Quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập ở Nghệ An và những vấn đề đặt ra khi Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực

Thành Chung 14/01/2024 07:26

(Baonghean.vn) - Hoạt động hành nghề y, dược ở Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, với quy mô đứng thứ 4 cả nước, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế chất lượng.

Xung quanh công tác quản lý hành nghề y và những đổi mới trong lĩnh vực này khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã có hiệu lực, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng hành nghề y, dược ngoài công lập ở tỉnh Nghệ An hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Lê: Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh có 714 cơ sở hành nghề y (15 bệnh viện, 35 phòng khám đa khoa và 664 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế) và 2.931 cơ sở hành nghề dược (92 công ty và chi nhánh; 689 nhà thuốc; 2.150 quầy thuốc) được cấp phép hoạt động.

Trước năm 2018, trên địa bàn Nghệ An, có nhiều cơ sở hành nghề y, dược không phép. Tổng số cơ sở hành nghề không phép được các huyện, thành, thị rà soát là 685 cơ sở. Để tăng cường chất lượng hoạt động hành nghề y, dược, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giữa Sở Y tế, các ngành liên quan và UBND cấp huyện.

hoat-dong-kham-chua-benh-o-benh-vien-da-khoa-dong-au-4-3749.jpg
Hoạt động khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Đông Âu. Ảnh: Thành Chung

Thực hiện các chỉ thị, quyết định, Nghệ An đã tăng cường phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về pháp luật liên quan đến hành nghề y cho các cơ sở hoạt động hành nghề trên địa bàn quản lý; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; thực hiện tốt việc thẩm định xét duyệt hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; thẩm định các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động khám,chữa bệnh; thu hồi các cơ sở xin ngừng hoạt động hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Nổi bật trong công tác này là lực lượng công an, quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 224/KH-CAT-PA83 ngày 19/3/2018 triển khai thực hiện Chỉ thị 03 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn Nghệ An; Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị 03 và Kế hoạch 224 đến những bộ phận, cán bộ liên quan để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị y tế và các ngành liên quan tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất.

Với sự tham mưu tích cực của phòng y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo: Chỉ thị, kế hoạch và các quyết định thành lập đoàn kiểm tra, triển khai Chỉ thị 03 về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn quản lý. Hàng năm đã tổ chức tập huấn về pháp luật liên quan đến hành nghề y, dược cho các cơ sở hoạt động hành nghề trên địa bàn quản lý. Định kỳ 1 - 2 lần/năm tiến hành kiểm tra đột xuất về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn.

Nhờ đó, tình trạng hành nghề không phép đã được giảm thiểu. Ở thời điểm hiện nay, địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 29 cơ sở hoạt động hành nghề y dược khi chưa được cấp giấy phép hành nghề theo quy định.

Hiện nay, hoạt động hành nghề y, dược đang ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành và sự ủng hộ của người dân. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác hành nghề y ngày càng hoàn thiện.

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.

P.V: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Những điểm mới cơ bản trong Luật về lĩnh vực hành nghề y là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Lê: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 điều và có những điểm mới cơ bản. Trong đó, luật quy định mở rộng đối tượng hành nghề - thay đổi từ việc cấp chứng chỉ hành nghề bằng giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn.

doan-giam-sat-ban-van-hoa-xa-hoi-hoi-dong-nhan-dan-tinh-giam-sat-tai-mot-so-co-so-kham-chua-benh-ngoai-cong-lap-anh-thanh-chung-2-6599.jpg
Đoàn Giám sát Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại một số cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Luật đã nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề. Cụ thể, luật quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình: Thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định sau đây: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đối với chức danh bác sĩ; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đối với các chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, luật cũng có các quy định về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

P.V: Xin ông cho biết những quy định mới về cấp giấy phép hành nghề y từ ngày 01/01/2024?

Ông Nguyễn Hữu Lê: Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Bác sĩ; Y sĩ; Điều dưỡng; Hộ sinh Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền;...

Theo quy định tại Điều 27, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc, giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài; chức danh chuyên môn; phạm vi hành nghề; thời hạn của giấy phép hành nghề.

thanh-tra-so-y-te-nghe-an-kiem-tra-phong-kham-chuyen-khoa-y-hoc-co-truyen-khong-phep-o-thanh-pho-vinh-8968.jpg
Thanh tra Sở Y tế Nghệ An kiểm tra Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền không phép ở thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung

Theo quy định tại Điều 20, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì cá nhân bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, gồm: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ; đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện... về các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

Những người đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự... cũng bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Việc cấp mới giấy phép hành nghề được áp dụng đối với những trường hợp là người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề; người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề; người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

P.V: Nghệ An sẽ thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nói riêng và tăng cường công tác quản lý hành nghề y trong thời gian tới như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Lê: Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh 2023/QH15 và Chính phủ, các bộ, ban, ngành đang nghiên cứu để sớm ban hành Nghị định “Quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe” hướng dẫn về đào tạo định hướng chuyên khoa từ 6 tháng trở lên và để triển khai thực hiện cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh về chuyên khoa theo quy định…

Hiện nay, Bộ Y tế đang Dự thảo Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; bị thay thế và bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, sẽ triển khai hướng dẫn Nghị định cho các đơn vị trên địa bàn cả nước, để triển khai thực hiện.

thanh-tra-so-y-te-kiem-tra-phong-kham-tai-xa-do-thanh-huyen-yen-thanh-2466.jpg
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra phòng khám tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Ngành Y tế Nghệ An đã chủ động nghiên cứu luật, nghị định các thông tư rộng rãi trong tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, Sở Y tế Nghệ An sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh trình UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và tập trung tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023/QH15 cho các cơ sở hoạt động hành nghề trên địa bàn quản lý.

Để làm tốt công tác quản lý hành nghề y, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò vị trí và tầm quan trọng của hoạt động hành nghề y trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm tất cả các cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn. Các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị trong công tác quản lý động hành nghề y trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Về phía Sở Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện cấp giấy phép hành nghề; giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường tham gia phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề y, trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật.

Sở sẽ tăng cường rà soát các điều kiện đảm bảo để cấp phép hoạt động của các cơ sở hành nghề, giấy phép hành nghề cá nhân; chỉ đạo cơ sở xây dựng hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hành để cấp phép. Sở Y tế cũng tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số từ cơ quan quản lý cho đến cơ sở hành nghề. Theo đó, các cơ sở hành nghề bắt buộc phải kết nối Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, liên tục cập nhật dữ liệu (đặc biệt là nhân lực) để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong năm 2024, Sở Y tế sẽ thực hiện tham mưu Ban Cán sự UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quản lý về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Dự kiến vào tháng 6 năm 2024); tham mưu UBND tỉnh ban hành sửa đổi Quy chế phối hợp (QĐ số /QĐ-UBND ngày 20/4/2018) trong công tác quản lý về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sau khi có Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (dự kiến vào tháng 7 năm 2024).

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thành Chung