Nghệ An còn hơn 4.000 phòng học bán kiên cố hoặc phòng mượn, phòng tạm

Mỹ Hà 09/01/2024 20:01

(Baonghean.vn) - Đây là thực tế tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh trong năm học 2023 – 2024, đòi hỏi sớm có các giải pháp để đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo việc tổ chức dạy học và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đến đầu năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh còn hơn 4.000 phòng học bán kiên cố, phòng tạm, phòng mượn. Trong đó, ở bậc mầm non có 1.361 phòng, trong đó phòng tạm và phòng mượn là 56 phòng, còn lại là bán kiên cố.

Ở bậc tiểu học, số phòng học bán kiên cố, phòng tạm, phòng mượn là 1.867 phòng, trong đó phòng tạm và mượn là 246 phòng. Đây cũng là bậc học có số phòng chưa đảm bảo nhiều nhất ở các cấp học. Ở bậc THCS, toàn tỉnh đang còn 606 phòng và bậc THPT là 223 phòng, trong đó phòng tạm và phòng mượn là 119 phòng.

img-6887-872-8344.jpg
Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư, xây dựng. Kết thúc năm 2022, toàn tỉnh có 1.101 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 75,86%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đề nghị công nhận được 98 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, công nhận mới 17 trường và công nhận lại 81 trường. Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến cơ sở vật chất ở các nhà trường, mới đây sau sự cố sập trần ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản yêu cầu các trường tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trong đó, yêu cầu các nhà trường cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất hiện có của nhà trường, tổ chức đánh giá lại chất lượng các công trình, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, hệ thống cây xanh, tường rào, hệ thống điện… đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

img-6917-7411-2910.jpg
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, điều kiện dạy học ở một số trường còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Trường Tiểu học Thái Sơn (Đô Lương) vẫn đang còn một số phòng học chức năng là phòng bán kiên cố, đã xuống cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt, không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất, công trình hết niên hạn, không đảm bảo an toàn khi chưa được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ mất an toàn cao như cháy nổ, ngập lụt, sạt lở trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khu nội trú, bán trú, phòng thí nghiệm…

Để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường, trước đó năm 2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 305/KH – UBND về việc thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, đặt mục tiêu ở bậc mầm non, mỗi nhóm lớp có 1 phòng sinh hoạt chung, có công trình vệ sinh. Mỗi trường có 1 phòng để tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, 1 phòng học nghệ thuật.

img-6847-4318-5604.jpg
Trường Mầm non Nghĩa Hành (Tân Kỳ) là một trong những trường có cơ sở vật chất khó khăn nhất huyện. Ảnh: Mỹ Hà

Các bậc học còn lại, mỗi lớp tối thiểu có 1 phòng học riêng. Mỗi trường có 1 phòng giáo dục thể chất, 1 phòng giáo dục nghệ thuật, 1 phòng tin học, một phòng ngoại ngữ, phòng thiết bị, phòng thư viện và các phòng bộ môn khác.

Cũng theo kế hoạch này, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 3.555 phòng học để thay thế các phòng học tạm, phòng học mượn hoặc phòng bán kiên cố. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng thêm 1.528 phòng học cho các lớp tăng thêm do tăng học sinh.

img-6844-8283-4702.jpg
Tại điểm trường chính của Trường Mầm non Nghĩa Hành (Tân Kỳ) điều kiện dạy học ở trường không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Phòng ngủ và phòng học của học sinh phải thưng thêm bạt vì khu vực mái ngói đã xuống cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Kế hoạch này cũng sẽ triển khai xây dựng hơn 7.000 phòng học chức năng, phòng thực hành, thư viện, nhà bếp, nhà kho cho các nhà trường. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là hơn 8.500 tỷ đồng (bao gồm mua sắm thiết bị trường học). Nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công, kinh phí các chương trình, dự án, kinh phí huy động xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

img-6830-6225-121.jpg
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hiện các địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường. Trong ảnh: Trường THCS Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) đang được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài kế hoạch này, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ – HĐND về phân bổ vốn.

Qua đó, đã phân bổ 418.722 tỷ đồng nhằm phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ở cấp tỉnh, đầu tư xây dựng trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh hơn 62 tỷ đồng và phân bổ cho các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp gần 356 tỷ đồng./.

Mỹ Hà