Nghệ An truy trách nhiệm vụ hàng loạt công nhân mắc bụi phổi

Tiến Hùng 23/01/2024 13:18

(Baonghean.vn) - Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại ở công ty, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Đã gần 2 tháng kể từ ngày Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp của Sở Y tế kết luận, có 62 trên tổng số 87 người đã và đang làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến (đóng ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc), bị mắc bệnh bụi phổi silic, nhưng anh Hoàng Sỹ Quyết (38 tuổi, xã Diễn Lộc, Diễn Châu) vẫn chưa nhận được thông báo nào đến từ chủ doanh nghiệp. Anh Quyết cũng như nhiều người khác, chỉ biết mình mắc bệnh bụi phổi silic sau khi nhận được thông tin từ phóng viên.

Cho đến nay, chưa ai thông báo hay hướng dẫn chúng tôi làm gì cả. Trong khi bệnh này thì chỉ có thể cứu chữa được nếu phát hiện kịp thời và đi bệnh viện sớm.

anh Hoàng Sỹ Quyết (38 tuổi, xã Diễn Lộc, Diễn Châu)

Anh Quyết chỉ mới làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến khoảng 9 tháng, ở bộ phận cơ khí, nhưng kết quả khám bệnh cho thấy, anh đã bị bụi phổi silic nặng. Dù vậy, hiện nay anh Quyết vẫn đang bám trụ làm việc tại công ty này.

Không thể chờ đợi từ công ty, mới đây anh Quyết cùng 2 đồng nghiệp đã ra Bệnh viện Phổi Trung ương để khám. Kết quả cho thấy, một đồng nghiệp của anh bị bệnh viện trả về vì đã quá nặng, không còn khả năng cứu chữa. “Còn đối với tôi, các bác sĩ bảo là có mắc bụi phổi silic, nhưng cần theo dõi thêm. 3 tháng nữa quay lại khám tiếp”, anh Quyết kể. Trở về nhà sau chuyến đi viện, anh Quyết tiếp tục quay trở lại công ty làm việc.

Theo anh Quyết, công ty đã dừng hoạt động sản xuất từ lâu, nhưng có khoảng 10 công nhân vẫn đang làm việc ở đây với nhiệm vụ phá dỡ các máy móc trong các nhà xưởng. Trong số 10 công nhân này, có rất nhiều người bị xác định mắc bụi phổi silic. “Chúng tôi nhiều lần hỏi quản lý, nhưng quản lý cũng bị bụi phổi silic nặng. Hỏi ông chủ thì chẳng thấy nói gì, cứ lảng tránh”, anh Quyết nói thêm.

bna-bui3-1211.jpg
Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: Tiến Hùng

Liên quan đến vụ việc này, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội và quốc phòng – an ninh của tỉnh diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, hiện nay tỉnh vẫn đang tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại của Công ty TNHH Châu Tiến trong thời gian qua, đồng thời xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Còn ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đánh giá, đây là sự việc rất nghiêm trọng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ ra nhiều vi phạm tại công ty như về quan trắc môi trường, an toàn lao động. Tỉnh cũng đã ra các quyết định xử phạt Công ty TNHH Châu Tiến hơn 110 triệu đồng.

ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

Sau khi xử phạt, UBND tỉnh Nghệ An cũng giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương và Công ty TNHH Châu Tiến khắc phục các tồn tại, hạn chế như về hoạt động đầu tư, vệ sinh an toàn lao động, chính sách cho người lao động…; "Công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người lao động mắc bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện bồi thường cho thân nhân người tử vong, bồi thường, hỗ trợ theo quy định với công nhân đã được đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp xác định mắc bệnh bụi phổi", ông Trị nhấn mạnh.

Người mang bệnh được bồi thường

Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho biết, cuối tháng 11/2023, ông cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Nghệ An để nắm bắt tình hình, thăm hỏi thân nhân, người lao động Công ty TNHH Châu Tiến bị tử vong, nhập viện vì bụi phổi.

