Những loại đèn trên ô tô tài xế mới cần biết

Phạm Duy 17/12/2023 07:18

Trong thực tế, một số tài xế, đặc biệt là tài xế mới vẫn khá lúng túng trong việc bật/tắt, điều chỉnh các chế độ đèn khác nhau trên ô tô.

Điều này gây ảnh hưởng nhất định đến độ an toàn khi xe lưu thông trên đường. Thậm chí nhiều trường hợp còn bị cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi sử dụng đèn chiếu sáng không đúng.

Vì vậy, nắm rõ tác dụng cũng như cách bật tắt, điều chỉnh hệ thống đèn pha, cos, xi nhan hay đèn sương mù... trên ô tô được xem như bài học vỡ lòng quan trọng với những “tài mới”.

Các loại đèn trên ô tô

cac-he-thong-den-xe-oto-va-nhung-492.jpeg
Các hệ thống đèn xe ôtô và những điều lái mới cần biết. Ảnh minh họa

Đèn pha và đèn cos

Đèn cos là đèn chiếu gần có góc chiếu thấp, giúp người lái quan sát tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi xe đi với tốc độ thấp, trong khu đô thị và khu dân cư.

Đèn hậu

Đèn hậu có vị trí ở 2 bên đuôi xe. Chúng phát ra ánh sáng màu đỏ để báo hiệu cho xe phía sau biết về sự hiện diện của ô tô đang di chuyển. Nhờ đó, xe phía sau có thể chủ động duy trì khoảng cách phù hợp.

Đèn sương mù

Đèn sương mù được đặt ở vị trí thấp, ở phía dưới cản trước của xe hoặc phía sau xe, có chức năng chiếu sáng vào những lúc thời tiết xấu như mưa, sương mù…

Hệ thống đèn sương mù hoạt động độc lập với đèn pha, có thể sử dụng khi đèn pha không phát huy tác dụng trong thời tiết xấu.

Đèn xi nhan

Đèn xi nhan có vị trí ở đầu và đuôi xe, ở bên cạnh đèn pha và đèn hậu. Loại đèn này có tác dụng báo hiệu các phương tiện khác hướng mà xe sắp rẽ.

Đèn phanh

Đèn phanh là một phần trong tổng thể cụm đèn hậu, nó sẽ bật sáng hoặc sáng hơn so với bình thường khi bạn đạp chân phanh, có tác dụng báo hiệu cho các lái xe phía sau biết bạn đang giảm tốc độ hay dừng lại.

Đèn khẩn cấp

Đèn khẩn cấp được thể hiện ở cả đầu xe và đuôi xe thông qua tín hiệu xi nhan đồng thời cả hai bên. Đèn khẩn cấp báo hiệu cho các tài xế khác biết rằng ô tô đang gặp vấn đề.

Hệ thống đèn trong cabin

Hệ thống đèn trong cabin bao gồm: đèn trên nóc cabin, đèn bảng điều khiển, đèn ABS, đèn báo hiệu áp suất dầu, đèn báo lỗi động cơ...Theo đó, mỗi loại đều có một chức năng riêng.

Cách chỉnh đèn trên ô tô

Tùy theo cách bố trí của nhà sản xuất mà có thể chia làm 2 cách là sử dụng cần điều khiển bên trái vô lăng hoặc dùng núm xoay tích hợp trên táp lô gần bệ cửa người lái.

Để mở đèn chiếu sáng phía trước, người lái chỉ cần xoay công tắc điều khiển về ký hiệu đèn pha (thường có biểu tượng ba vạch ngang theo hình của đèn pha). Khi được bật, đèn chiếu sáng phía trước của xe sẽ thường mặc định ở chế độ chiếu gần (cos). Để chuyển sang chế độ đèn chiếu xa (pha), người lái chỉ cần đẩy cần điều khiển tích hợp bên trái trụ vô lăng về phía trước.

Lúc này, trên mặt đồng hồ sẽ hiển thị biểu tượng đèn sáng xanh (biểu tượng ba vạch ngang theo hình của đèn pha) để báo hiệu cho người lái xe đang bật đèn pha. Ngược lại, khi kéo cần về phía sau (phía người lái) đèn sẽ chuyển sang chế độ chiếu gần (cos).

Trong một số trường hợp, để phát tín hiệu cảnh báo cho xe phía trước, người lái có thể nháy đèn pha, thông qua việc đẩy, trả cần điều khiển tích hợp bên trái trụ vô lăng ít nhất 1 - 2 lần liên tiếp về phía sau (phía người lái).

Khi cần chuyển làn đường hoặc chuyển hướng…người lái cũng sử dụng cần điều khiển tích hợp bên trái trụ vô lăng để mở đèn xi nhan. Cụ thể, để bật đèn xi nhan phải, người lái gạt cần này lên trên. Ngược lại, khi gạt xuống phía dưới, xi nhan trái sẽ được mở.

Tương tự, để bật đèn sương mù, đèn định vị ban ngày DRL…người lái chỉ cần xoay công tắc điều khiển lần lượt về ký hiệu chỉ biểu tượng hai loại đèn này. Mỗi xe có cách thiết kế công tắc điều chỉnh đèn khác nhau, vì vậy để có thể nắm rõ, người dùng nên đọc sách hướng dẫn sử dụng kèm theo xe.

Với những xe sử dụng núm vặn, người lái sẽ có cái nhìn trực quan và dễ dàng thao tác hơn so với cần gạt truyền thống. Lúc này, vị trí cần gạt truyền thống bên trái vô lăng chỉ còn sử dụng để chuyển đổi các chế độ pha-cos và đèn báo rẽ.

Những lưu ý để sử dụng đèn đúng cách

Khi phải di chuyển vào ban đêm trên đường cao tốc, người lái có thể dùng đèn pha bình thường, nhưng khi gặp xe đi ngược chiều, bạn nên giảm tốc độ đồng thời chuyển đèn pha sang đèn cos cho tới khi xe đi ngược chiều đã đi qua.

Nên tập thói quen đá pha (nháy pha, chuyển liên tục giữa cos-pha) khi sang đường hoặc cần vượt qua xe khác. Đối với ô tô thì đèn pha sẽ là một công cụ xin tốt hơn cả còi xe, do ô tô khi di chuyển thường đóng kín cửa xe rất khó để nghe được âm thanh phát ra từ còi.

Nếu quan sát thấy xe đi ngược chiều nháy đèn pha thì bạn hãy kiểm tra đèn trên xe có đang ở chế độ pha hay không. Đây là điều bạn cần phải ghi nhớ bởi những người đi ngược chiều có thể bị đèn pha ô tô của bạn làm cho lóa mắt, có thể dẫn tới mất lái và gây tai nạn giao thông.

Thường xuyên bảo dưỡng hệ thống đèn pha ô tô, căn chỉnh đúng luồng sáng của pha cốt và thay thế đèn pha sau một thời gian sử dụng để đảm bảo được độ chiếu sáng an toàn nhất khi sử dụng.

Phạm Duy