Cách dùng thực phẩm như 'thuốc' trong mùa cúm
Khi dịch cúm đang gia tăng, việc duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ là rất quan trọng để tránh khỏi bệnh tật. Thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Mỗi miếng chúng ta ăn đều có thể thúc đẩy hoặc làm xấu đi tình trạng sức khỏe, khiến thực phẩm trở thành một thành phần quan trọng trong việc tiếp xúc hàng ngày của chúng ta, TS. April Wilson, Đại học Y tế Loma Linda (Hoa Kỳ) cho biết.
1. Tác động của thực phẩm lên hệ thống miễn dịch
Theo TS. Wilson, một số loại thực phẩm có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, trong khi những loại khác lại làm giảm khả năng phản ứng hiệu quả của hệ thống miễn dịch với các bệnh nhiễm trùng.
Các chất chống oxy hóa và chất phytochemical có trong thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố và hỗ trợ cơ thể phục hồi. Những thành phần quan trọng này có nhiều trong các loại thực phẩm nguyên chất, nhiều màu sắc như trái cây, rau, các loại đậu, quả hạch và carbohydrate phức hợp…
Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giống như một biện pháp phòng ngừa bệnh. Bằng cách liên tục cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp các tế bào bạch cầu được chuẩn bị tốt hơn, để đáp ứng với bệnh tật.
Tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có đường trắng, có thể tạm thời làm suy giảm hoạt động của các tế bào bạch cầu, khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn.
2. Kết hợp thực phẩm tăng cường miễn dịch
Để tăng cường hệ thống miễn dịch, hãy cân nhắc việc kết hợp các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch vào bữa ăn. Các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa là sự lựa chọn tuyệt vời, ngay cả trong những tháng lạnh hơn hoặc có thể dùng quả mọng đông lạnh (thay cho quả tươi). Ngoài ra, nên lựa chọn thực phẩm có nhiều màu sắc… sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe.
Súp nhiều rau và các loại đậu cũng được khuyến khích, đặc biệt khi thời tiết lạnh. Việc kết hợp các loại thực phẩm như tỏi, hành và quả mọng có thể đặc biệt có lợi cho trẻ em, người già hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
3. Lựa chọn dưỡng chất tăng cường miễn dịch
Những chất dinh dưỡng dưới đây đóng một vai trò quan trọng với sức khỏe miễn dịch:
- Beta carotene: Beta carotene được tìm thấy trong thực phẩm thực vật, chẳng hạn như khoai lang, rau bina, cà rốt, xoài, bông cải xanh và cà chua…
- Vitamin C: Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, quả mọng, dưa, cà chua, ớt chuông và bông cải xanh.
- Vitamin D: Vitamin D được tìm thấy trong cá béo và trứng. Sữa và nước trái cây nguyên chất 100% có bổ sung vitamin D cũng là những nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể.
- Kẽm: Các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò và hải sản, nhưng nó cũng được tìm thấy trong các nguồn thực vật, bao gồm mầm lúa mì, đậu, các loại hạt và đậu phụ…
- Probiotic: Probiotic là vi khuẩn tốt giúp tăng cường sức khỏe. Nên tăng cường các sản phẩm từ sữa lên men, chẳng hạn như sữa chua và trong thực phẩm lên men, chẳng hạn như kefir và kim chi…
- Protein: Protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật, bao gồm sữa, sữa chua, trứng, thịt bò, thịt gà, hải sản, các loại hạt, đậu và đậu lăng.
Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng để duy trì chức năng miễn dịch tối ưu. Đảm bảo bạn ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Những lựa chọn mà chúng ta thực hiện trong chế độ ăn uống hàng ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sức khỏe tổng thể và khả năng phục hồi của cơ thể trước bệnh tật. Bằng cách ưu tiên thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và áp dụng các thói quen lành mạnh khác, chúng ta có thể củng cố hệ thống miễn dịch của mình để phòng ngừa bệnh nói chung và bệnh cúm nói riêng.