Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Hợp tác thu hút FDI của 3 tỉnh phải cùng có lợi, cùng thắng
(Baonghean.vn) - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh quan điểm: Hợp tác của 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trong thu hút FDI phải cùng có lợi và muốn đi xa phải cùng nhau.
Sáng 10/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) diễn ra Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Đỗ Trọng Hưng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; Hoàng Trung Dũng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì Hội nghị.
NGHỆ AN ĐÃ CHUẨN BỊ "5 SẴN SÀNG" ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận về chủ đề: Thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An: Nắm bắt cơ hội vàng - trở thành điểm đến đầu tư “thuận lợi - tin cậy - hiệu quả".
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây là nguồn lực để các địa phương có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển.
Trong nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với sự nỗ lực, kiên trì của tỉnh, trong những năm gần đây, Nghệ An đã có bước chuyển tích cực về thu hút FDI.
Đến nay, lũy kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được 133 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỷ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay.
Đặc biệt, năm 2022 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD, qua đó 2 năm liền Nghệ An nằm trong danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Đặc biệt, Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny..., bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,... Mặc dù kết quả còn khiêm tốn nhưng đây được xem là kết quả đáng ghi nhận sau 27 năm kể từ khi Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên.
Chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An trong thu hút FDI những năm qua, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An đã chuẩn bị 5 điều kiện mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng”.
Thứ nhất, Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng về quy hoạch. Giai đoạn trước đây, tỉnh Nghệ An đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 11 Khu công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp trong khu kinh tế, 6 Khu công nghiệp ngoài khu kinh tế.
Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh đến thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tỉnh đã bổ sung thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xác định Khu kinh tế Đông Nam là 1 trong những động lực tăng trưởng của tỉnh. Hiện nay tỉnh Nghệ An đang triển khai lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam trên 20.000 ha lên trên 100.000ha.
Thứ hai, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Ngoài các hạ tầng dùng chung, Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đồng thời quan tâm hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội.
Thứ ba, Nghệ An đã sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Tỉnh Nghệ An đã kêu gọi và hiện có 3 nhà hạ tầng khu công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. 3 nhà đầu tư này đang phát triển 5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch với khoảng 1.500 ha để thu hút đầu tư.
Thứ tư, Nghệ An đã sẵn sàng về nguồn nhân lực. Với lợi thế quy mô dân số hơn 3, 4 triệu người, trong đó có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động; trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người. Tỉnh đang tập trung liên kết trong đào tạo nghề giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ sở đào tạo.
Thứ năm, Nghệ An sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Nghệ An luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; coi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là của tỉnh để giải quyết; giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất, có dự án chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc.
HỢP TÁC PHẢI CÙNG CÓ LỢI, CÙNG THẮNG
Để đẩy mạnh thu hút FDI dưới góc độ liên kết 3 tỉnh và liên kết vùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh quan điểm: Hợp tác phải cùng có lợi, cùng thắng và muốn đi xa phải cùng nhau.
Trên quan điểm đó, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, 3 tỉnh cần liên kết sử dụng hiệu quả hạ tầng dùng chung và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu quả hợp tác, nhất là liên kết Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.
Tăng cường liên kết trong đào tạo nhân lực đảm bảo phục vụ thu hút FDI. Ba tỉnh đều có nguồn nhân lực dồi dào, lao động chịu khó, thông minh nhưng cần tăng cường đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu, nhất là trong việc thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, 3 tỉnh cần liên kết trong ban hành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng. Việc liên kết trong ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế có điều kiện phát triển giống nhau là rất quan trọng để hoàn thiện môi trường đầu tư, chính sách đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, 3 tỉnh cần phối hợp thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của mỗi địa phương, kết hợp Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi được phê duyệt.
Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở xem xét, tính chất, quy mô và hiệu quả đầu tư của từng ngành, lĩnh vực; rà soát, bổ sung các ngành, lĩnh vực và danh mục dự án đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá đầu tư và tiềm năng của các tỉnh, các địa phương; nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử về liên kết thu hút đầu tư của 3 địa phương.