Chiến lược 'chậm phê duyệt' của Mỹ khiến Ukraine không thể giành chiến thắng

Mỹ Nga 21/12/2023 13:56

(Baonghean.vn) - Theo Time, Mỹ tuân thủ chính sách "chậm phê duyệt" đối với Kiev. Điều này có nghĩa, Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận đủ vũ khí để tiếp tục xung đột, nhưng không đủ uy lực để giành chiến thắng.

lính u cà.JPG
Binh lính Ukraine ngày càng suy kiệt trên chiến trường. Ảnh: AP

Bình luận về viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine, Tờ Time bình luận, sau câu trả lời "Có", câu trả lời tốt thứ hai sẽ là "không nhanh chóng". Tuy nhiên, câu trả lời tệ nhất là "không chậm". Khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đang dần bước sang năm thứ hai, một chiến thắng trên chiến trường hay một giải pháp thương lượng dường như khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Ukraine kêu gọi viện trợ quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ quân sự, song câu trả lời nhận lại là "không chậm".

Trong khi Quốc hội Mỹ đang tranh cãi nội bộ về một gói viện trợ cho Ukraine, Washington và NATO vẫn đang gửi nhiều hệ thống vũ khí "nhạy cảm" tới Kiev, vốn được giới chức Ukraine yêu cầu từ năm 2022. Bất chấp việc phương Tây thiếu năng lực sản xuất, số vũ khí này bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams thế hệ đầu tiên, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, và trong tương lai là máy bay chiến đấu F-16.

Dù số lượng vũ khí nhỏ hơn mức mà Ukraine mong muốn, nhưng trong vài tháng qua, chúng đã xuất hiện trên chiến trường. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi hoàn toàn ngay trước cả khi Kiev nhận được lô hàng hóa này.

Theo Time, những vùng lãnh thổ rộng lớn giữa Nga và Ukraine đã không được "đổi chủ" trong hơn 1 năm. Quân đội Nga đã tiến sâu vào, xây dựng các công sự và chiến hào phòng thủ rộng khắp. Cuộc chiến cơ động đã kết thúc. Năng lực của Ukraine đang suy giảm.

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine thường vấp phải những lập luận rằng, quân đội Ukraine yếu kém không có cơ hội chống lại quân đội Nga. Tuy nhiên, những lập luận này đã thay đổi giọng điệu, khi phản đối việc cung cấp hệ thống vũ khí của NATO cho Kiev. Khi đó, Mỹ đã từ chối yêu cầu chuyển giao các loại vũ khí hiện có, vì lo ngại điều đó có thể dẫn đến sự leo thang thù địch, khiến Nga tấn công một thành viên NATO hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Theo Time, Tổng thống Nga Putin đã "khéo léo khơi dậy nỗi lo sợ leo thang" giữa các đồng minh của Ukraine. Trong những tháng đầu quan trọng đó, khi quân đội Nga đang gặp căng thẳng, chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh châu Âu đã lãng phí thời gian quý báu cho Ukraine. Thậm chí điều này tạo điều kiện cho Nga tập hợp và củng cố sức mạnh.

Vào tháng 10 năm 2022, sau khi Ukraine phát động phản công vào Kharkov, Tổng thống Biden đã không ca ngợi hành động này. Thay vào đó, ông cảnh báo người Mỹ về một "ngày tận thế hạt nhân" tiềm tàng.

Khi nói đến viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Putin đã sử dụng khả năng răn đe hạt nhân để điều tiết việc vận chuyển vũ khí tới Kiev. Và điều này mang lại cho "ông chủ" Điện Kremlin một lợi thế quan trọng trong việc thiết lập nhịp độ của cuộc xung đột. Họ chọn thời điểm tăng hoặc giảm các mối đe dọa của mình, và Mỹ phản ứng bằng cách tăng hoặc giảm nguồn cung.

Time cho rằng, điều này đã dẫn đến một loại "chiến tranh giả". Trong đó, Mỹ và NATO cổ vũ chiến thắng của Ukraine và dần dần cung cấp cho nước này các loại vũ khí hiện đại, nhưng cung cấp chúng một cách chậm rãi và với số lượng vừa đủ để Ukraine chiến đấu, song không thể giành chiến thắng. Đây là một chiến lược chậm chạp của Mỹ và NATO.

"Nếu chính quyền ông Biden và các đồng minh NATO quyết liệt trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine trong những ngày đầu xung đột, rất có thể chiến dịch đặc biệt của Nga đã thất bại. Nhưng có lẽ sẽ không bao giờ có sự hỗ trợ quyết liệt như vậy dành cho Kiev từ phương Tây. Bởi lợi ích quốc gia của Mỹ không trùng khớp với lợi ích của Ukraine. Mỹ từ lâu đã hành động như thể họ cần một nước Nga ổn định" - tờ Time bình luận.

Ấn phẩm cho rằng, cuộc xung đột sẽ tiếp tục trong năm 2024. Ukraine sẽ nhận được vũ khí mới, nhưng tiến bộ trên chiến trường sẽ chỉ được đo lường theo từng bước nhỏ. Các đồng minh sẽ tiếp tục chậm rãi đưa ra lời "đồng ý" để đáp lại những yêu cầu không có giới hạn của Ukraine./.

Mỹ Nga