Giá trị nhân văn truyền thống của dân ca ví, giặm

Nguyễn Phương Thanh (Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022) 22/05/2023 16:44

(Baonghean.vn)- Dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể có nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc. Nội dung bao quát từ mô tả cuộc sống sản xuất sinh hoạt đến phản ánh lịch sử phong tục, tập quán lễ nghi, ca ngợi tình yêu quê hương và đặc biệt là phản ánh tình yêu nam nữ.

Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều thống nhất rằng, dân ca ví, giặm cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nguồn gốc từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, do vậy đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.

bna_tái hiện không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí MInh.jpg
Tái hiện không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Thủy

Qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau cho thấy, đến TK XVII - XVIII, hát ví, giặm đã rất phát triển, trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến trong cộng đồng cư dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ TK XIX đến giữa TK XX, dân ca ví, giặm được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng Văn Bá…

Do vậy, từ một hình thức văn nghệ dân gian của người lao động, cùng với sự đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng… theo dòng thời gian, loại hình dân ca này đã ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn hóa hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca ví, giặm được cải biên thành những bài vè, đối ca, hoạt ca, trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần của bộ đội, dân quân và nhân dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây là loại hình sinh hoạt văn nghệ không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể được thực hành bởi cá nhân hoặc tập thể, từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng… Do vậy, nó dễ được tiếp nhận và phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng.

Dân ca ví, giặm là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống người dân, là bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ. Người dân xứ Nghệ hát ví, hát giặm ở mọi lúc, mọi nơi, khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... Như một cách tự nhiên nhất, hát ví, giặm trở thành phương tiện nghệ thuật phổ biến để người dân giãi bày tâm tư, tình cảm; để trai gái thể hiện tình yêu đôi lứa; cộng đồng thể hiện sự gần gũi, gắn kết; con người thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm còn thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu đạt tối đa về tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương mà chưa có loại dân ca nào ở Việt Nam lại mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ như vậy.

Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể có nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc. Nội dung bao quát từ mô tả cuộc sống sản xuất sinh hoạt đến phản ánh lịch sử phong tục, tập quán lễ nghi, ca ngợi tình yêu quê hương và đặc biệt là phản ánh tình yêu nam nữ. Những nội dung này được thể hiện một cách vô cùng sâu lắng, thiết tha bởi con người luôn phải kiên cường đấu tranh với tự nhiên đầy khắc nghiệt. Các bài dân ca ví, giặm đều mang tính giáo dục sâu sắc, góp phần giáo huấn con người trên mọi phương diện đạo đức, luân lý, lối sống, đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, ca ngợi tình yêu chung thủy, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng trung thực, cao thượng, nhân ái…

Do vậy, nó là một công cụ hữu hiệu góp phần giữ gìn, trao truyền những thuần phong mỹ tục, lối ứng xử tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống. Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, dân ca ví, giặm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người Nghệ - Tĩnh trong việc tạo dựng những đặc trưng văn hóa của một vùng đất nổi tiếng là hiếu học và khoa bảng.

Bên cạnh đó, đây còn là loại hình diễn xướng dân gian có nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của địa phương. Dân ca ví, giặm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi có lối hát vừa mang tính ngẫu hứng linh hoạt, uyển chuyển, vừa có tính lề lối quy cách bài bản, thể hiện rất rõ những đặc tính của địa phương. Về thể thức trình diễn, ví, giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Về âm điệu, làn điệu, tiết tấu, hát ví là thể hát tự do, ngâm vịnh dựa theo các thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, đồng thời phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát, về cơ bản chúng có chung một làn điệu. Có khác chăng là khi buồn thì hát giọng trầm; khi vui hát giọng cao, phấn khởi; khi giận hờn thì hát giọng gấp gáp, bực tức...

Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại, thường có nhịp là 3/4 và 6/8. Lời hát giặm chủ yếu dựa theo thể thơ 5 chữ (thơ ngũ ngôn hoặc vè). Một bài giặm thường có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4. Hai lối hát ví và giặm luôn được hát xen kẽ cùng nhau. Mỗi người có thể hát ví với âm điệu tự do, hoặc hát giặm có phách mạnh, phách nhẹ hoặc hát cả hai. Mỗi điệu hát là một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều toát lên hồn vía, cốt cách của con người xứ Nghệ.

Di sản văn hóa nói chung luôn là nội dung thu hút và hấp dẫn khách du lịch. Du lịch tìm hiểu di sản văn hóa có thể phát huy, biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động du lịch, di sản văn hóa được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới. Việc kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch đưa dân ca ví, giặm vào trong chương trình hoạt động du lịch là một hướng đi có tính khả thi và cần thiết hiện nay. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy được giá trị di sản, vừa đạt được mục đích kinh tế, phát triển du lịch.

Sau khi dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích và đưa loại hình dân ca này vào phát triển du lịch. Nổi bật nhất là việc giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn để thành lập các câu lạc bộ dân ca ở các đơn vị khách sạn, nhà hàng.

Đến nay, Trung tâm đã tổ chức biểu diễn nhiều chương trình phục vụ du khách thập phương.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.

Nguyễn Phương Thanh (Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022)