Du học nghề không phải toàn màu hồng

Minh Quân 25/01/2024 09:13

(Baonghean.vn) - Trước đây, sau kỳ tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh và phụ huynh thường tìm địa chỉ học nghề trong nước nếu không muốn vào đại học. Tuy nhiên hiện nay, xu hướng du học nghề đang trở thành mối quan tâm của nhiều học sinh.

Nhiều lợi thế

Bên cạnh các chương trình xuất khẩu lao động, du học nghề đang là con đường dành cho những ai có mong muốn ra nước ngoài học tập và làm việc. Đây là chương trình du học nhằm phục vụ nhu cầu học của người đi làm, lớn tuổi có trình độ không quá cao, kéo dài từ 2-3 năm.

Thời gian đào tạo ngắn, thiên về thực hành và với chi phí thấp, thậm chí được miễn phí ở một số quốc gia khiến du học nghề ngày càng thu hút người học. “Thị trường” được các lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng lựa chọn du học nghề là các quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

bna-tu-van-du-hoc-nghe-tai-mot-trung-tam-du-hoc-o-thanh-pho-vinh-8925.jpg
Tư vấn du học nghề tại một trung tâm tư vấn du học ở thành phố Vinh. Ảnh: Minh Quân

Một trong số những quốc gia có số lượng người Nghệ An đi du học nghề nhiều nhất phải kể đến nước Đức. Ông Nguyễn Trung Hậu – đại diện một công ty tư vấn du học nghề trên đường Lý Thường Kiệt (thành phố Vinh) cho biết: “Do đặc điểm dân số Đức đang ở giai đoạn già hóa, lực lượng nhân sự trong một vài ngành nghề đặc thù như nhà hàng – khách sạn, xây dựng, điều dưỡng, nông nghiệp… bị thiếu hụt trầm trọng, Chính phủ Đức mở ra chương trình du học nghề và kêu gọi sinh viên các nước khác đến học tập, làm việc.

Điểm đặc biệt của chương trình du học nghề ở Đức không chỉ miễn phí mà người học được trả lương trong quá trình học tập và sẽ được bắt tay làm quen với công việc ngay khi còn ngồi ghế nhà trường. Các du học sinh đi học hàng tháng sẽ được trợ cấp của chính phủ từ 900 – 1.200 Euro. Không những thế, để thu hút hơn nữa người lao động có tay nghề tới Đức sinh sống và làm việc, Chính phủ nước này còn tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể nhập Quốc tịch Đức chỉ sau 5 năm, thay vì 8 năm như trước đây”.

Tháng 3/2023, anh Nguyễn Gia Bảo (SN 2000), trú ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh tốt nghiệp ngành nhà hàng – khách sạn sau 3 năm học nghề tại Đức. Anh Bảo cho biết, mức lương được nhận trong quá trình đi học đủ trang trải cuộc sống. Ra trường, Bảo được nhận vào một nhà hàng với mức lương 2.800 Euro/tháng (gần 73 triệu đồng) chưa tính thời gian tăng ca.

Bên cạnh du học nghề ở Đức thì vài năm gần đây sang Nhật, Hàn Quốc, du học nghề cũng được nhiều người lựa chọn, với hình thức đào tạo là vừa học tiếng, vừa học nghề. Người học có thể chọn các nghề như nấu ăn, điện tử, du lịch, làm đẹp, kỹ thuật lắp ráp...

bna-du-hoc-sinh-han-6800.jpg
Một buổi gặp mặt của cộng đồng du học sinh tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Tại một trung tâm tư vấn du học nghề trên đường Phạm Đình Toái (thành phố Vinh), rất nhiều học sinh và cả các phụ huynh đến tìm hiểu về các chương trình du học nghề ở Nhật Bản.

Tốt nghiệp THPT, em không chọn học đại học, cao đẳng mà học tiếng Nhật để học ngành Du lịch bên Nhật Bản, bởi vì được đào tạo song song lý thuyết với thực hành, được đi nhiều nơi và trong quá trình thực tập có thể tạo thêm thu nhập. Em hy vọng sau khi tốt nghiệp có thể kiếm được việc làm luôn ở bên đó.

