Kỷ niệm về bánh chưng đặc biệt của lính nhà giàn

Mai Thắng 12/01/2024 06:37

(Baonghean.vn) - Đêm Giao thừa, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau dưới sàn, bóc chiếc bánh chưng thơm mùi sóng biển. Đó là lần đầu tiên lính nhà giàn gói bánh chưng đón Tết. Kỷ niệm đó đã lùi vào dĩ vãng đúng 30 năm, để rồi mỗi khi Xuân về Tết đến, nhắc lại khóe mắt vẫn thấy cay cay.

Sau 5 năm đèn sách tại Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), tháng 10/1994, tôi ra trường và được Quân chủng Hải Quân điều về nhận nhiệm vụ tại Khung quản lý nhà giàn DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1) với chức vụ “Phó chỉ huy trưởng Chính trị Nhà giàn DK1/14”. Mùa Đông năm ấy, tôi bước chân xuống tàu HQ 624 và bắt đầu đón cái Tết xa nhà giữa biển khơi bao la.

Thuở ấy, nói đến nhà giàn DK1 rất ít người biết đến. Nhiều người “đánh đồng” DK1 và Trường Sa là một. Có người bảo DK1 là những người “khai thác dầu khí của Vietsovpetro” nên tiền lúc nào cũng “rủng rỉnh”. Các nhà giàn DK1 từ 1994-2009 gọi tên là “Trạm Kinh tế Khoa học kỹ thuật Dịch vụ”. Bộ đội nhà giàn gọi là “cán bộ nhân viên” chứ không được phép gọi “cán bộ chiến sĩ” như bây giờ để “bảo đảm yếu tố bí mật quân sự”.

Thuở ấy, đời sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn rất khó khăn. Để có một cái Tết cổ truyền giữa ngàn khơi sóng gió, trước đó 2 tháng, tức là bằng thời gian một chuyến tàu thay trực, các nhà giàn đã “đánh điện” về đất liền mua gạo nếp, miến, măng. Ngày ấy cũng chưa có chuyến tàu riêng biệt chở đoàn chúc Tết và hàng quà từ đất liền đi chúc Tết các nhà giàn như bây giờ.

bna-goi-banh-chung-xanh-giua-song-nuoc-trung-khoi-1770.jpg
Lính nhà giàn gói bánh chưng xanh. Ảnh: Mai Thắng

Trước Tết một tuần, chúng tôi nhận được 2 kg gạo nếp và gói lá dong từ tàu HQ 636. Để không khí giao thừa đúng nghĩa, chiều cuối năm, 9 anh em ngồi quây quần gói bánh chưng. Không có thịt heo tươi, chúng tôi lấy thịt hộp rim hành làm nhân bánh. Để công bình và “lấy may”, 9 người gói 9 cái và “thi ai bánh đẹp”. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp cơ yếu Nguyễn Văn Thành là người nhanh nhẹn khéo tay được phân công luộc bánh. Còn tất cả ra lan can câu cá đầu xuân. Ai câu được cá to coi như “lộc biển”.

Đêm 30 Tết biển tối đen như mực. Gió mùa Đông bắc tràn về, biển động sóng to gió lớn. Nhà giàn DK1/14 rung lay theo từng cơn sóng.

Đứng ngoài lan can nhà giàn câu cá, mùi Tết toả ra từ bánh chưng thơm phức. Thỉnh thoảng, chiến sĩ cơ yếu lại reo lên “Bánh chưng chín rồi các đồng chí ơi, sắp giao thừa rồi”. Có chiến sĩ trẻ vừa câu cá vừa hát “Tết tết tết tết đến rồi”, “Con biết xuân này mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở rộ trên nương”, “Nhà giàn trong mây canh một hướng tây nam, khi nước triều dâng nằm ngang mặt sóng”. Lời hát xúc động bị gió biển “nuốt” giữa không trung đêm Giao thừa. Có khóe mắt rưng rưng nhìn xa xăm ra biển, nhớ nhà như dứt ruột gan.

