Chuyển biến ở xã vùng biên từng là 'điểm nóng' về an ninh trật tự
(Baonghean.vn) - Ở “cửa ngõ” của huyện Quế Phong, xã biên giới Tri Lễ được coi là một trong những “điểm nóng” về an ninh trật tự. Thế nhưng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngăn chặn, đẩy lùi ma tuý
Xã Tri Lễ nằm cách trung tâm huyện Quế Phong khoảng 30km, là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh. Địa hình đa phần là rừng núi, vừa tiếp giáp các xã Châu Thôn, Nậm Nhoóng (Quế Phong); Hữu Khuông (Tương Dương), vừa tiếp giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào) với 17 km đường biên giới. Với những yếu tố đó, đây là cửa ngõ vận chuyển ma túy, lâm sản, động vật quý hiếm… từ Lào về và ngược lại, gây bất ổn về tình hình ANTT trên địa bàn.
Từ năm 2020, lực lượng công an chính quy về xã đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ gìn ANTT trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng và triển khai đồng bộ Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động các cấp, các ngành và toàn thể người dân trong việc xây dựng vành đai biên giới sạch ma túy.
Với đặc thù địa bàn có địa hình hiểm trở, với nhiều dân tộc sinh sống, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải triển khai nhiều biện pháp tiếp cận cũng như tuyên truyền phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào như: Tuyên truyền trực tiếp tại bản, nhóm hộ gia đình; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, loa kéo di động, phát tờ rơi với nội dung, hình ảnh gần gũi, dễ hiểu…Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, biên phòng còn chủ động học tiếng đồng bào để thuận lợi hơn trong công tác dân vận.
“Địa bàn xã có 5 bản Mông. Bà con khá khép kín nhưng họ đi rừng rất giỏi, vậy nên nhiều đối tượng lợi dụng bà con vận chuyển ma túy sang biên giới qua các đường tiểu ngạch. Do vậy, bên cạnh tiếp cận địa bàn để tuyên truyền, vận động, công an xã đã tham mưu, phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện áp sát và tấn công hàng loạt tụ điểm ma túy phức tạp trên địa bàn xã. Từ đó, loại bỏ được nhiều tụ điểm phức tạp, trà trộn trong khu dân cư” - Thượng úy Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Công an xã Tri Lễ cho biết.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong năm 2022, Công an xã Tri Lễ đã phát hiện 15 vụ việc liên quan đến mua bán ma túy, bắt giữ 17 đối tượng. Năm 2023, bắt giữ, khởi tố hình sự 7 vụ/ 9 đối tượng có liên quan đến ma túy; lập hồ sơ đưa 15 người đi Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện.
Cùng với lực lượng công an xã, Đồn Biên phòng xã Tri Lễ cũng đẩy mạnh các công tác nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát đấu tranh chống loại tội phạm, giảm thiểu tối đa các vấn đề phức tạp có thể xảy ra ở khu vực biên giới. Trong năm 2023, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã chủ trì, phát hiện, bắt giữ, khởi tố hình sự 5 vụ/8 đối tượng, tang vật thu được 23,63 gam heroin, 2.013 viên ma tuý tổng hợp dạng hồng phiến. Phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, các Đồn Biên phòng, lực lượng Công an bắt giữ, xử lý 6 vụ/6 đối tượng, tang vật thu được 76,6 gam heroin, 5.017 viên ma tuý tổng hợp dạng hồng phiến, 1 khẩu súng K59, 8 viên đạn. Qua đó, góp phần ổn định tình hình địa bàn (tháng 4/2022 ra mắt mô hình “Xã biên giới sạch ma tuý” thì đến tháng 3/2023 xã Tri Lễ đã được công nhận xã sạch ma túy).
Làm tốt công tác dân vận
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, nhiều mô hình, đề án có sức lan tỏa mạnh mẽ cũng được lực lượng chức năng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tích cực bám dân, bám bản để triển khai nhân rộng như: “Đảm bảo ANTT và phòng, chống buôn bán phụ nữ”; “Phòng ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết”, “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới”; Xây dựng điển hình già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhắc nhở, vận động người thân, dòng họ tránh xa các tệ nạn xã hội, không tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật… Qua đó, vừa giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, chủ động nắm bắt tình hình tại cơ sở. Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Công an xã Tri Lễ bộc bạch: “Lên công tác ở vùng cao, mỗi chiến sĩ công an chúng tôi xác định không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống, trấn áp tội phạm mà còn phải quan tâm, gần gũi với người dân, tư vấn cho bà con những vấn đề liên quan đến pháp luật. Từ đó, tạo được niềm tin, uy tín trong nhân dân. Khi đồng bào tin tưởng thì việc gì cũng có thể giải quyết”.
Ví như câu chuyện có thật ở bản Mường Lống, gia đình anh Thò Tồng S. và anh Thò Lành Th. có trang trại cạnh nhau, chung một hàng rào. Do việc chăn nuôi thả rông nên một con lợn nhà anh S. chạy sang nhà anh Th.. Hai bên không ai chịu nhường ai. Anh S. cho rằng anh Th. ăn trộm lợn của mình còn anh Th. tức giận vì bị anh S. vu oan. Để làm rõ chuyện này, anh S. mời Ban Quản lý bản cùng bà con làng xóm đến để phân xử. Tuy nhiên, chuyện vẫn không giải quyết được dứt điểm, anh S. tiếp tục viết đơn gửi lên chính quyền. Biết được chuyện này, Thượng uý Nguyễn Hồng Quân đã cùng chính quyền xã mời từng bên lên nói chuyện, phân tích cái lý, cái tình. Sau đó, anh Th. đã trả lợn cho anh S. và anh S. cũng chịu nói lời xin lỗi người hàng xóm của mình.
Còn đối với Đồn Biên phòng xã Tri Lễ, song song với công tác bám nắm địa bàn, cán bộ, chiến sĩ của Đồn cũng đã triển khai nhiều mô hình “Dân vận khéo” giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm những việc trái pháp luật. Trong năm 2023, Đồn đã duy trì 3 mô hình phát triển kinh tế; giúp dân 626 ngày công lao động, chăm sóc thu hoạch lúa và hoa màu; làm mới và tu sửa 1,5 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, sửa chữa 4 km kênh mương thủy lợi. Bên cạnh đó, phối hợp với Đoàn KTQP 4 mở lớp xóa mù chữ tại bản Mường Lống với 27 học viên; phối hợp với lực lượng công an xã và ban, ngành, đoàn thể địa phương khảo sát 109 hộ gia đình có nhà tạm bợ, dột nát; trực tiếp thi công 14 móng nhà ở 2 bản Mông Huồi Xái và Mường Lống theo Đề án Xoá nhà tranh tre, dột nát của Bộ Công an.
Nói về những chuyển biến trên địa bàn, ông Xồng Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Lực lượng Công an xã cùng Đồn Biên phòng đóng quân tại địa bàn luôn chủ động, kịp thời phối hợp, hỗ trợ Đảng ủy, chính quyền; đồng thời đề xuất, tham mưu nhiều chủ trương, mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân; huy động tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT, an ninh biên giới; tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương.