Vẻ đẹp của hoa hậu

Đỗ Hải 14/01/2024 08:50

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 H’ Hen Niê được bình chọn vào top 3 trong Giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng của báo VietNamNet nhằm vinh danh những tấm gương, dự án của các cá nhân, tổ chức có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Tôi thật sự vui vì Hen Niê đạt giải thưởng đó vì tôi luôn yêu mến và ấn tượng hình ảnh cô hoa hậu da nâu, lưng đeo gùi, cuốc đất trồng cây không khác gì một cô nông dân chính hiệu. Trong mắt đông đảo công chúng, Hen Niê được xem như một trong những hoa hậu “đẹp nhất" từ trước đến nay.

Tôi muốn viết về cô cho dù, những năm gần đây, các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam xuất hiện nhan nhản khiến người xem cảm thấy “bội thực” vì quá nhàm chán. Công chúng không thể nhớ và biết đến tên của các hoa hậu.

Còn nhớ một ngày đầu năm 2018, H’Hen Niê đăng quang hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trong sự lấn cấn khó hiểu của rất nhiều người. Hàng loạt các bình luận như: “Tôi không thích cô này”, “Tôi chả thấy cô ấy đẹp ở chỗ nào”, “Hoa hậu gì mà kém sang” xuất hiện trên mạng xã hội.

hoa-hau-hnie-1294-5024.jpeg
Hình ảnh hoa hậu Hen Niê như tiếp thêm động lực cho những bé gái lại tiếp tục ước mơ, khao khát, lựa chọn con đường học tập và hăng say lao động để gặt hái quả ngọt sau này.

Đầu năm 2019, Hen Niê đã đạt danh hiệu Top 5 Miss Universe 2018, đồng thời cô đã vượt qua 112 thí sinh của những cuộc thi nhan sắc lớn nhất để chính thức trở thành Hoa hậu đẹp nhất thế giới năm 2018 do chuyên trang sắc đẹp Missosology tổ chức bình chọn.

Vẻ đẹp của cô đã được thế giới công nhận. Trong số 3 tiêu chí mà Ban tổ chức Missosology đưa ra để bình chọn, tiêu chí sức ảnh hưởng toàn cầu của Hen Niê chiếm điểm số cao nhất, 4.773 điểm (tiếp theo là 4.636 điểm cho tất cả phần trình diễn và 4.318 điểm cho vẻ đẹp và sức hấp dẫn vượt thời gian).

Chuyên trang Missosology đã công bố người chiến thắng với câu nói truyền cảm hứng của cô: "Tôi là một cô gái dân tộc thiểu số, lẽ ra tôi phải kết hôn từ năm 14 tuổi nhưng tôi nói “Không”. Từ con số 0, hôm nay tôi đứng ở đây, tôi làm được, các bạn cũng làm được".

Cô ấy dám nói “Không” và đi ngược lại với truyền thống cổ hủ, lạc hậu nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Cô ấy dám bắt đầu từ con số 0 để dấn thân vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, quyết liệt, tự tin nhưng đầy sự khiêm tốn, chân thật và không ngừng học hỏi. Vẻ đẹp của cô ấy là như vậy!

Nhiều người nói rằng, cô ấy không giống với vẻ đẹp thuần khiết Á Đông, không sang, không sáng, không trắng, không thướt tha, lại con nhà quá nghèo, dân tộc thiểu số,… Người ta còn thấy cô mặc chiếc áo hồng kiểu nhà quê, đi xe ôm, dùng đôi giày 80.000 đồng mua ở chợ, ngồi xổm hay ngồi bệt xuống sàn nhà ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình, cười toác miệng và tít hết cả mắt...

Từ bao giờ quan niệm về cái đẹp cứ phải là da trắng, tóc dài, mặc những chiếc váy hàng hiệu, giày dép đắt tiền, đi trên chiếc xe sáng loáng, ngồi ăn một cách sang chảnh? Theo quan niệm đó, cái đẹp của một cô hoa hậu hoàn toàn đến từ những thứ hào nhoáng, lóng lánh bên ngoài.