Những năm 1994 - 2009, 15 nhà giàn DK1 chưa có hệ thống truyền hình vệ tinh cho tàu biển như bây giờ. Bởi vậy đêm giao thừa cũng không xem được Chủ tịch nước chúc Tết qua ti vi. Cả nhà giàn chúng tôi có 1 cái đài radio bán dẫn nhích hơn cái bao diêm. Để có sóng, chiến sĩ thông tin lấy đoạn dây điện nối một đầu với cần ăng-ten của đài, đầu dây còn lại thả chơi vơi giữa biển để “thu sóng”.

Trước khi đồng hồ điểm phút sang canh, chúng tôi đứng trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm nén hương thơm chắp trước ngực. Giọng đại úy Chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Văn Đoàn xúc động: “Đêm nay 30 Tết. Trong giờ phút thiêng liêng này, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, cán bộ chiến sĩ nhà giàn dâng bàn thờ Tổ quốc những chiếc bánh chưng của lính biển.

Chúng tôi xin thề tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Vui xuân mới không quên nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc bình yên để nhân dân cả nước đón Tết vui Xuân mới an lành hạnh phúc”. Trong khoảnh khắc xúc động ấy, tôi kịp nhìn thấy ánh mắt đỏ hoe của đại úy Đoàn, nét mặt lặng trầm của người chiến sĩ.

2 giờ sáng, máy phát điện vẫn nổ xình xịch như phá tan những cơn sóng đang quật ầm ầm vào chân đế nhà giàn. Những cơn gió lùa qua khe cửa kêu rít rít lạnh buốt. Sương xuân giao thừa mù mặt biển. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau dưới sàn nhà, vừa hái hoa dân chủ, đọc thơ; vừa ăn bánh chưng từ tay mình nấu. Chiến sĩ báo vụ bảo “Lần đầu tiên ăn bánh chưng nhân thịt hộp lạ lạ làm sao”, còn thượng úy Thành thì bảo “Giữa đại dương cách đất liền 600 cây số có bánh chưng ăn đêm giao thừa quả là hạnh phúc”.

Thời gian đêm Giao thừa trôi đi rất nhanh, nhưng không che giấu được cảm xúc của cán bộ, chiến sĩ. Có người vào phòng riêng lấy ảnh vợ con ra nhìn. Có chiến sĩ lấy ảnh bố mẹ ra trầm ngâm. Hồi tưởng đêm Giao thừa ở quê nhà, có bố mẹ, vợ con đang quây quần bên nhau. Dòng nước mắt rưng rưng trào ra xúc động.

bna-tam-biet-phao-dai-thep-4355.jpg
Tạm biệt "pháo đài thép". Ảnh: Mai Thắng

Mới đó mà đã 30 năm. 30 năm biết bao thay đổi. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 cũng không còn khó khăn gian khổ như ngày mới đầu thành lập. Mỗi năm khi Tết đến Xuân sang, 15 nhà giàn DK1 vẫn gói bánh chưng đón Tết theo phong tục cổ truyền vào chiều 30 Tết. Chỉ khác, nhân trong chiếc bánh chưng đậm tình lính biển ấy không phải là thịt hộp, mà là thịt heo tươi ở giữa đậu xanh.

Tết Giáp Thìn 2024 này, 15/15 nhà giàn DK1 đều tổ chức thi gói bánh chưng xanh chiều 30 Tết. Những chiếc bánh chưng mặn mòi vị biển giữa đại dương bao la không những khẳng định đời sống của cán bộ, chiến sĩ đã nhiều đổi khác, mà còn thể hiện sự vượt khó làm chủ cuộc sống của người lính ở nơi tận cùng gian khó.

Những chiếc bánh chưng xanh thắm tình lính nhà giàn và thấm vị mặn mòi của biển. Và nó mãi là ký ức đẹp đẽ theo suốt cuộc đời lính biển trong tôi./.

Mai Thắng