Kỳ Sơn vận dụng thế mạnh phát triển kinh tế

Thu - Phúc 04/01/2024 14:24

(Baonghean.vn) - Chú trọng phát triển chăn nuôi và từng bước đa dạng hóa các mô hình, cách làm kinh tế hướng tăng trưởng xanh,... đang được huyện Kỳ Sơn xác định làm hướng đi trong thời gian tới, nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững, giữ vững mục tiêu “3 yên” trên địa bàn...

Thế mạnh chăn nuôi

Cuối năm, được giao nhiệm vụ lên huyện Kỳ Sơn “tác nghiệp” phản ánh về tình hình phát triển kinh tế của huyện rẻo cao biên giới này, chúng tôi (PV) có dịp trao đổi với ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND huyện. Ông khẳng định: Chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện là thế mạnh giúp người dân huyện Kỳ Sơn giảm nghèo, vươn lên khấm khá. Đây cũng là một “mũi nhọn” phát triển kinh tế của địa phương, góp phần giữ vững mục tiêu “3 yên”: Yên dân - yên địa bàn - yên biên giới...

bna-lanh-dao-ubdn-huyen-ky-son-tham-mo-hinh-chan-nuoi-ga-den-o-xa-muong-long-9507.png
Hội Nông dân tỉnh và lãnh đạo huyện Kỳ Sơn thăm mô hình nuôi gà đen bản địa tại xã Mường Lống. Ảnh: PV

Để tìm hiểu thêm, từ sáng tinh mơ, cây cối còn trĩu sương, từ thị trấn Mường Xén chúng tôi vào bản Kim Đa của xã Phà Đánh, vượt qua con dốc lưng chừng núi đã nghe tiếng nhạc xập xình vui nhộn. Trước mỗi ngôi nhà, người dân thong thả chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Phụ nữ, trẻ em sửa soạn bữa sáng để lên nương và đến trường học. Cánh đàn ông tất bật chuẩn bị lùa đàn bò lên rẫy.

Bí thư Chi bộ bản Kim Đa - ông Moong Văn Khăm, chỉ tay về phía đàn bò đang rảo bước ngược lên núi tìm cỏ, nói: “Bây giờ các rẫy lúa đã thu hoạch nên trâu, bò được tự do đi ăn. Ra Tết đến mùa rẫy mới thì lại nhốt. Gia đình hiện chỉ có 7 con bò, mỗi năm bán vài con để trang trải chi tiêu cuộc sống. Bà con ở bản Kim Đa đều thế, nhờ chăn nuôi trâu, bò mới hết đói nghèo”.

bna-anh-cut-van-kham-chon-huong-phat-trien-kinh-te-chan-nuoi-trau-bo-6860-52.jpg
Bí thư Chi bộ bản Kim Đa Moong Văn Khăm vươn lên khấm khá nhờ đầu tư chăn nuôi bò vàng bản địa. Ảnh: TP

Gia đình ông trưởng bản Cụt Văn Phòng cũng vậy, phát triển kinh tế chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò. Ông Phòng nhẩm tính, cả bản Kim Đa có hơn 100 con bò và hơn 40 con trâu. Bản có 67 hộ, 309 khẩu, thì chỉ vài hộ là không chăn nuôi trâu, bò. Còn lại, nhà ít thì nuôi 6 -7 con, nhà nhiều nuôi 10 – 20 con trâu, bò như hộ Cụt Văn Phòng, hộ Moong Văn May…

“Nhà đang nuôi 8 con trâu; bò thì nuôi 7 con nhưng vừa bán hết. Nuôi cả trâu và bò khá vất vả, vì hai con này không chịu ở chung với nhau, phải chia ra hai vùng để nuôi” – anh Cụt Văn Thắng, một người bản Kim Đa, cho biết. Ở xã Phà Đánh, ngoài bản Kim Đa, nhiều bản khác người dân nhờ vào chăn nuôi, kết hợp trồng trọt đang dần vươn lên khấm khá, như các bản Piêng Phô, Piêng Hòm…

Xã Keng Đu là địa bàn xa nhất tính từ trung tâm huyện Kỳ Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào; mấy năm lại nay, nhiều hộ dân ở đây đã dần thoát đói nghèo nhờ chăm chỉ chăn nuôi, tăng gia sản xuất.

bna-phat-trien-chan-nuoi-ga-giup-gia-dinh-chi-hien-thoat-ngheo-4013.png
Hộ chị Moong Thị Hiền thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Ảnh: PV

Gia đình chị Moong Thị Hiền, bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, trước đây diện hộ nghèo, hai vợ chồng chị công việc không ổn định, thu nhập thấp; cộng thêm phải chăm sóc bố mẹ già yếu, rồi chăm lo cho người em chồng đang học đại học, nên kinh tế rất khó khăn, eo hẹp. Sau khi được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ xã, huyện, trực tiếp là Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị Hiền mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng để đầu tư mua con giống chăn nuôi.

Với sự chăm chỉ, chịu khó tìm nguồn thức ăn chăm chút cho đàn vật nuôi gồm gà, lợn, bò phát triển nhanh, sinh sản tốt, đã mang lại cho gia đình chị Hiền nguồn thu nhập không chỉ cải thiện đời sống, mà còn mua thêm được 2 – 4 yến cá giống/năm để đa dạng hóa đối tượng chăn nuôi.

Sau một thời gian thử nghiệm chăn nuôi “tổng hợp” như thế, chị Hiền nhận thấy gà là vật nuôi thích nghi tốt với điều kiện địa phương, cho giá trị kinh tế cao và ổn định hơn, nên chị quyết định tập trung gây dựng đàn gà, mở rộng quy mô. Chỉ sau hơn 2 năm, từ hộ nghèo, gia đình chị Hiền nay đã trở thành hộ khá, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và yên tâm gắn bó với bản làng, chăm chỉ làm giàu...

bna-chan-nuoi-duoc-kfy-son-tiep-tuc-xac-dinh-la-nganh-kinh-te-co-hieu-qua-cao-9962.jpg
Chăn nuôi đại gia súc được Kỳ Sơn xác định là một trong các hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương. Ảnh: HT

Hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

Trao đổi của ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết thêm: Cùng với phát triển chăn nuôi, những mô hình, cách làm kinh tế có hiệu quả, mang tính chất bền vững theo hướng tăng trưởng xanh sẽ được huyện chỉ đạo, hỗ trợ nhân rộng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.

Trên cơ sở những mô hình kinh tế đã cho thấy rõ hiệu quả, năm 2024, huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phù hợp, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện.

bna-6736-928.jpg
Trồng rau sạch, rau hữu cơ đang là hướng phát triển được nhiều xã, bản ở Kỳ Sơn thực hiện có hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình trồng rau cải mẹo trên núi của phụ nữ bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ. Ảnh: HT

Trong đó, chú trọng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại; hình thành các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ và trồng dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh thực hiện giao rừng gắn với giao đất, gắn lợi ích của người dân trong công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng.

Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, đề án, trong đó trọng tâm là các dự án, tiểu dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả.

Năm 2023, huyện Kỳ Sơn có tổng đàn trâu 11.742 con (đạt 100% kế hoạch), đàn bò 45.230 con (đạt 95% kế hoạch, so với cùng kỳ đạt 105%); tổng đàn lợn 30.120 con (đạt 78% kế hoạch); tổng đàn gia cầm khoảng 358.000 con (đạt 83% kế hoạch, so với cùng kỳ đạt 102%).

Thu - Phúc