Hai chàng trai quê Tân Kỳ đam mê tiếng sáo

Thành Chung 31/12/2023 11:20

(Baonghean.vn) - Chuyện đời hai chàng trai ấy đẹp giống như lời ca, điệu sáo của họ mỗi khi cất lên, đã truyền cảm hứng cho bao người. Hai chàng trai đó là Ngô Sĩ Ngọc và Nguyễn Văn Mão, cùng là người con quê hương Tân Kỳ.

“Nghệ sĩ bình dân” A Páo

Nhiều du khách từng nghỉ chân trên đỉnh núi Mã Pí Lèng hùng vĩ của miền cao nguyên đá Hà Giang, đã rất ấn tượng với một chàng trai trong trang phục đồng bào Mông bản địa với nghệ danh A Páo, là chủ một quán cà phê ở đây. A Páo thân thiện, hiếu khách, chuyện trò dí dỏm và có biệt tài ca hát, chơi được nhiều loại nhạc cụ, trong đó có cây sáo Mông.

ngo-si-ngoc-bieu-dien-thoi-sao-hmong-2-28.jpg
Ngô Sĩ Ngọc biểu diễn thổi sáo Mông quảng bá cho du lịch Hà Giang. Ảnh: NVCC

A Páo tên thật là Ngô Sỹ Ngọc (SN 1988), tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc, chàng trai này đã lựa chọn Hà Giang để lập nghiệp, làm quê hương thứ hai của mình… Với tình yêu đặc biệt với Hà Giang, A Páo đã miệt mài quảng bá, lan tỏa hình ảnh cao nguyên đá tới du khách qua lời ca, tiếng hát, qua các tác phẩm âm nhạc và những video clip ngắn đăng trên các nền tảng mạng xã hội.

Là công dân thời đại công nghệ số, A Páo đã sử dụng Facebook, TikTok, YouTube để quảng bá du lịch Hà Giang rất hiệu quả. Anh cập nhật hàng ngày những bức ảnh, video clip về phong cảnh, con người, văn hóa của Hà Giang và những bài hát do chính anh sáng tác, biểu diễn lên các nền tảng này.

Sự mộc mạc, bình dị, dễ thương, mang đầy hơi thở núi rừng trong từng bức ảnh, video clip đã khiến Facebook, TikTok, YouTube của A Páo nhận được trên 1 triệu người đăng ký, theo dõi. Từ những bức ảnh, video clip đó, nhiều du khách đã tìm đến với Hà Giang, gặp gỡ chàng trai thú vị này.

A Páo không chỉ hát hay, chơi nhạc cụ giỏi mà anh có nhiều sáng tác “để đời”. Tính đến nay, anh đã giới thiệu đến công chúng trên 50 ca khúc do chính anh viết nhạc, soạn lời về miền cao nguyên đá Hà Giang, đặc biệt là về quê hương xứ Nghệ miền ví, giặm. Trong số đó có 4 ca khúc “Xứ Nghệ mình ơi”, “Tìm em câu ví sông Lam”, “Em là cô gái sông La” và “Hà Tĩnh quê ơi” đã trở thành ca khúc hot trong cộng đồng mạng, được nhiều ca sĩ thể hiện, với hàng trăm triệu lượt nghe…

Mới đây, video A Páo biểu diễn ca khúc “Tìm em câu ví sông Lam” khi tham gia Gameshow “Sàn chiến giọng hát” mùa 5 (phát trên VTV3) đã nhận được trên 10 triệu lượt xem.

398542309-356727130186286-864943549019841849-n-6542.jpg
A Páo biểu diễn ca khúc “Tìm em câu ví sông Lam” khi tham gia Gameshow “Sàn chiến giọng hát”. Ảnh: NVCC

Gặp gỡ trong lần A Páo về quê Tân Kỳ tham dự đám cưới của người bạn thân, anh chia sẻ: “Mình chỉ là một nghệ sĩ bình dân mà thôi. Mình hát, sáng tác, làm video clip trước hết là đam mê, thể hiện tình yêu với quê hương, đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người nơi mình sống".

Bây giờ, mình định cư ở Hà Giang rồi nhưng cứ có dịp lại về quê. Du khách về thăm Hà Giang, mình không chỉ giới thiệu về cao nguyên đá mà còn giới thiệu về xứ Nghệ yêu thương. Mình khao khát viết tiếp những bản nhạc hay, ca từ đẹp về hai miền quê này.

