Hạn chế phát sinh điểm nóng nhờ công tác hòa giải

Gia Huy 14/01/2024 15:01

(Baonghean.vn) - Trong 10 năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quan tâm đưa Luật Hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết, hàn gắn nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Hóa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp

Ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), ông Hờ Tồng Lầu có thâm niên 25 năm làm trưởng bản. Cũng chừng ấy năm, ông đã cùng với tổ hòa giải của bản tháo gỡ thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong bản. Trưởng bản Hờ Tồng Lầu cho biết: “Nhiều khi, chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt nhưng do bà con dân bản không biết phân định đúng sai dẫn đến cãi vã, mâu thuẫn rồi kiện tụng nhau làm mất tình đoàn kết... Để hóa giải mâu thuẫn, cán bộ và tổ hòa giải của bản luôn lắng nghe, tìm hiểu thực tế, phân tích cái lý, cái tình để hai bên đều ưng cái bụng”.

truong-ban-pha-bun-xa-huoi-tu-ky-son-ho-tong-lau-ao-trang-trao-doi-voi-lanh-dao-huyen-xa-va-phong-vien-ve-tinh-hinh-thon-ban-anh-kl-78-2209.jpg
Trưởng bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn Hờ Tồng Lầu (áo trắng) đã nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở vai trò người đứng đầu thôn bản. Ảnh: K.L

Ví như trong năm 2023, do mâu thuẫn trong quá trình ăn cỗ, uống rượu, giữa ông Lỳ Vả Đ. và Lầu Chờ V. đã xảy ra xô xát, sau đó kiện cáo nhau. Trưởng bản Hờ Tồng Lầu và tổ hòa giải của bản đã mời già làng có uy tín và các bên liên quan đến nhà văn hóa cộng đồng để hòa giải. Hai bên sau đó thống nhất sống hòa thuận, giữ mối đoàn kết trong bản...
Theo lãnh đạo UBND xã Huồi Tụ, việc phát huy tốt vai trò của tổ hòa giải là yếu tố tiên quyết giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Thực tế, vài năm trở lại đây, các vụ việc mâu thuẫn trong thôn bản đều được các tổ hòa giải cơ sở giải quyết kịp thời, tình cảm trong cộng đồng vì thế càng được củng cố, gắn kết".

417989533-390163100338840-7660390915016663662-n-4702-9653-9471.jpeg
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Diễn Châu triển khai chiến dịch "Ngày thứ Bảy vì dân". Ảnh: CSCC

Tại nhiều địa phương, công tác hòa giải ngày càng được quan tâm, qua đó, góp phần hạn chế phát sinh điểm nóng, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Như ở huyện Diễn Châu, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng, trong 10 năm qua, toàn huyện đã tiếp nhận hòa giải 1.324 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 81,34%.

pha-duong-day-ghi-so-lo-so-de-hang-ty-dong-7984-7440.jpeg
Xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu tổ chức thi hòa giải viên giỏi và ra mắt CLB Hòa giải cơ sở. Ảnh: CSCC

Theo bà Hoàng Thị Xuyên - Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu: Cùng với công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, trong năm 2023, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện Diễn Châu đã ban hành Kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ "Hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn. Đến nay, 37/37 xã, thị trấn đã ra mắt câu lạc bộ; trở thành diễn đàn để các hòa giải viên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ nhau giải quyết vụ việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác hòa giải tranh chấp (nhất là tranh chấp đất đai) ngay từ cơ sở, giảm các vụ việc phải chuyển lên cơ quan cấp trên và ra tòa, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Tòa án nhân dân huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, tranh thủ sự hỗ trợ của TAND huyện trong thực hiện công tác hòa giải ở thôn, khối, xóm; hòa giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

Tương tự, tại huyện miền núi Quỳ Hợp, từ năm 2022, đã triển khai ký Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân huyện với UBND các xã, thị trấn và Quy chế phối hợp giữa UBND huyện với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện trong xử lý, giải quyết các tranh chấp. Từ 2 quy chế này, huyện đã có Quyết định 827 thành lập tổ công tác đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ.

Ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp cho hay: Hiện trên địa bàn huyện có 214 tổ hòa giải ở cơ sở, với 1.546 hòa giải viên. Khi tổ công tác đặc biệt về làm việc ở địa phương sẽ mời các hòa giải viên ở cơ sở tham dự để vừa góp phần giải quyết vụ việc, vừa tạo điều kiện cho các hòa giải viên học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt 70%.

