn đề này còn nhiều hạn chế.
Thực tế này cũng ảnh hưởng tới quá trình dạy học ở nhà trường. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến - giáo viên Trường THPT Đô Lương 1 cho biết: Dù chúng tôi rất háo hức với việc đưa STEM vào giảng dạy, nhưng khó khăn hiện nay là môn học này không nằm trong cấu trúc phân phối kế hoạch giảng dạy, chưa đưa vào các tiết học chính thức nên việc triển khai các buổi thử nghiệm còn bị động.
Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Viết Lương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Anh Sơn lại nói rằng: Trường chúng tôi rất quan tâm đến giáo dục STEM và đã có phòng học STEM riêng cho học sinh. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu nhiều đồ dùng học tập nên nhiều chủ đề, bài học chưa thể triển khai mà phải thay thế bằng những chủ đề, bài học khác. Một số chủ đề, bài học cần nhiều kinh phí để mua dụng cụ, đồ dùng cho học sinh. Bên cạnh đó, vì là môn học mới nên một số giáo viên chưa được bồi dưỡng tập huấn, giao lưu, học tập nhiều nên còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi tiếp cận, thực hiện quy trình xây dựng chủ đề bài học.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Nga - Phó Hiệu trưởng THCS Hà Huy Tập - thành phố Vinh kiến nghị, cần sớm ban hành các văn bản là hành lang pháp lý để các trường thúc đẩy, phát triển mạnh hoạt động STEM nhằm đem lại lợi ích thực sự cho học sinh. Ngành Giáo dục cũng cần triển khai các ngày hội STEM cấp tỉnh để các trường, các phòng giáo dục có điều kiện học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Để giáo dục STEM được triển khai sâu rộng trong các nhà trường, hiện ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã xây dựng dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Hiện dự án đang được thí điểm tại 12 trường từ bậc mầm non và trung học phổ thông và sau 2 năm triển khai đã xây dựng được khung chương trình giáo dục STEM cho cả 4 cấp học với đầy đủ thông tin: mục tiêu, yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất, chuẩn đầu ra, nội dung và phân bổ thời gian… phù hợp với điều kiện thực tiễn của các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thành công mô hình ứng dụng chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục, phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh. Sau khi triển khai thí điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện khung chương trình, tạo hành lang pháp lý áp dụng triển khai đại trà trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục.