Nghệ An cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi

Q.A 27/01/2024 15:55

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An đã hạ nhiệt, số lợn nhiễm bệnh giảm mạnh. Đây là tín hiệu đáng mừng để người dân yên tâm sử dụng thịt lợn trong dịp cận Tết.

Huyện Anh Sơn từng là một trong những địa phương có dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn Nghệ An. Tính đến cuối năm 2023, dịch đã xảy ra tại 15 xã, 59 thôn, 526 hộ trên địa bàn với tổng số 3.892 con lợn nhiễm bệnh, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy trên 223 tấn.

bna-phun-tieu-doc-khu-trung-anh-quang-an-6583.jpg
Cán bộ thú y phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Ảnh: Q.An

Trước tình hình đó, huyện Anh Sơn đã quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan, hạn chế tối đa phát sinh các ổ dịch mới. Tại các xã xuất hiện dịch, nhiều chốt kiểm soát được lập, lực lượng chức năng túc trực 24/24h,lợn nhiễm bệnh được tiêu huỷ đúng quy trình. Các hộ chăn nuôi cũng nêu cao tinh thần phòng dịch bằng cách tăng cường vôi bột, hoá chất, xử lý triệt để mầm bệnh trong môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn (địa phương có nhiều ổ dịch trên địa bàn huyện Anh Sơn) cho biết: Trong tuần vừa qua, trên địa bàn không còn hiện tượng lợn ốm chết. Một số xóm đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới, tại những “vùng xanh” này, địa phương đã cho phép lực lượng tháo chốt kiểm dịch để thuận tiện cho người dân kinh doanh, buôn bán dịp cận Tết. Dù dịch từng diễn biến phức tạp, trên địa bàn vẫn đảm bảo được tổng đàn trên 2.500 phục vụ thị trường (trước dịch có gần 3.000 con).

bna-12-9615.jpg
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương. Ảnh: Q.An

Số liệu từ phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Anh Sơn cho biết, đến cuối tháng 1/2024, toàn huyện có 13/15 xã công bố hết dịch bao gồm: Đỉnh Sơn, thị trấn Anh Sơn, Thọ Sơn, Tam Sơn, Bình Sơn, Hội Sơn, Lạng Sơn, Tào Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn, Thạch Sơn, Lĩnh Sơn, Đức Sơn. Hiện dịch chỉ còn xuất hiện ở 2 xã Cao Sơn, Khai Sơn và số lượng lợn nhiễm bệnh mới không nhiều.

Tại huyện Thanh Chương, dịch bệnh cũng dần được kiểm soát. Hiện toàn huyện còn 13 xã có dịch, tuy nhiên tại các ổ dịch này, số lượng lợn nhiễm bệnh phát sinh mới rất ít. Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thanh Chương cho biết: Trên địa bàn huyện trong vòng 4 ngày qua chỉ có 1 con lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Còn lại các ổ dịch không phát sinh lợn nhiễm bệnh hoặc chết trong những ngày qua. Nhiều xã đang chờ đến 21 ngày theo quy định để công bố hết dịch trước Tết.

bna-mua-thit-lon-tai-tpvinh-anh-quang-an-4733.jpg
Người dân yên tâm sử dụng thịt lợn khi dịch được kiểm soát. Ảnh: Q.A

Ông Nguyễn Viết Lương – Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: Từ đầu năm 2024, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh không xảy ra nhiều, các ổ dịch đều từ năm 2023 chuyển sang chưa đủ điều kiện công bố hết dịch. Số lượng tiêu hủy rất ít, trong đó chủ yếu tiêu hủy 1-2 con/ổ dịch. Chỉ có huyện Thanh Chương hiện đang còn hơn 10 ổ dịch chưa qua 21 ngày, các huyện khác chỉ phát sinh 1 ổ hoặc 2 ổ. Theo nhận định chung thì đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An đã cơ bản được kiểm soát.

bna-lon-2-2742.jpg
Các địa phương cần kiểm soát chặt việc tiêu thụ lợn trên thị trường. Ảnh: Q.An

Tuy nhiên, Tết Nguyên đán sắp tới, lưu lượng vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn sẽ tăng cao. Do đó chính quyền địa phương vẫn phải tập trung giám sát tốt dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời trong diện hẹp. Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn.

Đặc biệt tập trung chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ, quản lý nguồn gốc thịt lợn và dịch bệnh tại các chợ, các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, cơ sở chế biến thịt lợn (giò, chả, xúc xích...) và các cơ sở bán sản phẩm của lợn. Tăng cường chỉ đạo lấy mẫu giám sát mầm bệnh tại các cơ sở để đảm bảo nguồn cung thịt lợn cuối năm, tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thịt lợn sạch, không bị bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế lây lan dịch bệnh...

Q.A