Nhiều vấn đề đặt ra sau khi sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại huyện Anh Sơn

Tiến Đông 22/01/2024 18:44

(Baonghean.vn) -Làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vào chiều 22/1, UBND huyện Anh Sơn đã có nhiều kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Buổi làm việc do bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Anh Sơn.

bna-1-2863.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tiến Đông

Giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2017, UBND huyện Anh Sơn đã tổ chức sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo báo cáo, tính đến hết ngày 31/12/2023, trên địa bàn huyện Anh Sơn còn 61 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10 đơn vị so với năm 2015. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.522 biên chế, giảm 95 biên chế so với năm 2015. Có 1/61 đơn vị tự chủ được về tài chính và tổ chức bộ máy...

bna-4-9564.jpg
Ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện. Ảnh: Tiến Đông

Dù việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần giúp giảm về số lượng các cơ quan, đầu mối; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hợp nhất một số cơ quan, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng gặp nhiều khó khăn do số lượng biên chế đông, đặc biệt là việc bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó khi sáp nhập. Một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp khi thực hiện sáp nhập không đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc; là một đơn vị nhưng có 2 nơi làm việc (do khi chưa sáp nhập là 2 đơn vị có địa điểm cách xa nhau). Việc triển khai thực hiện còn chồng chéo, bất cập do chưa có hướng dẫn chung về cơ cấu tổ chức bộ máy, các tổ chức bên trong; chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của những đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp lại.

Bên cạnh đó, một số quy định của cơ quan cấp trên còn thiếu tính đồng bộ nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện; khi triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, các ngành chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, trong đó có việc xác định cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy...

bna-6-1537.jpg
Ông Nguyễn Hữu Sáng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Anh Sơn đánh giá cao tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW. Ảnh: Tiến Đông

Qua quá trình thực hiện và thực tế số lượng biên chế hiện có của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện Anh Sơn, nhất là các đơn vị sự nghiệp giáo dục, quy mô trường lớp hàng năm không ổn định, có xu hướng ngày càng tăng lên nên cần bố trí thêm giáo viên để giảng dạy, do vậy, rất khó khăn trong việc tinh giản biên chế. Nếu thực hiện theo lộ trình giảm 10% số người làm việc trong ngành Giáo dục từ năm 2021 đến năm 2025 khó có thể thực hiện được...

Đặc biệt, đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên còn ít, chỉ có 1/61 đơn vị. Nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

bna-3-9176.jpg
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Tiến Đông

Cần phải có đánh giá cụ thể hiệu quả sau sắp xếp

Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Anh Sơn, thành viên đoàn giám sát cũng đã đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề hướng dẫn vị trí việc làm; vấn đề thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao...

Ông Trần Nhật Minh đề nghị nêu rõ số lượng biên chế được giao, số biên chế còn thiếu, những đơn vị sự nghiệp chưa sử dụng hết số biên chế được giao... Đồng thời, cần có đánh chung, tổng thể về hiệu quả sau khi sắp xếp lại.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần phải đánh giá việc sắp xếp lại đã đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên địa bàn hay chưa. Qua đó, từng bước đề xuất cho các cơ quan chức năng có những giải pháp để điều chỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

bna-2-9978.jpg
Bà Thái Thị An Chung phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Anh Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Kết thúc cuộc làm việc, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH TW khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, là nghị quyết có tính chất quan trọng, phạm vi rộng, và tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp nhân dân.

Từ thực tế những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đã nêu, bà Thái Thị An Chung cũng đề nghị UBND huyện Anh Sơn cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho từng đơn vị; tập trung nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Huyện cũng cần nghiên cứu để sớm có cơ chế đặt hàng cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tăng nguồn thu cho các đơn vị sau sắp xếp.

Trên cơ sở những kiến nghị của huyện Anh Sơn, thời gian tới, đoàn sẽ có báo cáo kết quả giám sát gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, nghiên cứu giải quyết.

Tiến Đông