Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản - sự lựa chọn hàng đầu của lao động Nghệ An
(Baonghean.vn) - Dù đối mặt nguy cơ thiên tai hay tình trạng đồng yên mất giá nhưng những năm gần đây, Nhật Bản vẫn là thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng lựa chọn để cải thiện cuộc sống.
Thị trường được hơn 50% lao động xuất khẩu lựa chọn
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trong số các thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao được lao động Nghệ An lựa chọn thì thị trường Nhật Bản có tốc độ gia tăng nhanh nhất.
Đặc biệt, kể từ năm 2015, Hàn Quốc bắt đầu siết chặt việc tuyển dụng lao động tại các địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật bớt khắt khe hơn với các chỉ tiêu đầu vào (thể chất, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề), rút ngắn thời gian đăng ký xuất cảnh…, Nhật Bản trở thành thị trường được rất nhiều lao động Nghệ An lựa chọn.
Nếu như năm 2015, số người đi xuất khẩu lao động Nhật Bản mới chỉ hơn 2.100 người thì những năm gần đây con số này là trên dưới 10.000 người. Như năm 2022, trong tổng số 24.560 lao động đi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh có đến 9.425 lao động đi làm việc ở Nhật Bản (chiếm 38,4%), đứng thứ hai trong số các thị trường lao động ngoài nước được lao động Nghệ An lựa chọn sau Đài Loan.
Năm 2023, số lượng lao động Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản tăng mạnh, với 14.074 người trong tổng số 25.130 lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh (chiếm 56%), đưa Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu đối với lao động Nghệ An.
Theo bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), nhiều năm qua, do vấn đề già hóa dân số, Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động trong các lĩnh vực cơ khí, dệt may, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, dệt may, hộ lý…
Cuối năm 2018, Nội các Nhật Bản đã thông qua một gói chính sách mới về chương trình nhập khẩu lao động, theo đó, trong vòng 5 năm kể từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài cho các ngành đang thiếu hụt lao động như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... Những nước được ưu tiên tuyển chọn sẽ là Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Theo nhận định của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài để bổ sung vào lực lượng lao động. JICA cũng cho biết, Nhật Bản đang có những động thái cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ với người lao động nước ngoài, nhất là lao động chất lượng cao trong các ngành sản xuất, chế tạo...
Bên cạnh đó, tùy theo ngành nghề và trình độ, mức lương trung bình trả cho người lao động xuất khẩu ở Nhật Bản thường dao động từ 120.000 - 180.000 Yen/tháng (tương đương 21-30 triệu đồng, tính theo tỷ giá đồng Yen hiện nay), cao hơn đáng kể so với nhiều thị trường khác. Các chế độ phúc lợi như bảo hiểm, nghỉ phép, lương thưởng ở Nhật Bản được quy định rõ ràng; nhiều cơ hội được quay trở lại làm việc sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Đây là những ưu thế khiến thị trường Nhật Bản được nhiều lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng lựa chọn.
Có con gái là Nguyễn Thị Thúy Hồng vượt qua được vòng tuyển chọn khắt khe của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm và vừa xuất cảnh vào cuối tháng 6/2023 để sang làm việc với tư cách thực tập sinh tại tỉnh Ibaraki, ông Nguyễn Văn Thế ở xóm 9B, xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), cho biết, con gái ông đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, thời hạn 3 năm, mức lương hàng tháng 130.000 Yen Nhật (gần 22 triệu đồng). Hợp đồng có thể nâng lên 5 năm, nếu con gái ông có nhu cầu ở lại làm việc tiếp. Đây là cơ hội để con gái ông có thể tích lũy thu nhập, đồng thời được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức để sau này khi về nước có cuộc sống tốt hơn.
Cần tìm hiểu kỹ
Hiện nay, với mức lương cao, chế độ phúc lợi tốt, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản vẫn được coi là một thị trường rất hấp dẫn. Thời điểm tỷ giá đồng Yen cao, có những lúc người lao động được trả mức lương có thể lên tới hơn 40 triệu đồng/tháng.
Trong các năm 2022, 2023, tỷ giá đồng Yen giảm mạnh nhưng thị trường Nhật Bản vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối người lao động do mức lương vẫn cao hơn rất nhiều so với làm việc trong nước. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều chính sách mới để thu hút lao động nước ngoài như nới lỏng visa, hỗ trợ chi phí đi lại, tăng lương tối thiểu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động người nước ngoài sang làm việc.
Tuy nhiên, có một số điểm mà những lao động muốn sang làm việc ở Nhật Bản cần cân nhắc kỹ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục công ty đang thực hiện tuyển dụng lao động xuất khẩu sang Nhật Bản và qua tìm hiểu thì tùy từng công ty mà mức chi phí đi Nhật của mỗi lao động khoảng 80 - 120 triệu đồng. Đối với những lao động nghèo, đây là mức chi phí quá lớn so với khả năng của gia đình họ.
Bên cạnh đó, so với các thị trường lao động ngoài nước khác như Đài Loan, các nước Trung Đông, Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động khá khó tính. Theo đại diện một số công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, doanh nghiệp Nhật vẫn áp dụng quy tắc tuyển dụng “3 chọn 1”, nghĩa là phải chuẩn bị số lao động ứng tuyển gấp 3 lần số lao động cần tuyển trong mỗi đơn hàng. Tình trạng bị rớt lại sau nhiều cuộc phỏng vấn làm nhiều lao động mất niềm tin, chán nản, không muốn tham gia ứng tuyển.
Thêm nữa, tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, kỷ luật cao của doanh nghiệp Nhật cũng khiến một số lao động Việt gặp khó khăn trong những ngày đầu làm quen môi trường làm việc.
Sau thời gian 5 tháng học tiếng Nhật, anh Nguyễn Văn Long, trú ở xã Trung Sơn (Đô Lương) đã đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng đến nay được gần 4 tháng. Qua mạng xã hội, anh Long cho biết, dù trong thời gian ở Việt Nam, anh đã được đào tạo tiếng Nhật, giáo dục định hướng về tác phong, ý thức lao động, nhưng khi sang đến Nhật, anh vẫn gặp nhiều khó khăn do người Nhật Bản rất coi trọng các lễ nghi, tuân thủ chặt chẽ về kỷ luật, an toàn lao động.
“Trong những tháng đầu, nếu không kiên trì để thích ứng với điều này thì lao động Việt Nam rất dễ chán nản, dẫn đến tình trạng trốn ra ngoài tìm việc làm khác, vi phạm pháp luật nước bạn”, anh Long cho biết.
Do vậy, người lao động Nghệ An cần tìm hiểu kỹ về môi trường lao động ở Nhật Bản cũng như nâng cao hơn nữa ý thức, tác phong lao động để tìm kiếm cơ hội và có việc làm bền vững tại đất nước này. Bên cạnh đó, để tránh bị lừa đảo như tình trạng phổ biến đối với lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trước đây, người lao động nên tìm hiểu kỹ về công ty xuất khẩu lao động hoặc đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn, giới thiệu tới những đơn vị uy tín, được hướng dẫn cách làm hồ sơ, thủ tục thuận tiện nhất./.