Chuyên gia Đức: Phương Tây thiếu sức chịu đựng khi đối đầu với Nga

Mỹ Nga 22/01/2024 07:16

(Baonghean.vn) - Chuyên gia phân tích quốc phòng Đức Fabian Hoffmann cho biết, châu Âu chỉ có 2 đến 3 năm để đạt được khả năng răn đe đáng tin cậy nhằm đối đầu với Nga. Nhưng Phương Tây lại thiếu sức chịu đựng và quyết tâm để làm điều này.

nato-huy-dong-tap-tran-6757.jpg
NATO gần đây huy động cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh lạnh. Ảnh: Military

Theo hãng tin RT ngày 22/1, chuyên gia quốc phòng Đức Fabian Hoffmann trong cuộc phỏng vấn với T-online cho biết, châu Âu có 2 đến 3 năm để đạt được khả năng răn đe đáng tin cậy nhằm đối đầu với Nga. Và để làm được điều này cần phải tăng cường lực lượng quân binh ở sườn phía Đông của NATO, bởi quân số hiện tại không những không đủ để ngăn chặn lực lượng vũ trang của Nga, mà thậm chí còn không thể trì hoãn mọi kế hoạch của Moskva.

Theo chuyên gia Hoffmann, Nga nhận thấy không có khả năng đánh bại liên minh trong khuôn khổ đối đầu quân sự lâu dài, mà lên kế hoạch "chinh phục" một phần lãnh thổ của NATO, sau đó buộc Tây Âu phải đàm phán bằng cách đe doạ vũ khí hạt nhân. Hoffmann cho rằng, để làm được điều này, có lẽ chỉ cần kiểm soát thành phố biên giới Narva của Estonia là đủ. Trong khi đó, Hoffmann lo ngại, Berlin, Paris và London sẽ gặp đối diện trực tiếp với Moskva, vì thiếu sự đoàn kết và kiên trì.

Để lý giải điều này, chuyên gia Hoffmann đưa ra ví dụ rằng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa bao giờ nói rằng "Ukraine phải thắng", thay vào đó ông chỉ tuyên bố một điều: "Ukraine không được thua".

"Sức mạnh ý chí của Chính phủ Đức hiện tại không còn đáng mong đợi. Ngoài ra, sự chia rẽ chính trị nội bộ ngày càng sâu sắc ở nhiều nước châu Âu khác. Điều này không mang lại bức tranh lạc quan", chuyên gia Hoffmann chia sẻ.

Theo chuyên gia này, một yếu tố khác là, việc Pháp, Đức, hay Anh tính toán gì không quan trọng. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Nga nghĩ gì. Nếu họ nghĩ mình có thể giành được chiến thắng, thì tình hình sắp tới sẽ bùng nổ. Theo Hoffmann, đây là lý do tại sao NATO cần phải đối diện với thực tế và phải có sự chuẩn bị.

Chuyên gia Hoffmann cho rằng, lợi thế trên chiến trường hiện thuộc về Điện Kremlin. Về cơ bản, Nga đã đặt nền kinh tế của mình vào tình trạng thời chiến và nước này sẽ có thể bổ sung rất nhanh kho dự trữ tên lửa của mình.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, châu Âu không còn có thể trông cậy vào Mỹ. Theo Hoffmann, khả năng cao là ông Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Điều này sẽ củng cố vị thế của Nga. Trong khi đó, nhiều nước thành viên NATO nhìn chung thiếu sự đoàn kết chính trị nội bộ. Phương Tây nói nhiều về Ukraine nhưng làm rất ít, điều này đặt dấu hỏi về quyết tâm của họ./.

Mỹ Nga