Người dân Đan Lai làm giàu từ nuôi loài chuột chuyên ăn tre
(Baonghean.vn) - Từ một hộ nuôi khảo nghiệm ban đầu, đến nay, toàn xã Lục Dạ (Con Cuông) đã có 10 hộ nuôi dúi (hay còn gọi là chuột mốc) với số lượng lên đến vài nghìn con. Đây là loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng về sinh kế cho người dân vùng miền núi này.
Nếu như trước đây, kinh tế gia đình chị Lê Thị Mày - một hộ dân tộc Đan Lai ở bản Mọi (xã Lục Dạ) phụ thuộc vào nương rẫy, cuộc sống khá khó khăn thì 3 năm nay, nhờ nuôi dúi mà chị đã có “của ăn, của để”. Tận dụng nhà cũ để hoang, anh chị láng nền để bảo đảm vệ sinh và dùng gạch men (loại ốp nhà) để ngăn chuồng theo từng ô, dùng keo silicon dán các góc tiếp giáp để cố định theo hình khối vuông 50 cm, mỗi ô nuôi 1 cặp dúi bố mẹ hoặc nuôi dúi thịt, dúi sinh sản.
Chị Lê Thị Mày cho biết: “Nhà gần rừng, tre, mét nhiều, cây đót cũng nhiều nên thức ăn cho dúi rất phong phú. Nền nhiệt ở vùng này rất phù hợp để nuôi dúi. Tuy nhiên, để nuôi thành công thì người nuôi phải nắm bắt các kỹ thuật chăm sóc dúi; nắm rõ đặc điểm sinh trưởng của dúi; biết cách chống nóng, chống lạnh phù hợp”.
Theo tính toán của chị Mày, mỗi năm, dúi sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa, dúi mẹ sinh từ 3 đến 4 dúi con. Đối với dúi thịt, sau khoảng từ 6 đến 8 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2,3 kg và có thể bán ra thị trường. Hiện, với 300 cặp dúi bố mẹ, mỗi tháng gia đình chị cung ứng ra thị trường từ 30 đến 40 cặp dúi giống. Tùy trọng lượng mà dúi giống có giá khác nhau, loại từ 0,4 đến 0,5kg có giá 1,2 triệu đồng/cặp; lớn hơn có giá từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng.
Cùng với bán dúi giống, trang trại gia đình chị còn bán dúi thịt cho các nhà hàng với giá dao động từ 500 đến 550 nghìn đồng/kg, mỗi năm cho tổng doanh thu cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, phân dúi còn được thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh trở thành phân vi sinh bón cho cây trồng rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình trong trồng trọt.
Nếu như chị Mày là hộ dân tộc Đan Lai đầu tiên thành công với mô hình nuôi dúi thì trước đó, ở bản Mét và bản Yên Hoà đã có một vài hộ dân tộc Thái thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi dúi. Từ hiệu quả của các hộ nuôi thử nghiệm mang lại, mô hình nuôi dúi ở Lục Dạ dần nhân rộng.
Bắt đầu từ năm 2021, anh Lộc Văn Truyền (bản Mét) đã tìm tòi, học hỏi các mô hình nuôi dúi trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy mô hình chăn nuôi dúi ít vốn đầu tư ban đầu, dễ thực hiện, ít tốn công chăm sóc và đầu ra tốt, đầu năm 2022 thì anh nhập con giống về nuôi.
“Ban đầu, tôi chỉ mua 10 cặp dúi giống từ một cơ sở tại địa phương với giá khoảng 1,4 triệu đồng/cặp. Chỉ sau 6 tháng, đàn dúi lần lượt sinh sản, gia tăng số lượng. Đến nay, tổng đàn đã lên đến 80 cặp”, anh Truyền cho biết.
Từ vài chuồng ban đầu, hiện khu gia trại của gia đình anh được mở rộng lên 100m2 và được lắp đặt hơn 100 chuồng dúi để nhân đàn. Ở các chuồng đều được thiết kế kẽ hở nhỏ phần đáy để dúi đẩy chất thải và thức ăn dư thừa ra ngoài, bảo đảm vệ sinh chuồng trại.
“Nuôi dúi rất nhàn, không tốn thời gian. Mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 30 phút để dọn dẹp chuồng trại và cho dúi ăn. Đối với dúi trưởng thành, mỗi ngày cho ăn 1 lần, với khẩu phần bao gồm 1 lóng mía dài 5 cm, thanh tre tươi kết hợp bắp ngô khô. Thức ăn cho dúi đều tự cung, tự cấp. Tre, mét chặt trên rừng; ngô, mía trồng trong vườn nên không tốn một đồng nào thức ăn cho dúi”, anh Truyền cho biết.
Đến nay, toàn xã Lục Dạ (Con Cuông) đã có 10 hộ nuôi dúi với số lượng lên đến vài nghìn con. Đây là loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao “một vốn bốn lời” đang mở ra triển vọng về sinh kế cho người dân miền núi…
Ông Vi Văn Hiền - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Lục Dạ cho biết: “Dúi là loại rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Đặc biệt, nguồn thức ăn cho dúi ở địa phương khá dồi dào; kỹ thuật nuôi khá đơn giản phù hợp với tập quán chăn nuôi của đồng bào. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Do đó, dúi là vật nuôi triển vọng để tạo sinh kế ổn định cho người dân miền núi Lục Dạ”.