Clip: Đình Tuyên Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, bà con nông dân sử dụng cọn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nhất vẫn là ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Lúc cao điểm, địa bàn này có đến hàng trăm cọn nước được bà con nông dân lắp đặt dọc các sông, suối. Ảnh: Đình Tuyên Tiếng Thái ở Nghệ An gọi cọn nước là "pặt nặm", nghĩa là tưới nước. Hệ thống gồm bánh xe có gắn những chiếc ống xoay quanh một trục gỗ. Khi thả xuống suối, bánh xe quay và các ống sẽ múc nước đổ vào một máng hứng. Từ máng hứng, nước xuôi theo ống hoặc máng dẫn vào ruộng lúa, tạo thành một hệ thống tưới tự động. Cọn nước được xem như là một sáng tạo độc đáo của cư dân trồng lúa nước vùng Đông Nam Á. Theo một số tài liệu thì trước đây hàng trăm năm, người miền xuôi cùng từng dùng hệ thống thủy lợi này trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hữu Vi Những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, đến các bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, bản Ban, xã Châu Tiến sẽ thấy không khí làm cọn nước của bà con khá nhộn nhịp. Cọn nước thực sự cần thiết với những hộ gia đình có chân ruộng cao hơn sông, suối. Theo bà con nông dân xã Châu Tiến, cọn nước nhiều khi quyết định sự thành bại của một vụ lúa. Ảnh: Đình Tuyên Chính vì quan trọng như thế nên nhiều nhà phải chuẩn bị vật liệu làm cọn nước trước đó hàng tháng. Tre, nứa, gỗ, lạt... đều được lấy về từ những cánh rừng già cách đó hàng giờ đi bộ. Sau đó, người nông dân phải mất khoảng nửa tháng mới hoàn thành một chiếc cọn. Ảnh: Hữu Vi Một chiếc bánh xe nước như thế này khi đã hoàn thành nặng từ 1,5 - 2 tạ, vì thế cần từ 4 - 5 người khoẻ mạnh khiêng xuống suối để lắp đặt. Ảnh: Đình Tuyên Khi chiếc cọn đã yên vị trên giá đỡ, những người thợ lại phải lắp thêm máng hứng, máng dẫn thì hệ thống mới hoàn chỉnh và có thể hoạt động. Ảnh: Đình Tuyên Cọn nước của người Thái ở Quỳ Châu có tính thẩm mỹ cao và đòi hỏi những người thợ phải thạo việc. Ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, hầu hết những nông dân đều có kỹ năng chế tác cọn nước. Ảnh: Hữu Vi Tuy nhiên, mỗi chiếc cọn thường chỉ dùng được 2 vụ lúa. Những cơn lũ thường xảy ra vào tháng 8, 9 âm lịch sẽ cuốn trôi hầu hết những chiếc cọn trên sông, suối. Những chiếc còn trụ lại được cũng mục nát sau một thời gian sử dụng. Sau vụ mùa, bà con thường lại phải làm cọn khác thay thế. Ảnh: Đình Tuyên Và những nông dân lại bắt đầu một chu trình mới, làm cọn nước trước vụ sản xuất mới. Đây là một công việc khá cực nhọc nhưng với bà con nông dân Châu Tiến thì gần như là điều đương nhiên, là việc phải làm để "cái bụng không đói". Ảnh: Hữu Vi Nhờ sự kỳ công và cực nhọc này mà những cánh đồng lúa mường Chiềng Ngam, tên gọi cũ của đất Châu Tiến trở nên thơ mộng hơn đối với những ai ghé thăm các làng bản thuần phác nơi đây. Ảnh: Đình Tuyên
Đình Tuyên - Hữu Vi