Ngành Y tế Nghệ An yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chuyển tuyến, chuyển viện

Thành Chung 15/12/2023 10:29

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, người dân ở Nghệ An nói riêng, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung đã có nhiều ý kiến phản ánh thủ tục chuyển tuyến, chuyển viện còn khó khăn, đề nghị cần phải linh hoạt, tạo thuận lợi cho người dân.

Bức xúc vì thủ tục chuyển tuyến

Ông L.T.N, 62 tuổi, ở huyện Quế Phong cho hay: “Tôi đi khám ở tuyến tỉnh, tuyến Trung ương theo diện tự nguyện. Sau khi phát hiện bệnh, bệnh viện yêu cầu tôi về đơn vị đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để thực hiện chuyển tuyến. Tôi lại phải về khám 1 lần ở tuyến huyện, chuyển lên tuyến tỉnh khám tiếp rồi mới được chuyển ra Trung ương điều trị. Tôi thấy rằng, việc xin giấy chuyển viện này rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi”.

bna_Tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh Thành Chung.jpg
Tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Thành Chung

Tương tự, chị N.T.S, 39 tuổi, ở thành phố Vinh bức xúc: “Con tôi đi điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh mà không thấy hiệu quả. Tôi muốn đưa con lên khám, điều trị ở tuyến trên thì bệnh viện giữ lại, không cho đi vì cho rằng vi phạm quy định. Vậy nên, tôi buộc phải xin ra viện và tự vượt tuyến, chấp nhận chỉ được hưởng 40% bảo hiểm y tế”.

Thực tế cho thấy vấn đề chuyển tuyến đã và đang gây bức xúc cho nhiều người dân. Những bức xúc này cũng phản ánh thực trạng người dân chưa tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh ở địa phương; nghi ngờ các đơn vị y tế cố tình giữ bệnh nhân... Người dân có tâm lý muốn được hưởng dịch vụ y tế, kỹ thuật khám, chữa bệnh chất lượng cao; mong muốn được khám, chữa bệnh ở tuyến trên, bất kể bệnh nặng hay nhẹ.

Trên diễn đàn Quốc hội, ngay trong kỳ họp vừa qua, đã có đại biểu đề xuất bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến để tạo thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh, sao cho phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.

Tại sao phải phân tuyến, thông tuyến?

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến: Xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) cũng quy định sự phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh, gồm 3 cấp: Cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp khám, chữa bệnh cơ bản và cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu. Không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đều quy định phân tuyến khám chữa bệnh, bệnh nhân muốn lên tuyến trên trước tiên phải có giới thiệu của tuyến dưới, hoặc bác sĩ gia đình (trừ cấp cứu).

Việc phân tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và phân loại bệnh nhân theo tuyến là rất cần thiết, nhằm bảo đảm hệ thống y tế từ tuyến cơ sở tới tuyến Trung ương phát triển bền vững, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân; tránh tình trạng bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới lại không có ai.

Từ năm 2016, Việt Nam đã thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng: Việc thông tuyến thời gian qua phù hợp với xu thế phát triển; đảm bảo quyền lợi người bệnh. Tuy nhiên, việc này đã phần nào gây nên tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên, giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở và gây mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Giấy chuyển viện có nên bỏ?

Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội về việc bãi bỏ giấy chuyển viện, đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nêu rõ: Với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến Trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến, vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến Trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ Bảo hiểm y tế.

Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. Cùng với đó, bệnh nhân quá đông trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế không phát triển theo kịp cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chính là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề chuyển viện, chuyển tuyến. Ảnh Thành Chung.JPG
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề chuyển viện, chuyển tuyến. Ảnh: Thành Chung

Giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Nếu bỏ giấy ngay, bệnh nhân “đổ” hết lên tuyến trên, hệ thống y tế cơ sở ngày càng không có người bệnh, chuyên môn y, bác sĩ tuyến dưới sẽ ngày càng "thui chột”. Sẽ có những bác sĩ ở tuyến dưới rời khỏi môi trường công lập khiến y tế cơ sở đã yếu càng thêm yếu. Như vậy hệ thống y tế sẽ bị phá vỡ, từ Trung ương xuống cơ sở, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và an sinh.

Cùng với đó, việc bỏ phân tuyến, bỏ giấy chuyển viện sẽ còn gây hệ lụy đến nguồn quỹ bảo hiểm. Ví dụ, bệnh nhân bị viêm dạ dày vốn có thể điều trị rất tốt ở bệnh viện tuyến tỉnh, song khi bệnh nhân này điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương sẽ khiến chi phí điều trị sẽ đội lên. Như vậy, việc bỏ phân tuyến, giấy chuyển viện còn kéo theo nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Giải quyết vấn đề chuyển tuyến nhằm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó. Để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

Đồng bộ các giải pháp

Có hay không việc cơ sở khám, chữa bệnh gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển tuyến, chuyển viện? Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Phạm Đình Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp nêu rõ: “Thời gian qua, đơn vị cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã tuân thủ về chuyên môn trong công tác khám, chữa bệnh, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đảm bảo an toàn, hợp lý và phù hợp quy định khi vượt quá khả năng chuyên môn".

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị.

Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn… Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến.

Quy định về việc chuyển tuyến rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người do chưa hiểu rõ nên đã nghĩ rằng, cơ sở khám chữa bệnh gây khó dễ, tìm cách giữ bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: “Nếu bệnh viện không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị thì chúng tôi sẽ chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân. Nếu bệnh viện có đủ năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh thì chúng tôi sẽ động viên, thuyết phục họ ở lại điều trị. Khi lên tuyến trên, chắc chắn bản thân người bệnh và gia đình sẽ tốn kém chi phí đi lại, ăn ở, điều trị hơn...”

Tại Công văn số 4007/SYT-NVY ngày 07/12/2023 của Sở Y tế về việc thực hiện đúng các quy định về chuyển tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, ngành Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về chuyển tuyến, chuyển viện; đồng thời yêu cầu các cơ sở không được “giữ” bệnh nhân; đảm bảo tốt quyền lợi của người bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Liên ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội Nghệ An còn có thêm những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người bệnh. Cụ thể, liên ngành đã tiến hành đánh giá năng lực của từng cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh để có hướng dẫn chung về chuyển tuyến, giảm thiểu phiền hà cho người bệnh, chẳng hạn: Chuyển từ trạm y tế lên các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện 4 - Cục Hậu cần Quân khu 4 đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định ung thư; chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An các trường hợp đã có sổ theo dõi điều trị bệnh tâm thần...

Thành Chung