Cải mẹo (hay còn gọi là cải mèo) là giống rau cải truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Cách trồng rau cải mẹo rất đặc biệt, hạt giống cây sẽ được gieo trồng một cách tự nhiên để mọc thành cây chứ không trồng thành các lối, các hàng. Ảnh: Thanh Phúc Cây cải mẹo thân to dài, cứng cáp, chịu được sự cằn cỗi của núi đá và lạnh lẽo của sương mù. Theo ngôn ngữ đồng bào dân tộc Mông, rau cải mẹo được gọi là cải hùa. Ảnh: Hoài Thu Khi những cơn gió tràn qua từng khe núi, bầu trời xám xịt, lạnh giá cũng là thời điểm người dân lên rẫy thu hoạch cải mẹo. Ảnh: Thanh Phúc Cải mẹo cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng Giêng. Ảnh: Hoài Thu Ở bản Phà Xắc (xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn), có 30 hộ là đồng bào Mông chuyên trồng cải mẹo trên núi cao với khoảng 30ha. Chị Vừ Y Ma - một hộ trồng rau cải mẹo cho biết: “Cải mẹo có thể chống chịu được thời tiết khắc nghiệt nhất là rét đậm, rét hại; khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Quá trình trồng cải mẹo người Mông không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học nên cực kỳ an toàn với sức khỏe”. Ảnh: Thanh Phúc Cải mẹo được bán ở các ngã ba, ngã tư, nơi giao nhau giữa các xã vùng biên phục vụ khách qua đường. Vài năm nay, thương lái ở xuôi cũng lên thu mua cải mẹo từ vùng biên về bán ở các chợ, các cửa hàng thực phẩm. Giá cải mẹo tại ruộng hiện là 20.000 đồng/kg hoặc bán theo bó là 10.000 đồng/bó. Ảnh: Hoài Thu Rau cải mẹo có vị hơi đắng, giòn và dai. Rau có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon như: luộc, nấu canh, xào hoặc nhúng lẩu. Dân bản thường dùng tay vặn rau thành từng khúc thả vào nồi, vớt rau ra, vắt hết nước, cho thêm chút gia vị và trở thành món ngon khó quên. Ảnh: Thanh Phúc Ngoài cải mẹo, thời điểm rét đậm cũng là khi người dân thu hái ngồng hoa cải. Nằm chen giữa những vách đá, cải ngồng lại nổi bật hơn hẳn với màu xanh của lá, màu vàng của hoa và thân cây mướt xanh đầy nhựa sống. Ảnh: Hoài Thu Những sạp hàng ở chợ biên nổi bật với sắc xanh thẫm của cải mẹo và sắc vàng của ngồng hoa cải. Ảnh: Thanh Phúc
Trải nghiệm thu hoạch cải mẹo cùng phụ nữ đồng bào dân tộc Mông. Clip: Phúc - Thu
Thanh Phúc - Hoài Thu