Nhưng Hen Niê lại hoàn toàn khác. Cô ấy khiến người khác thấy cô ấy cũng bình dân, giản dị như phần lớn dân số trên thế giới này, thậm chí có những người nghèo ở tầng lớp thấp nhất cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó. Cô làm những điều khác biệt mà không mấy ai trong hoàn cảnh của cô ấy có thể làm được.

Hen không hề che giấu hoàn cảnh xuất thân vất vả và cha mẹ nghèo khó của mình, ngược lại, cô dành tình yêu và sự trân trọng hết mực đối với bậc sinh thành. Cô biết thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống của người dân tộc thiểu số nơi cô sinh sống. Hen đã từng không ngần ngại làm ô-sin để kiếm tiền, đồng thời nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân.

Cô ấy không ngại ngùng và xấu hổ khi cưỡi chiếc xe máy cà tàng, ngồi trên xe công nông, đi xe ôm, mang dép lê, ngồi bệt đất thổi lửa, nấu cơm bằng củi. Trước bất cứ một lời chê hay giễu cợt, cô ấy đều đặt mình ở vị trí của người nói để hiểu họ, đồng cảm với họ, biện minh cho họ một cách chân thành: “Mọi người ơi, đừng nói họ, vì đó chỉ là đùa” hay “vì thật sự Hen chưa tốt, chưa giỏi, Hen cần phải cố gắng hơn nữa”.

Hen Niê đã dành 100% số tiền thưởng khi giành vương miện Hoa hậu để làm từ thiện vì cô khiêm tốn cho rằng, đó là số tiền may mắn từ trên trời rơi xuống chứ không phải do công sức mình làm ra và cô luôn mong muốn được làm gì đó cho dân tộc của mình. Cô ấy được đánh giá là hoa hậu làm từ thiện nhiều nhất từ trước đến nay. “Vẻ đẹp” là một danh từ, "đẹp” là một tính từ, nhưng tôi thấy để đánh giá một hoa hậu có thực sự đẹp hay không, phần lớn thể hiện ở hành động của người đó.

Nhiều người nói H’ Hen Niê liên tục gặt hái thành công như ngày nay là do cô quá may mắn. Nhưng chúng ta hiểu rằng, may mắn không tự nhiên sinh ra, nó là trái ngọt được tạo ra từ một quá trình suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn. May mắn cũng không tồn tại mãi mãi, nó chỉ ở lại với bạn khi bạn nỗ lực không ngừng.

Hen Niê sinh ra ở một dân tộc thiểu số nghèo và lạc hậu, chả lẽ đó là may mắn? Cô ấy không được học hành đầy đủ, suýt phải lấy chồng năm 14 tuổi, phải làm ô-sin để kiếm sống, mặc những bộ quần áo rẻ tiền,… chả lẽ tất cả đó là may mắn? Phải chăng bỗng dưng cô ấy trở thành hoa hậu cũng do may mắn ? Không, may mắn của cô ấy là do chính cô ấy tạo ra, do cô ấy đã biết lựa chọn cách nhìn, cách nghĩ, cách học hỏi, cách ứng xử, cách hoàn thiện bản thân.

Vẻ đẹp của cô ấy đến từ văn hóa, cách cư xử và những hành động có khả năng lan tỏa niềm tin, niềm hy vọng trong một thế giới mà hàng tỷ người vẫn đang đối mặt với cái đói, cái khát, thất học, hủ tục và bất công. Tôi mong H Hen niê mãi giữ được vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người con gái thôn quê như vậy! Nhìn thấy hình ảnh cô ấy, những em bé lại tiếp tục ước mơ, khao khát, lựa chọn con đường học tập và hăng say lao động để gặt hái quả ngọt sau này.

Cái đẹp ngày nay không còn đóng khung trong vài tiêu chí của một cuộc thi nào đó hay theo quan điểm của một nhóm người nào. Cái đẹp hiện đại không chỉ chú trọng “tốt gỗ” hay “tốt nước sơn” mà phải “tốt gỗ tốt cả nước sơn”. Hơn thế nữa, trong một thế giới còn tồn tại nhiều điều bất ổn, bất bình đẳng thì cái đẹp mang tính nhân văn, nhân ái mới đáng được trân trọng!

Đỗ Hải