Bình đẳng giới đi tới văn minh, hạnh phúc
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp”. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của học sinh, sinh viên.
Cuộc thi được chia làm 2 vòng, vòng thi sơ tuyển theo hình thức trực tuyến với những bộ câu hỏi trắc nghiệm và vòng thi trực tiếp theo hình thức sân khấu hóa.
Vòng thi sơ tuyển có 25 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tham gia, với 10.602 lượt dự thi/7.333 thí sinh dự thi...
Với những bộ câu hỏi kiến thức về pháp luật bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhiều học sinh, sinh viên đã thể hiện sự hiểu biết và quan tâm của mình thông qua việc tham gia cuộc thi và trả lời gần như tuyệt đối các câu hỏi do ban tổ chức cuộc thi đưa ra. Các đơn vị như Trường Đại học Vinh, Trường Cao đẳng Việt- Đức Nghệ An, Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành là những đơn vị có số lượng học sinh, sinh viên tham gia đông và đạt kết quả cao nhất.
Sinh viên Hà Văn Đạm, lớp 61B2, Khoa Luật học, Trường Đại học Vinh cho biết: “Để tham gia cuộc thi, trước đó chúng em đã cùng nhau nghiên cứu Luật Bình đẳng giới và các quy định, chính sách, nghị định về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thông qua đó, chúng em tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về bình đẳng giới để có thể nhập cuộc một cách tự tin và giành những chiến thắng ngoạn mục... Riêng Khoa Luật học của chúng em đã có tới 90% các bạn tham gia. Các bạn xem đây là một dịp tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phụ nữ một cách sinh động, thú vị. Điều đặc biệt là do đã được quán triệt về tính chất cuộc thi cũng như sức hấp dẫn của nó, mà tất cả các sinh viên Khoa Luật học tham gia đều đạt điểm giỏi”.
Ngoài Trường Đại học Vinh, Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành cũng là đơn vị có rất đông học sinh tham gia cuộc thi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cô giáo Vũ Thị Hồng Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành cho biết: “Trường chúng tôi tiếp nhận thông tin về cuộc thi một cách hào hứng và nhanh chóng có lượng lớn học sinh đăng ký thi sơ tuyển. Sau khi đã lựa chọn được 8 học sinh ưu tú, có năng khiếu trình diễn và đã trang bị kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, các bạn nhanh chóng đi vào luyện tập với tinh thần phải mang được giải thưởng về cho trường. Thông qua cuộc thi chúng tôi nhận thấy các bạn nam rất muốn thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về bình đẳng giới trong thời đại 4.0”.
Sau vòng sơ khảo, ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn được 10 đơn vị trường học tham gia chung kết. Các đơn vị đã có những ngày tập luyện cường độ cao và lựa chọn những kịch bản hay, phù hợp với thông điệp cần tuyên truyền cho cuộc thi. Cô giáo Đoàn Minh Trang - Phó Bí thư Đoàn trường, giáo viên Khoa Luật học, Trường Đại học Vinh cho biết: Trường Đại học Vinh tham gia cuộc thi này với 20 sinh viên và các bạn đã lên lịch tập cả tháng nay với tinh thần rất cao. Thông điệp mà Đội thi Trường Đại học Vinh mang đến cuộc thi là hướng tới gia đình văn minh, công bằng, bình đẳng và hạnh phúc.
Cô giáo Đoàn Minh Trang cho biết thêm: Sau màn chào hỏi, phần thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới là vở kịch thuộc phần thi tài năng được các bạn sinh viên đầu tư công sức tập luyện trong nhiều tuần. Nội dung vở kịch nói về một gia đình trọng nam khinh nữ không được hạnh phúc như bao gia đình khác. Người vợ, người con dâu ở nhà nội trợ và quán xuyến mọi việc gia đình nhưng lại không được trân trọng. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi trong cơn nóng giận 2 vợ chồng đã quyết định ly hôn. Sau khi ly hôn người chồng đã suy ngẫm lại, cộng với sự khuyên bảo của đồng nghiệp, bà con chòm xóm, anh ta đã thức tỉnh và khao khát quay lại với vợ. Kết thúc vở kịch, gia đình đã quay về với nhau và hướng tới một tương lai hạnh phúc.
Sinh viên Phạm Thị Kim Chi, lớp 62B2, Khoa Luật học, Trường Đại học Vinh cho biết: Em may mắn được lựa chọn vào vai nữ chính. Đây cũng là nhân vật mà em cảm thấy tâm đắc, khi cô ấy đã dám nói thẳng, nói thật, nêu chính kiến của mình trước người chồng vũ phu...
Bên cạnh đó, một số đội như Trường Cao đẳng Việt -Đức Nghệ An cũng mang đến hội thi với thông điệp bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thầy giáo Nguyễn Hồng Phúc - giảng viên Khoa Cơ khí, Bí thư Liên chi đoàn Trường Cao đẳng Việt -Đức Nghệ An cho biết: Thông qua tiểu phẩm kịch mang tên “Đổi thay”, đội thi muốn truyền tải tới tất cả mọi người thông điệp mang tính truyền thông sâu sắc đó là “Phụ nữ và nam giới bình đẳng trong tham gia và đưa ra quyết định đối với mọi công việc trong gia đình và xã hội”. Đến với cuộc thi, Trường Cao đẳng Việt- Đức Nghệ An mong muốn thực hiện bình đẳng giới nhằm chấm dứt bạo lực giới, vun đắp và lan toả yêu thương, bằng các hành động, việc làm cụ thể vì cuộc sống cộng đồng văn minh, an toàn, không bạo lực, không xâm hại tình dục.
Xuyên suốt chương trình tham gia đêm chung kết là những màn đấu trí nảy lửa, bất phân thắng bại trong phần thi tìm hiểu về kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực; hay những vở kịch đưa lại nhiều cảm xúc với những tràng pháo tay không ngớt của khán giả trong phần thi tài năng. Qua những vở kịch này, các đội thi mong muốn lan tỏa đến cho người xem một thông điệp mạnh mẽ: Cả xã hội phải chung tay mới đạt được bình đẳng giới thật sự.
Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì. Bà Lê Thị Nguyệt- Trưởng phòng trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở Lao động - TB&XH cho biết: Cuộc thi là một kênh tuyên truyền về nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Qua cuộc thi này một lần nữa khẳng định, một xã hội văn minh, hạnh phúc khi đạt được bình đẳng giới thật sự.