Cảnh báo đột quỵ não ở người trẻ tuổi

Thành Chung - Hồ Hà 29/12/2023 17:46

(Baonghean.vn) - Mới đây, 1 trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi vừa được Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chụp và can thiệp mạch lấy huyết khối động mạch não thành công. Bệnh nhân được điều trị đạt hiệu quả tốt và không để lại di chứng.

Bệnh nhân bị đột quỵ não là nam (31 tuổi); tiền sử khỏe mạnh. Buổi sáng, bệnh nhân ra đi làm thì đột ngột bị gục ngã tại nhà gửi xe cơ quan. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng ý thức ngủ gà, liệt nửa người trái hoàn toàn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, bệnh nhân được khám, hội chẩn và chẩn đoán bị nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch cảnh trong - não giữa bên phải, lóc tách động mạch trong phải đoạn gốc (bắt đầu từ đoạn gốc động mạch cảnh trong).

Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học và đặt Stent động mạch cảnh gốc. Thời gian can thiệp khoảng 30 phút cho kết quả tái thông hoàn toàn TICI3.

z5020285122672-910b6227c57ef2c48d215d6f0004af59-1736.jpg
Các bác sĩ thực hiện can thiệp mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Hồ Hà

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh và cử động khá tốt nửa người trái. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo bình thường, liệt được hồi phục hoàn toàn và được ra viện về nhà, tiếp tục công việc hàng ngày.

Theo các bác sĩ, đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 15% các ca đột quỵ nói chung. Con số này đang ngày một tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người trẻ hiện chưa quan tâm phòng bệnh đúng mức. Đặc biệt, chưa nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ để kịp thời cấp cứu và điều trị hiệu quả.

Đột quỵ não ở người trẻ là trường hợp nhóm người bệnh dưới 45 tuổi bị đột quỵ, bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não (trước đây độ tuổi đột quỵ thường trên 65 tuổi).

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người bệnh bị đột quỵ ở người trẻ tuổi và trung niên chiếm khoảng gần 40%. Theo thống kê từ WSO (Hội Đột quỵ thế giới) vào năm 2022: Mỗi năm có hơn 16% người bị đột quỵ nằm trong độ tuổi từ 15- 49 tuổi (trong tổng 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm ) và số người tử vong khoảng 6,5 triệu trường hợp và người trẻ chiếm khoảng 6% trong số này.

z5020294198262-c32acb6141c970fd1e4a19eb8c2a1e48-1172.jpg
Đặt Stent gốc động mạch cảnh trong phải cho bệnh nhân. Ảnh: Hồ Hà

Bác sĩ Lê Quang Toàn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: “Người bệnh thường chưa phát hiện các bệnh lý nền trước đó, đột ngột xuất hiện các triệu chứng: Méo miệng, yếu tay và chân một bên, nói khó, khó phát âm, khó diễn đạt lời nói, rối loạn ý thức hoặc giảm ý thức, đột ngột đau đầu dữ dội, rối loạn thăng bằng, đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị trường một vùng… Khi phát hiện các triệu chứng trên hãy đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất có khả năng điều trị đặc hiệu trong những giờ sớm nhất mà không để chờ đợi ở nhà”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: Hiện nay, tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn máy chụp DSA vào thường quy để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não. Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được cứu sống và hồi phục lại được chức năng nhờ được thực hiện kỹ thuật này.

Kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não được chỉ định cho các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não tới sớm trong 6 giờ đầu của bệnh. Vì vậy, nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ hãy đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể.

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có đội ngũ thầy thuốc trình độ cao chuyên sâu với bề dày 10 năm kinh nghiệm trong chụp và can thiệp mạch não qua hàng nghìn ca can thiệp thành công đã được ghi nhận và giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế./.

Thành Chung - Hồ Hà