Phân hóa vai trò, hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với các bị cáo trong vụ Việt Á

Kim Anh 15/01/2024 07:02

Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án Việt Á tạm khép lại, dư luận xã hội đã có cách nhìn nhận công bằng, định hình rạch ròi giữa công - tội của các bị cáo trong vụ án.

Hội đồng xét xử đã đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo… từ đó phân hóa vai trò, hành vi để có hình thức xử lý phù hợp. Những hành vi vi phạm pháp luật đã được xử lý nghiêm khắc theo hướng thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, những công sức, tâm huyết của họ trong công tác chống dịch COVID-19 cũng được Hội đồng xét xử ghi nhận đầy đủ và công tâm.

viet-a-140124-7174.jpg
Các bị cáo nghe toà tuyên án, chiều 12/1/2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Giai đoạn cấp bách, nguy hiểm chưa từng có tiền lệ

Bản án sơ thẩm nhận định, vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước và thế giới phải đương đầu với một đại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm (COVID-19) chưa từng có tiền lệ. Toàn bộ hệ thống chính trị đều phải gồng mình chống từng đợt dịch bùng phát bằng nhiều cách, nhiều biện pháp khác nhau. Người dân thì hoang mang, lo sợ; trong khi hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc men ở từng địa phương còn thiếu thốn, không đủ để đáp ứng yêu cầu. Thậm chí khi dịch bùng phát, hạ tầng y tế nhiều địa phương quá tải gấp nhiều lần và lâm vào tình trạng “vỡ trận”. Hội đồng xét xử xác định đây là một trong những nguyên nhân chính phát sinh, dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án; trong đó đa số là các hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại một số cơ sở y tế tại các tỉnh, thành.

Hành vi của các bị cáo bị đánh giá là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế, xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan; gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước, cho việc huy động các nguồn lực xã hội; gây bức xúc, bất bình trong dư luận nhân dân; làm suy thoái, băng hoại về đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên; làm mất niềm tin, uy tín của Đảng và các cấp chính quyền. Do đó, việc khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo, đối với mỗi tội danh, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của từng trường hợp là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội; đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cân nhắc giảm nhẹ, khoan hồng đặc biệt đối với các bị cáo do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch cấp bách mà phạm tội, không hưởng lợi hoặc hưởng lợi không đáng kể.

Ghi nhận sự hợp tác của các bị cáo

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm, nhận thức được sai lầm; đồng thời đề nghị được xem xét đến bối cảnh dịch bệnh. Hội đồng xét xử đánh giá cao thái độ và nhận thức tích cực của tất cả các bị cáo; đặc biệt là sự hợp tác tích cực của hầu hết các bị cáo với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhằm làm sáng tỏ vụ án và ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Đến nay, hầu hết các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả. Trong đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nộp số tiền 2,25 triệu USD và 100 triệu đồng; Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) nộp 8 tỷ đồng và 8 sổ tiết kiệm trị giá gần 4 tỷ đồng; Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Á) 100.000 USD và 200 triệu đồng; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nộp 4,6 tỷ đồng; Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng) nộp gần 5 tỷ đồng; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nộp 4 tỷ đồng…

Ngoài hành vi vi phạm, Hội đồng xét xử cũng ghi nhận Công ty Việt Á và cá nhân các bị cáo Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp (cấp phó của Việt), Lê Trung Nguyên, Trần Tiến Lực (nhân viên Việt Á)... góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh tại một số tỉnh thành.

Các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) có đóng góp công lao rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn quốc và từng địa phương. Tất cả các bị cáo tại CDC các tỉnh, thành đều là những người đặc biệt tích cực, xông pha trên những tuyến đầu phòng, chống COVID-19. Bị cáo Nguyễn Mạnh Cường đã có đơn xin nghỉ việc gửi đến CDC Hải Dương từ ngày 21/6/2021 nhưng đến ngày 31/8/2021 bị cáo mới chính thức nghỉ do yêu cầu phòng, chống dịch.