“Khi đoàn công tác vào làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến, thì công ty đã tạm dừng hoạt động. Lúc này, dù hệ thống nhà xưởng, máy móc đã được vệ sinh, dọn dẹp, sắp xếp, nhưng qua quan sát thì vẫn có thể thấy là nhìn rất rõ bụi đá, vẫn đang bám, tồn lưu ở các bề mặt, vách ở nhà xưởng. Có thể nói là, với hệ thống công nghệ đang còn lại mà chúng tôi thấy, nếu như hoạt động, các nguy cơ gây nguy hiểm rất cao”, ông Thơ nói và cho hay, các hệ thống hút, lọc bụi ở đây không thể giúp giảm lượng bụi phát tán. Với những nhà xưởng xây dựng trong không gian rộng, kín, không được cô lập nguồn phát tán bụi như thế này, thì hầu hết người làm việc trong môi trường đó, đều có nguy cơ tiếp xúc với bụi ở nồng độ cao.

bna-bui2-3529.jpg
Ánh mắt lo lắng của một công nhân trong lúc thăm khám, điều tra bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Tiến Hùng

Công ty TNHH Châu Tiến được thành lập gần 20 năm trước, từng là cơ sở chế biến bột đá siêu mịn (CaCO3). Năm 2017, Công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá silic. Nguyên liệu đầu vào là đá cuội, có thành phần trên 99% silic. Sản phẩm của Công ty có 2 dòng: bột đá silic trắng (5 giải kích thước 0,1 mm đến 5 mm) để làm nguyên liệu cho các nhà máy ép đá (marble), đá lót sàn nồi nấu thép của các nhà máy luyện thép, ngoài ra còn thu bụi đá trong quá trình nghiền để cung cấp trộn vào nguyên liệu luyện thép. Dù môi trường làm việc có nguy cơ cao, nhưng công ty này lại không tổ chức quan trắc môi trường, không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, khám định kỳ cho người lao động.

“Năm 2017, công ty này thay đổi công nghệ. Thay đổi thứ nhất nguy cơ dẫn đến bụi phổi silic là vật liệu đá – nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất. Chuyển từ các loại đá nghèo silic sang đá đậm đặc silic”, ông Thơ nói và cho rằng, theo như kết quả quan trắc môi trường sau khi vụ việc xảy ra, có đủ căn cứ đánh giá những người làm việc tại đây, dù ngắn hay dài đều có nguy cơ.

Cũng theo ông Thơ, có những trường hợp, 35 năm sau mới phát hiện bị bụi phổi silic, nhưng vẫn khẳng định đó là bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc trong môi trường làm việc. Chứ không phải người lao động không còn làm việc, hoặc người lao động đã mất sau khi nghỉ thì không xác định được bệnh nghề nghiệp, hay là không xác định được trách nhiệm của chủ sở hữu lao động. Và trách nhiệm xác định đó, là của các đoàn điều tra, cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động thì trách nhiệm chính là của chủ sở hữu lao động. Chủ sở hữu lao động phải chịu chi phí điều trị, phải bồi thường. Còn với những lao động tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ thì được quỹ bảo hiểm trợ cấp, hỗ trợ, các chi phí về bảo hiểm theo quy định. Còn nếu doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ, thì tất cả chi phí điều trị phải do chủ sở hữu lao động chi trả. Mà nếu như chủ doanh nghiệp không làm thì một lần nữa vi phạm pháp luật, ngoài vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người lao động, thì vi phạm tiếp theo là không chi trả đầy đủ các chế độ cho người lao động bị tai nạn, bị bệnh nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cũng cho rằng, câu chuyện bệnh nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa được quan tâm như tai nạn lao động. Nhiều bệnh nghề nghiệp dẫn đến tử vong sau khi phát hiện, nhưng thông tin về các trường hợp chùm ca bệnh ít được báo cáo đầy đủ, ít được báo chí quan tâm. Chỉ có thông tin số người mắc, số người được khám, số người nguy cơ. Dẫn đến những con số đó chưa phản ánh đầy đủ mức độ nghiêm trọng. Chưa làm cho bộ máy quản lý, chủ doanh nghiệp quan tâm đến câu chuyện phòng ngừa bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động sản xuất./.

Tiến Hùng