Nông dân Nghệ An tập trung phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc
(Baonghean.vn) - Trong những ngày qua, Hội Nông dân các cấp ở Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo bà con nông dân trong tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Tại huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn, nhằm tránh tình trạng đàn vật nuôi chết vì rét, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Đặc biệt là những vùng có nhiệt độ giảm sâu, cần sát sao chăm sóc đàn vật nuôi và thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, gia cầm hợp lý.
Ông Lương Văn Minh ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết: Hàng năm gia đình ông luôn duy trì chăn nuôi từ 8 đến 10 con bò. Khi trời bắt đầu trở rét, gia đình ông đã chủ động chuẩn bị bạt, thức ăn, củi để che chắn, sưởi ấm cho đàn bò. Người dân ở địa phương cũng chủ động lùa trâu, bò, dê từ rừng và nương rẫy về chuồng và che chắn, tránh gió lùa, kết hợp đốt lửa để sưởi ấm cho vật nuôi. Chính nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền và các cấp hội nông dân mà người dân đã chủ động hơn trong việc chăm sóc đàn vật nuôi tránh được những trường hợp thiệt hại không đáng có như thời gian trước do thời tiết gây nên.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn Phan Văn Mạnh cho biết: Hiện toàn huyện Kỳ Sơn có tổng đàn trâu 11.740 con, đàn bò 47.290 con, đàn lợn 38.310, đàn gia cầm 430.000. Thời tiết rét đậm, rét hại dài ngày, Hội Nông dân huyện chỉ đạo hội nông dân các xã, chi hội nông dân thành lập các tổ xuống các bản và hộ gia đình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét cho gia súc; di chuyển đàn trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt để kiểm soát.
"Những ngày qua nhiệt độ ở một số vùng ở huyện Kỳ Sơn xuống thấp đã khiến một số trâu, bò chết rét. Tuy nhiên, nhờ chủ động cảnh báo sớm cho người dân nên việc gia súc chết rét đã hạn chế rất nhiều so với trước đây. Huyện Kỳ Sơn thường xuyên có các đoàn kiểm tra ở cơ sở, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi và cây trồng", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn - Phan Văn Mạnh cho biết.
Với đặc thù vùng núi cao, mùa Đông ở các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông nhiệt độ ban đêm có thể xuống đến 1-3 độ C kèm theo sương muối dày đặc làm cho lượng thức ăn giảm, khiến gia súc dễ mắc bệnh và dễ chết.
Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét, người dân các địa phương cũng đã thực hiện những giải pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi khi thời tiết cực đoan xuất hiện, như: sửa chữa chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, tích trữ thức ăn khô, che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm...
Không chỉ người dân vùng miền núi cao, tại các huyện miền xuôi, để bảo vệ cho đàn gia súc, chính quyền địa phương cùng với người dân đã chủ động thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp chống rét.
Gia đình ông Hồ Xuân Thư ở xóm 8, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên hàng năm nuôi 2-4 con bò. Vào những ngày trời rét gia đình ông nấu nước ấm cho đàn vật nuôi uống, che chắn chuồng trại cẩn thận, tăng thêm khoáng và tinh bột cho gia súc. "Gia đình tôi không thả đàn vật nuôi ra ngoài như trước mà nhốt trong chuồng được che kín, cho ăn thức ăn khô đã được dự trữ, lấy bạt che quanh chuồng giữ ấm cho bò, cách làm này giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh”, ông Thư cho biết.
Toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia súc gần 2 triệu con, 33 triệu con gia cầm. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, và đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân. Vì thế, việc tăng cường thực hiện các giải pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh dịch, tăng đề kháng cho đàn vật nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng cho biết: Để tránh những thiệt hại đáng tiếc cho người chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo hội nông dân các cấp tập huấn các quy trình chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên qua nhiều kênh thông tin, nhất là phát huy vai trò của mạng xã hội để truyền thông các kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại cho con người, cây trồng và vật nuôi.
Đặc biệt, phong trào may "áo ấm" cho gia súc vào mùa rét được hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An duy trì thành nề nếp trong những năm gần đây. Từ chỉ đạo chung của Hội Nông dân tỉnh giao cho hội nông dân các cấp chủ động "kích hoạt" các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Đến nay, các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn các phương án chống rét cho gia súc, gia cầm để phòng, tránh những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nông dân.