A Páo (Ngô Sỹ Ngọc)

“Kỷ lục gia” Mão Mèo

Người bạn tổ chức đám cưới cùng quê Tân Kỳ mà A Páo về dự là “Mão Mèo” – nhân vật truyền cảm hứng khởi nghiệp, tận hiến với đam mê đến giới trẻ nhiều năm qua. “Mão Mèo” là biệt danh của anh Nguyễn Văn Mão (SN 1988).

Mão hiện là Nghệ nhân Quốc gia, Nghệ nhân Bàn tay vàng về chế tác nhạc cụ truyền thống; Chủ tịch Câu lạc bộ Sáo trúc Việt Nam; sở hữu 2 kỷ lục Guinness Việt Nam là “Người chế tác cây sáo trúc lớn nhất Việt Nam” và “Người biểu diễn nhạc cụ được làm từ nhiều loại rau, củ, quả nhất Việt Nam”…; Facebook, TikTok, YouTube của Mão cũng có trên 1 triệu người đăng ký, theo dõi.

doi-ban-than-cung-que-ngo-si-ngoc-va-nguyen-van-mao-604.jpg
Đôi bạn thân cùng quê hương Tân Kỳ Ngô Sĩ Ngọc và Nguyễn Văn Mão. Ảnh: NVCC

Từ nhỏ, tôi đã say mê tiếng sáo trúc. Dưới sự hướng dẫn của cha, kỹ thuật chơi sáo của tôi ngày càng tiến bộ và tình yêu với nhạc cụ dân tộc này ngày mỗi lớn thêm. Cây sáo đã theo tôi đến trường, đến các hội diễn và sân khấu...”.

Nghệ nhân sáo trúc Nguyễn Văn Mão

Sự nghiệp của Mão bắt đầu từ cây sáo. Trong những năm tháng sinh viên ở Hà Nội, Mão đã tích cực tham gia phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên trong các trường đại học. Anh nhận thấy có khá nhiều câu lạc bộ sáo trúc đang hoạt động song lại thiếu sự gắn kết, nên đã lập trang web, fanpage, YouTube để thu hút, gắn kết các câu lạc bộ xây dựng cộng đồng chung sở thích.

Cùng với đó, anh tích cực đi dạy thổi sáo miễn phí, đi biểu diễn ở nhiều nơi và gây dựng nên hơn 200 câu lạc bộ sáo trúc ở khắp các tỉnh, thành. Sau 10 năm tạo dựng, đến nay, Fanpage CLB Sáo trúc Việt Nam đã có tới 113.200 người tham gia.

mao-meo-xem-xet-ky-tung-chiec-sao-truc-do-anh-che-tac-9016.jpg
Mão Mèo xem xét kỹ từng chiếc sáo trúc do anh chế tác. Ảnh: NVCC

Trong quá trình gây dựng phong trào, Mão chế tác những cây sáo trúc để tặng cho bạn bè. Những cây sáo trúc do anh chế tác được bạn bè, người chơi sáo đánh giá cao. Từ đây, anh đã nảy sinh ý tưởng chế tác nhạc cụ sáo trúc để bán. Từ chỗ bán sáo trúc online, đến cuối năm 2013, Mão mở cửa hàng sáo trúc đầu tiên ở Hà Nội.

Đến năm 2017, anh mở công ty với xưởng sản xuất sáo trúc ở huyện Tân Kỳ, cùng chuỗi 25 cửa hàng trong cả nước, tạo việc làm cho nhiều người. Cây sáo trúc do xưởng của anh làm hoàn toàn thủ công, trau chuốt và tỉ mỉ trong từng khâu nên rất được ưa chuộng và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới.

Cũng trong năm 2017, từ sự gợi ý của một người bạn, Mão Mèo bắt tay vào sản xuất sản phẩm ống hút tre thân thiện môi trường để thay cho ống nhựa. Từ đơn hàng đầu tiên với 5.000 ống hút tre, sau đó 2 năm, những đơn hàng ống hút tre đã xuất khẩu đi hơn 30 nước đem về cho Mão doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Nguyễn Văn Mão chia sẻ: “Đến thời điểm vào guồng thì dịch Covid-19 ập đến. Dịch kết thúc thì nền kinh tế thế giới ảnh hưởng do chiến tranh. Đơn hàng ít hơn, quy mô sản xuất, kinh doanh có phần thu hẹp lại với 15 cửa hàng… Khó khăn, nhưng tôi vẫn tự tin và cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm khác làm từ tre, trúc như dao, thìa dĩa, khay trà, cốc, đũa, ống đựng vật dụng để xuất khẩu”.

Thành Chung