Hành vi của các bị cáo có tính độc lập tương đối

Hội đồng xét xử đánh giá, trong vụ án này, các bị cáo thực hiện tội phạm mang tính đồng phạm ở mỗi hành vi khác nhau. Mỗi bị cáo ở từng hành vi bị truy tố đã tiếp nhận ý chí và thực hiện những việc làm cụ thể. Mỗi việc làm đó là một trong những mắt xích trong mối liên kết tổng thể, có thể trực tiếp, có thể gián tiếp dẫn đến hậu quả thiệt hại hoặc vụ lợi. Còn lại, các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm với tính chất, mức độ, hậu quả, vai trò khác nhau.

Bị cáo Phan Quốc Việt là người tổ chức, điều hành, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Công ty Việt Á và các công ty liên quan; đưa ra chủ trương và yêu cầu nhân viên thực hiện. Các nhân viên của Công ty Việt Á là những người làm công ăn lương, thực hiện hành vi vi phạm theo sự chỉ đạo của Phan Quốc Việt. Các cán bộ và nhân viên tại CDC các tỉnh chịu áp lực rất lớn từ sự chỉ đạo phòng, chống dịch của cấp trên, thực hiện hành vi vi phạm theo mệnh lệnh hành chính.

Xuyên suốt diễn biến toàn bộ vụ án, bị cáo Phan Quốc Việt có thỏa thuận, liên hệ, cấu kết với một số đối tượng, bị cáo khác như: Hồ Anh Sơn tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự - Học viện Quân y; Trịnh Thanh Hùng tại Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Trịnh tại Văn phòng Chính phủ; các bị cáo Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên tại Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyển tại CDC Hải Dương ở từng khâu, đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các bị cáo này không hoàn toàn khăng khít, không có sự phân công, phân nhiệm cụ thể mà hành vi của mỗi bị cáo ở từng khâu, đoạn có tính độc lập tương đối; mặt khác, các bị cáo trên không hoàn toàn cùng thực hiện một hành vi và bị truy tố, kết án về cùng một tội danh nên chưa đủ cơ sở để áp dụng tình tiết tăng nặng "Phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo.

Trong số các bị cáo, Hội đồng xét xử xác định Phan Quốc Việt đã lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội nên cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng “Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội".

Áp dụng chính sách khoan hồng

Trên cơ sở phân tích công - tội của từng trường hợp, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã nộp lại toàn bộ (hoặc phần lớn) số tiền hưởng lợi; các bị cáo là nhân viên cấp dưới, làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo, phục tùng, phụ thuộc, phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức thứ yếu. Đối với một số bị cáo là những người đồng phạm giúp sức với vai trò thứ yếu trong các vụ việc, đặc biệt là không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi không đáng kể, đã tự giác khai báo và giao nộp trước khi bị khởi tố, hoặc không được hưởng lợi nhưng đã tự nguyện nộp một khoản tiền để khắc phục thiệt hại, Hội đồng xét xử cũng xem xét xử phạt tù bằng thời hạn đã bị tạm giam hoặc áp dụng chế định về án treo, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương.

Đặc biệt, Hội đồng xét xử cân nhắc và quyết định áp dụng chính sách khoan hồng miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương). Mặc dù đã có thể nghỉ chế độ trước thời hạn nhưng khi được yêu cầu, đề nghị, bị cáo Danh vẫn tự nguyện ở lại sát cánh cùng CDC Bình Dương chống dịch. Là lãnh đạo CDC, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý nhưng đã dám nghĩ, dám làm vì sức khỏe và tính mạng của đồng bào. Mặt khác, trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thành Danh không tư lợi cá nhân, bị cáo đã nhiều lần từ chối nhận tiền, nhận quà cảm ơn của Việt Á và cũng đã cảnh tỉnh các nhân viên cấp dưới trong việc tiếp xúc nhận quà cảm ơn.

