Người dân miền Tây Nghệ An đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ đặc sản Tết qua mạng

Thanh Phúc - Ngọc Khánh 20/12/2023 15:45

(Baonghean.vn) - Thời điểm cuối năm, các cơ sở chế biến bò giàng, lạp xưởng (Kỳ Sơn, Tương Dương), rượu Khâu Hin (Con Cuông) và thịt chua (Quế Phong)… vừa khẩn trương đẩy mạnh sản xuất, vừa tập trung quảng bá, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cung ứng cho thị trường Tết.

Clip: Phúc - Thu
bna_Loan.jpg
Là cơ sở sản xuất bò giàng lớn và lâu năm ở thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), trung bình, mỗi vụ Tết (3 tháng từ tháng 10-tháng Chạp), chị Nguyễn Thị Loan tiêu thụ khoảng 7 tạ bò giàng khô (tương ứng 5 tấn thịt bò tươi). Ảnh: Thanh Phúc
bna_ghép 4.jpg
Nguyên liệu làm bò giàng được lựa chọn từ những miếng thịt ngon của giống bò vàng địa phương, ướp với gia vị truyền thống, trong đó, không thể thiếu mắc khén. Do đó, món bò giàng Kỳ Sơn luôn có độ dai, thơm, ngọt với hương vị không thể trộn lẫn. Hàng Tết được đóng gói theo yêu cầu của khách, hút chân không và dán nhãn mác, mã vạch truy xuất đầy đủ. Đặc biệt, các công đoạn chế biến, đóng gói đều được phát trực tiếp (livestream) trên trang Facebook, TikTok để khách hàng dễ dàng “kiểm định” và đặt hàng. Ảnh: Hoài Thu
bna_củi.jpg
Ngoài chuẩn bị thịt, gia vị… để giàng hàng ngày, cơ sở của chị Loan cũng chi 30 triệu đồng mua củi dự trữ, làm nhiên liệu phục vụ sản xuất thịt giàng. Ảnh: Thanh Phúc
bna_kkk.jpg
Các cơ sở vừa sản xuất, vừa đăng bài, livestream bán hàng qua mạng xã hội, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Ảnh: Hoài Thu
bna_lạp xưởng.jpg
Lạp xưởng, đặc sản của huyện Tương Dương cũng trở thành món ngon trong mâm cỗ mỗi khi Tết đến, Xuân về. Do đó, lượng hàng tiêu thụ vào dịp Tết khá nhiều. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng truyền thống ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) những ngày này liên tục đỏ lửa để làm lạp xưởng. Ảnh: Thanh Phúc
bna_phơi.jpg
“Lạp xưởng thì nhiều cơ sở sản xuất nhưng chúng tôi làm theo phương pháp gia truyền từ bao đời để lại. Cha mẹ tôi người gốc Hoa nên có những gia vị, bí quyết riêng để làm ra món lạp xưởng mang hương vị riêng. Sau khi chế biến, chúng tôi hông sơ, phơi nắng, sau đó mới giàng bằng sức nóng của than và khói bếp”, chị Thảo cho biết. Ảnh: Hoài Thu
Ảnh chụp Màn hình 2023-12-20 lúc 11.19.51.png
Thịt chua (còn được gọi là chin xôm) là món ngon của người Thái ở huyện Quế Phong. Giờ đây, đặc sản này đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, nhờ vậy mà ngày càng được nhiều người sử dụng, nhất là trong bữa cơm ngày Tết. Trước đây, thịt chua được bà con chế biến từ thịt thú rừng như nai hay lợn rừng, còn nay chủ yếu được làm bằng thịt lợn sạch. Những miếng thịt ngon được thái thành miếng nhỏ và đều; trộn với thính gạo, gia vị lá cây rừng. Sau đó được đưa vào các ống nứa để lên men. Thịt chín, có mùi chua và thơm ngon tự nhiên. Sản phẩm thịt chua được giới thiệu thường xuyên tại các hội chợ trong tỉnh và trong nước. Ảnh: Thanh Phúc
bna_11.jpg
Được sản xuất theo phương pháp truyền thống, rượu nếp cái khâu hin ở thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông) rất được thị trường ưa chuộng, nhất là trong dịp cuối năm. Để phục vụ thị trường Tết, ngoài đóng gói bằng chai, hũ thuỷ tinh, sành, sứ theo dung tích khác nhau thì chủ cơ sở còn trang trí bằng giỏ tre đẹp mắt. Chị Lữ Thị Khuyên, chủ cơ sở sản xuất cho biết: "Hiện, đơn đặt hàng rượu Tết đã lên đến 3.000 lít các loại. Chủ yếu bán qua kênh thương mại điện tử, khách hàng ở trong tỉnh, ngoại tỉnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...". Ảnh: Thanh Phúc

Thanh Phúc - Ngọc Khánh