Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật thì bị phạt như thế nào?

PL 20/12/2023 20:00

(Baonghean.vn) - Công ty tôi có chế biến thành phần cho 1 đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và sau đó họ bị bắt vì tội làm hàng giả. Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật thì bị phạt như thế nào? Vấn đề quan tâm của anh Nguyễn Văn Tuấn (TP. Vinh).

Trả lời: Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.

Tại ý 6 Điều 195, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định Pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều này Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79, của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền cao nhất là 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội tại Điều 79 BLHS 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại có thể phải chịu những hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

PL