Tìm hiểu về "Ví”, “Giặm”
(Baonghean.vn) - Trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, ví và giặm là hai thể hát dân ca độc đáo của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với những nét riêng không thể lẫn với dân ca của bất cứ vùng miền nào.
Hát Ví
Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể loại ngâm vịnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể…)
Theo giáo sư Đinh Gia Khánh: “Nhân dân gọi là hát ví, có lẽ hát ví hay dùng lối ví von để trao đổi tình cảm với nhau. Giọng ví von rất gần với giọng thơ, âm giai và nhịp điệu”.
Cũng có ý kiến cho rằng: “ví” là “vói” tức là bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường để hát vói vào sân vào nhà với bên nữ, hoặc đám con gái đang cấy lúa bên đồng này “hát vói” sang đồng kia với đám con trai đang nhổ mạ.
Tính biểu cảm của hát ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
Thể hát ví có nhiều điệu như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo…
Hát Giặm
Giặm được hiểu là thêm vào(giặm lúa). Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện ngôn ngữ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, 1992) thì “giặm” có 2 nghĩa: 1. Đan vá vào chỗ hỏng (giặm nong, giặm thúng; 2. giặm là thêm vào chỗ còn trống (giặm mạ vào ruộng, ăn giặm vào giữa buổi).
Có nhiều cách hiểu về “giặm”. Nhạc sỹ Vĩnh Long trong bài Hát giặm Nghệ Tĩnh đã nêu ra hai cách hiểu: Chữ giặm là để chỉ hiện tượng láy lại câu cuối, và giặm là giặm lại vần của bài hỏi. Cũng có cách hiểu là “giặm” nghĩa là điền vào chỗ trống trong câu hát.
Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài hát giặm có nhiều khổ, mỗi khổ 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ. Tuy vậy, cũng có những bài giặm, vè không phân khổ rõ ràng, àm cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu và mỗi câu không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6,7 chữ(do lời thơ biến thể).
Giàu rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày. Cũng có loại giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả giặm trữ tình trao duyên.
Hát giặm là một thể loại hát nói bằng thơ ngụ ngôn. Âm nhạc đi theo thường là phách. Các làn điệu hát giặm như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm kể… Có các tiết tấu phách mạnh, phách nhẹ, những nhịp trong và ngoài.
Tài liệu tham khảo:
- Hội thảo khoa học quốc tế: “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, 2014.
- Ngữ Văn địa phương Thành phố Vinh , Tác giả Dương Xuân Hồng (biên soạn), NXB đại học Vinh.
- Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh , PGS Ninh Viết Giao, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982.
- Bài viết: “Giá trị sức sống của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” , Từ Thị Loan, tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 29/05/2015.