Nghệ An ưu tiên công nghệ trong phát triển công nghiệp
(Baonghean.vn) - Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/8/2001 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề thời kỳ 2001-2010 là chiến lược quan trọng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Chuyển động tích cực
Nói tới sản phẩm công nghiệp nông thôn phải kể đến sản phẩm mây, tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp vừa được Hội đồng Quốc gia chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Trong khó khăn nhưng công ty vẫn giữ vững ổn định sản xuất cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động tại nông thôn. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu đến 34 nước trên thế giới.
Đến nay, Nghệ An đã tổ chức được 6 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp huyện đến cấp quốc gia. Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đức Phong (TP. Vinh), Công ty CP Khoa học Công nghệ tảo Việt Nam (Quỳnh Lưu), Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu)… nhiều năm liền được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Ông Ngô Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển công thương Nghệ An cho biết: Năm 2001, Nghệ An đứng trước nhiều khó khăn thách thức về nền công nghiệp nông thôn chưa phát triển; giao thông hàng hóa không thuận lợi, hạ tầng phát triển công nghiệp nhiều hạn chế; điểm xuất phát thấp, môi trường chưa thuận lợi cho phát triển công nghiệp nông thôn... Sau 23 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU (nay là Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030), Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Từ một tỉnh với giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khoảng 3.500 tỷ đồng vào năm 2000, thì đến năm 2023 khoảng 79.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 223 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 16 sản phẩm cấp quốc gia. Có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao.
Từ chỗ hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung nằm rải rác, xen dắm trong khu dân cư, chi phí đầu tư xây dựng cao, ô nhiễm môi trường,… thì đến nay, tỉnh đã rà soát và quy hoạch, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hệ thống khu kinh tế, các khu - cụm công nghiệp, khu chế biến ngày càng hoàn thiện, tạo mặt bằng thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích quy hoạch lên đến 23.234ha. Đến nay, 9/11 khu công nghiệp có nhà đầu tư, các khu công nghiệp còn lại đang tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Các khu công nghiệp đã thu hút khoảng 300 dự án đầu tư, trong đó có 104 dự án vốn FDI, còn lại hầu hết là các cơ sở công nghiệp nông thôn, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp là 41,9%...
Từ một tỉnh ít có cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, hệ thống các doanh nghiệp nhà nước thiếu sự đầu tư mũi nhọn để phát triển, gần như vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài; khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ sản xuất công nghiệp đang ở trình độ thấp, hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, đến nay đã có khoảng gần 1.370 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tổng vốn đăng ký khoảng 60.152 tỷ đồng. Trong đó có 104 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 39.634,2 tỷ đồng với nhiều dự án lớn đến từ hơn 13 quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... với các tập đoàn lớn như Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, Foxconn, Sunny Automotive...
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong top 10 địa phương thu FDI lớn nhất cả nước. Theo số liệu thống kê, các ngành công nghiệp đã tạo ra khoảng 283.000 việc làm cho lao động, trong đó công nghiệp nông thôn đã tạo việc làm cho gần 200.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 5,506 triệu đồng/người/tháng.
Về xuất nhập, khẩu hàng hoá, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu còn thấp, nhưng có xu hướng tăng, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng với trên 200 doanh nghiệp vào năm 2023, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.
“Việc đẩy nhanh và phát triển bền vững công nghiệp nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh theo hướng đẩy mạnh phát triển đã tạo ra nhiều sản phẩm, đóng góp số lượng lớn trong tổng số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh, góp phần thu hút và phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh” - ông Vinh chia sẻ.
Để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, chủ trương nghị quyết cho phép thành lập Trung tâm Khuyến công (nay là Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển công thương Nghệ An) và hàng năm trích từ 0,5%-1% ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Giai đoạn 2002-2023, tổng kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hơn 102 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng trên 1.600 chương trình, đề án, nhiệm vụ. Công tác khuyến công hỗ trợ đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, tạo việc làm tăng thu nhập.
Ưu tiên công nghệ trong phát triển
Tuy vậy, dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng thiếu ổn định, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - xây dựng chậm và đạt thấp so với mục tiêu. Quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 97,03%; Số lượng doanh nghiệp dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành/lĩnh vực, còn rất khiêm tốn. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phần lớn các cơ sở vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường không cao.
Đổi mới trong chỉ đạo phát triển công nghiệp nông thôn, công tác tháo gỡ khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề hiệu quả thấp, thiếu các doanh nghiệp bà đỡ; số lượng làng nghề đạt tiêu chuẩn và công nhận ngày càng giảm. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để. Việc tiếp cận các nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất cũng có nhiều bất cập...
Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Nghệ An đang tập trung triển khai, gắn với các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại. Phát triển công nghiệp phải gắn với tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển dịch vụ, khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo nhất là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động...
Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; các ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để thực hiện thành công các nghị quyết, với tinh thần “Nghệ An bước thật mạnh, tiến thật xa”, thời gian tới trên cơ sở lợi thế của từng vùng, từng khu vực: Nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, các khu, cụm công nghiệp sẵn có và các làng nghề truyền thống, tỉnh Nghệ An cần hoàn thiện hơn nữa chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp nông thôn, với những ưu tiên đặc biệt về đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ, tư vấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực và một cơ chế tài chính, tín dụng thông thoáng phù hợp với khả năng phát triển của khu vực này, mà đặc biệt là các quỹ hỗ trợ phát triển.
Phát triển công nghiệp nông thôn phải được đặt trong mối tương quan với chiến lược phát triển công nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác các lợi thế so sánh và tối ưu hóa các nguồn lực xét trên phạm vi tổng thể của cả nền kinh tế. Từ đó, sẽ tạo tác động kép, vừa có xung lực mới để đưa kinh tế nông thôn phát triển lên một giai đoạn cao hơn, vừa tạo ra những tiền đề quan trọng để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.