Thu hồi tài sản về cho Nhà nước

Quá trình điều tra xác định, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thành khi hiệp thương giá và sử dụng giá đó để bán test xét nghiệm cho các cá nhân, tổ chức vượt quá nhiều lần (so với giá thành sản xuất, lợi nhuận và thuế). Chỉ tính riêng số test xét nghiệm đã ký hợp đồng và đã được thanh toán tiền thì Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng (không bao gồm cả phần test đã bán cho Học viện Quân y). Toàn bộ số tiền này được chuyển về Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt là người điều hành, quyết định việc sử dụng toàn bộ số tiền trên.

Về nguyên tắc, Hội đồng xét xử buộc Phan Quốc Việt phải nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính trên để sung công quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, trước hoặc sau khi nhận được khoản tiền hưởng lợi trên, Phan Quốc Việt đã trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên cấp dưới sử dụng để đưa hối lộ cho các cá nhân tổng cộng hơn 106 tỷ đồng; chi tiền hoa hồng/chiết khấu hợp đồng cho các cá nhân tại một số tỉnh thành phố gần 67 tỷ đồng cùng nhiều khoản tiền đã chi khác cho Nguyễn Văn Trịnh (200.000 USD), Phạm Xuân Thăng (100.000 USD), Chu Ngọc Anh (200.000 USD)… Toàn bộ các khoản tiền này đều được xác định là tiền hưởng lợi bất chính và người nhận phải nộp lại để sung công quỹ Nhà nước (tổng cộng là gần 194 tỷ đồng).

Bản án sơ thẩm nhận định, Phan Quốc Việt và đồng phạm có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại cho các cơ sở y tế công lập tại 19 tỉnh thành phố trong cả nước là 402 tỷ đồng (không bao gồm thiệt hại xảy ra tại Học viện Quân y và khoản tiền thiệt hại liên quan đến test tách chiết của Công ty VN DAT là 29,6 tỷ đồng). Về nguyên tắc, theo yêu cầu của các nguyên đơn dân sự, Hội đồng xét xử buộc những người cùng thực hiện hành vi vi phạm gây ra thiệt hại thì cùng phải liên đới bồi thường cho các cơ sở y tế công lập theo yêu cầu.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền thiệt hại 402 tỷ đồng này được xác định nằm trong khoản tiền mà Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính (1.235 tỷ đồng) nên Hội đồng xét xử buộc bị cáo Phan Quốc Việt phải bồi thường toàn bộ. Riêng khoản thiệt hại tại CDC Bình Dương liên quan đến Công ty VN DAT, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Nguyễn Trường Giang (Tổng Giám đốc Công ty VNDAT) và Phan Quốc Việt phải liên đới bồi thường.

Đối với yêu cầu buộc các cá nhân, tổ chức đã mua test xét nghiệm của Công ty Việt Á phải thanh toán số tiền còn nợ và các vấn đề khác, bản án sơ thẩm quyết định Công ty Việt Á có thể thương thảo, thỏa thuận với các đơn vị, cá nhân chưa thanh toán số test xét nghiệm (trên cơ sở giá test xét nghiệm đã được xác định trong vụ án này là 143.461 đồng/test) để thanh toán với nhau. Các tranh chấp, khúc mắc khác giữa Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra Tòa án cấp có thẩm quyền theo thủ tục Tố tụng dân sự.

Vụ án Việt Á tạm thời khép lại với nhiều niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui của những người được trả tự do ngay tại phiên tòa, nỗi buồn của những người tiếp tục phải ở lại sau cánh cửa sắt, cách biệt với gia đình và xã hội. Nhưng tất cả họ đều cùng chung một nỗi ngậm ngùi, xót xa về những hành vi mà nếu được làm lại, họ sẽ có cách hành xử khác và khi đó, sự thượng tôn pháp luật được đề cao hàng đầu.

Kim Anh