Nhìn chung, 10 năm qua, công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, qua đó, tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.870 tổ hòa giải, với 26.402 hòa giải viên; 55 câu lạc bộ hòa giải cơ sở, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải cộng đồng... Tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt từ 70-85% trở lên.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Đội ngũ hòa giải viên kiêm nhiệm nhiều chức danh nên thời gian dành cho công tác hòa giải chưa nhiều.

phan-thi-tieu-pham-cua-doi-ky-son-dua-tren-tinh-huong-co-that-tu-cuoc-song-cua-ba-con-vung-cao-tai-hoi-thi-hoa-giai-vien-co-so-gioi-lan-thu-v-nam-2023-an-quynh-7427-9844.jpg
Phần thi tiểu phẩm của đội Kỳ Sơn dựa trên tình huống có thật từ cuộc sống của bà con vùng cao tại Hội thi Hòa giải viên cơ sở giỏi lần thứ V năm 2023. Ảnh: An Quỳnh

Trình độ học vấn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải của một số hòa giải viên còn thấp, chưa thu hút được người có chuyên môn về pháp luật tham gia (như tại huyện Diễn Châu trong số 1.400 hòa giải viên chỉ có 51 người có trình độ chuyên môn luật, chiếm tỷ lệ 3,6%) nên chất lượng hoà giải chưa cao. Các vụ việc tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, nhất là tranh chấp đất đai trong khi trình độ hòa giải viên còn có hạn chế nên hoạt động hòa giải gặp nhiều khó khăn.

Ví như ở huyện Quỳ Hợp, lãnh đạo phòng Tư pháp huyện cho biết: Vướng mắc lớn nhất và phổ biến nhất trong hòa giải ở cơ sở là các vụ việc tranh chấp đất rừng. Trên thực tế hiện nay mốc giới thửa đất hầu như có vênh giữa thực địa, thực tế người dân đang sản xuất và giấy tờ, hồ sơ. Lý do là việc lập hồ sơ cấp đất 163 trước đây do Sở Tài nguyên và Môi trường thuê các công ty tư vấn thực hiện. Quá trình tư vấn đi đo đất không đúng thực tế hoặc đo trên rừng, trên núi nên ranh giới, mốc giới các thửa đất không chính xác.

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh và cấp thẩm quyền có dự án rà soát, đo đạc và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho nhân dân đảm bảo đúng theo diện tích đang thực tế sản xuất, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp đối với đất rừng.

to-hoa-giai-thon-dong-tien-xa-chau-quang-huyen-quy-hop-trao-doi-ve-kinh-nghiem-hoa-giai-anh-kl-8463-9198.jpeg
Tổ hòa giải thôn Đồng Tiến, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp trao đổi về kinh nghiệm hòa giải. Ảnh: Khánh Ly

Về quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của công tác hòa giải. Hầu hết các địa phương còn lúng túng trong việc xác định nguồn kinh phí bố trí cho công tác hòa giải trong dự toán ngân sách từ đầu năm và việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa thực hiện được. Một số cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn chưa thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND xã cùng cấp trong công tác hòa giải cơ sở, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên…

to-hoa-giai-xom-yen-the-trao-doi-voi-lanh-dao-mttq-huyen-do-luong-va-xa-thinh-son-anh-kl-5643-3524.jpg
Tổ hòa giải xóm Yên Thế trao đổi với lãnh đạo MTTQ huyện Đô Lương và xã Thịnh Sơn. Ảnh: K.L

Để công tác hòa giải ở cơ sở đi vào chiều sâu và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, theo bà Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An, cần nâng cao chất lượng hoạt động, công tác tham mưu của cán bộ tư pháp phường, xã, thị trấn. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên. Tiếp tục động viên và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác hòa giải bởi bản chất của tổ hoà giải là tổ tự quản của nhân dân. Bên cạnh đó, huy động đội ngũ luật gia, luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, cán bộ đã nghỉ hưu… tham gia hỗ trợ hòa giải viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng hòa giải.

bna-trao-bang-khen-cua-ubnd-tinh-cho-20-hoa-giai-vien-co-so-tieu-bieu-tinh-nghe-an-lan-thu-iii-anh-khanh-ly-7012-1745.jpg
20 hòa giải viên cơ sở tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ III vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: K.L

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phải xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp, công chức Tư pháp hay của tổ hòa giải, hòa giải viên.

Từ thực tế qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục bầu hòa giải viên tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014 theo hướng đơn giản hơn, tránh việc hành chính hóa quy trình bầu, công nhận hòa giải viên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức bầu hòa giải viên đảm bảo khách quan và thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân...

Gia Huy