Nguyễn Thị Hồng (SN 2004), xã Hậu Thành, huyện Yên Thành

Vợ chồng tôi đều là công nhân, kinh tế gia đình không mấy dư giả nên muốn con cái sớm tự lập. Cháu đầu của vợ chồng tôi đã sang Nhật theo con đường du học nghề và hiện có công việc ổn định ở bên đó. Còn một con trai nữa thì năm nay tốt nghiệp THPT, vợ chồng tôi cũng dự định tính cho cháu đi con đường du học nghề ở Nhật.

chị Phạm Thị Tuyết Mai - xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên

Không chỉ toàn gam màu sáng

Có thể thấy, dịch vụ tư vấn du học nghề tại các nước như Đức, Australia, Hàn Quốc,... hiện nay đang trở thành xu hướng hot trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy, một số trung tâm đánh trúng vào tâm lý của các học viên muốn ra nước ngoài làm việc với thu nhập cao, bằng cách quảng bá mức lương vượt quá mức thực tế. Bên cạnh đó, để có thể nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cho học viên đi du học nghề, các trung tâm đặt ra hàng loạt các khoản chi phí rất cao.

bna-mot-lop-hoc-tieng-duc-phuc-vu-du-hoc-nghe-tai-mot-trung-tam-du-hoc-o-thanh-pho-vinh-6647.jpg
Một lớp học ngoại ngữ phục vụ du học nghề tại thành phố Vinh. Ảnh: Minh Quân

Anh Nguyễn Gia Bảo cho biết, để được sang Đức học nghề, anh phải học tiếng Đức với chứng chỉ đầu ra B1 ở một trung tâm tại Hà Nội với chi phí học là hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh chi phí học tiếng đắt đỏ, phí dịch vụ để hoàn thiện hồ sơ đi du học nghề mà các trung tâm đưa ra còn cũng lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo anh Bảo, đây là một con số không hề nhỏ và có sự chênh lệch khá lớn so với việc bản thân tự hoàn thành hồ sơ. Mặt khác, đã có trường hợp một số trung tâm lừa đảo để ăn chặn chi phí mà học viên đã nộp bằng cách thu hồ sơ gốc, làm hồ sơ với bản sao và đưa hợp đồng giả cho học viên.

Anh Bảo cho biết thêm rằng, các trung tâm dịch vụ chạy theo lợi nhuận nên thường tô vẽ cuộc sống “màu hồng” tại Đức, nhưng trong thực tế lại không như vậy. Ngoài khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, trong thời gian học tập, tùy từng địa phương ở Đức mà mức lương trước khi tốt nghiệp hầu như chỉ đủ để trang trải cuộc sống chứ không dư dả, thậm chí là còn túng thiếu. Do vậy, nhiều du học sinh sẽ phải làm việc bán thời gian để trang trải chi phí sinh hoạt nhưng việc tìm kiếm công việc bán thời gian ở Đức không hề dễ dàng.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1996), trú ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh đang theo chương trình du học nghề ở Nhật Bản cho biết, chi phí du học nghề tại đất nước này khá cao (từ 900,000 – 1,300,000 Yen/năm, tương đương 150 triệu đồng – 210 triệu đồng/năm), dẫn đến nhiều du học sinh phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4h/ngày và không được phép làm quá 28h/tuần.

Hiện nay, ở các thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ như Tokyo, Osaka..., nhiều du học sinh Việt Nam do không tìm được việc làm, không gánh nổi chi phí học tập, sinh hoạt đã phải bỏ học, đi làm chui lủi... Một số trường hợp có được việc làm nhưng lại bị từ chối gia hạn visa do bị phát hiện làm việc quá số giờ quy định.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Du học sinh tại Nhật Bản

bna-lop-hoc-nghe-tai-nhat-ban-4686.jpg
Một buổi thực hành của du học sinh ở một trường nghề tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Có thể thấy, du học nghề là con đường đầy hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cuộc sống du học cũng không phải chỉ toàn những gam màu sáng. Để tạo điều kiện tốt nhất cho bản thân cần phải chuẩn bị chắc chắn về trình độ kiến thức, tìm hiểu để lựa chọn được trung tâm tư vấn du học nghề uy tín, phù hợp với khả năng tài chính, đồng thời, nghiên cứu về nền tảng văn hóa của đất nước mình chọn du học, cũng như ý thức những khó khăn để luôn sẵn sàng đối mặt./.

Minh Quân