Thanh Chương tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ
(Baonghean.vn) - Có nguồn đất đai lớn, đa dạng thổ nhưỡng cùng sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người nông dân, huyện Thanh Chương đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn với một số sản phẩm chủ lực mà địa phương có lợi thế.
Những nông dân cần cù, sáng tạo
Nông trại Ngọc Hường ở xóm Khe Trảy, xã Thanh Đức (Thanh Chương) trồng cam bằng phương pháp hữu cơ thay cho dùng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Cây cam được bón bằng phân chuồng ủ vỏ lạc và sử dụng men vi sinh ủ chuối chín, cá tép tươi; thân cây chuối ủ vào gốc cam để tăng ka li, đạm, độ ẩm đất; cùng đó sử dụng chế phẩm men vi sinh, kháng nấm và nấm xanh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phun phòng nấm và sâu bệnh; sử dụng túi vải bọc từng quả cam hoặc phủ màn đối với những cây sai quả nhằm bảo vệ bướm, ruồi vàng chích quả cam.
Hiện tại nông trại cam Ngọc Hường đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiểm nghiệm, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cam hữu cơ theo quy định tại Nghị định số 109, ngày 29/08/2028 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Chị Nguyễn Thị Hường - chủ nông trại cam Ngọc Hường cho biết, canh tác theo phương pháp hữu cơ vất vả hơn, chi phí cao hơn; mặt khác, khi mưa xuống, quả cam rụng nhiều hơn so với phun thuốc hóa học. Song lợi ích mang lại vô cùng lớn: đất được cải tạo tốt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn cho người trồng cam; cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; giá trị quả cam tăng, bán tại vườn như năm nay là 50 – 65 nghìn đồng/kg, trong khi giá cam trên thị trường chỉ có 20 – 30 nghìn đồng/kg. Dự kiến 5 ha cam năm nay, nông trại sẽ thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Cũng tại xã Thanh Đức, ở xóm Sướn, có trang trại cam bác sĩ Khánh quy mô 5 ha, bình quân mỗi năm đạt khoảng 70 tấn quả, được sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam quy định.
Ngoài sản phẩm cam ở xã Thanh Đức được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, tại huyện Thanh Chương có nhiều nông dân đang trăn trở để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trong đó có anh Lâm Văn Tiến, ở thôn Lam Thịnh, xã Thanh Thịnh. Vườn bưởi trên 4.000m2 của gia đình anh Tiến được trồng giống bưởi đường có nguồn gốc từ tỉnh Hoà Bình do đích thân anh đưa về.
Xác định rõ trách nhiệm đối với sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng, ngay khi đưa cây bưởi vào trồng năm 2018, anh Tiến tự mày mò tìm hiểu và áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ: Sử dụng phân vi sinh tự chế từ phân chuồng và các loại cây thực vật khác; sử dụng chế phẩm tự chế bằng ớt cay, thuốc lào, gừng, cá rô để phòng sâu bệnh cho cây và quả bưởi.
Với ưu thế giống bưởi đường quả tròn, múi đều, mọng, ngọt, cùng với chăm sóc tỉ mỉ, an toàn vệ sinh thực phẩm,... sản phẩm bưởi từ vườn gia đình anh Lâm Văn Tiến được thị trường ưa chuộng.
Anh Tiến cho biết, trong tổng số 150 gốc bưởi, có 100 gốc cho quả mùa này là mùa thứ 3, dự kiến thu 250 triệu đồng (đã trừ chi phí); bưởi của gia đình không chỉ cung ứng thị trường địa phương, mà còn ship tại TP. Vinh, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…
Hiện tại, trên địa bàn huyện Thanh Chương, ngoài sản phẩm cam với 10 ha được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, còn có sản phẩm bưởi Thanh Mỹ, bưởi Thanh Thịnh được sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ.
Hướng tập trung chỉ đạo
Từ điều kiện nguồn đất đai lớn, đa dạng thổ nhưỡng, cùng với sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người nông dân, đặc biệt địa phương có một số cây trồng có lợi thế với diện tích lớn như chè hơn 4.800 ha (diện tích nhiều nhất tỉnh), cây cam và bưởi hơn 800ha,... huyện Thanh Chương đã ban hành Đề án phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi phải phù hợp với Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 –2030; tạo ra các sản phẩm chè, cam, bưởi đạt bộ tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh chú trọng chuyển đổi nền nông nghiệp từ truyền thống sang sản xuất hữu cơ, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo phát triển theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên đất Thanh Chương, đồng chí Trình Văn Nhã cũng cho rằng, bên cạnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thì cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần cùng đồng hành với nông dân trong kết nối, đưa các sản phẩm ra thị trường; lan toả các sản phẩm hữu cơ trên đất Thanh Chương ra các thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ; cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng sẽ đồng hành với nông dân trong kết nối, đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Thanh Chương ra thị trường trong và ngoài nước.
Thực tiễn, thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng ở địa phương như cam hữu cơ Thanh Đức, bưởi hữu cơ Thanh Mỹ, trám đen, nhút Thanh Chương…, đã được lãnh đạo huyện đưa đi giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các hội nghị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các hội chợ trong cả nước; đưa sản phẩm vào các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng, đặc trưng.
Huyện cũng đang có chủ trương xây dựng, đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tạo thêm một điều kiện lan tỏa các sản phẩm của địa phương đi xa hơn.