Họa sĩ xứ Nghệ phục dựng chân dung màu người thân Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công Kiên 28/01/2024 10:44

(Baonghean.vn) - Vào dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan đã trao tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên bộ tranh màu những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tranh này do họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh, một người con của quê hương xứ Nghệ phục dựng.

Niềm tự hào thôi thúc người nghệ sĩ

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh (sinh năm 1972), nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan, hiện sinh sống tại phường Trung Đô, thành phố Vinh.

Nhiều năm gắn bó với Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước vinh dự được mang tên của thân mẫu Bác Hồ, tôi luôn cảm thấy tự hào. Trong quá trình làm việc, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ ngoài việc xây dựng phát triển công ty, đóng góp an sinh xã hội cho địa phương, tạo việc làm cho người lao động thì cần phải làm việc gì đó thiết thực, cụ thể để ghi nhớ và tri ân đối với Cụ bà Hoàng Thị Loan và gia đình Bác Hồ để xứng đáng với việc doanh nghiệp được ưu ái mang tên của cụ. Và ý tưởng phục dựng chân dung người thân của Bác Hồ được hình thành từ đó.

________________

HỌA SĨ NGUYỄN TÔ CẢNH

bna-5-7739.jpg
Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh trong một lần đến tham quan Bến cảng Nhà Rồng. Ảnh: NVCC

Để thực hiện ý tưởng này, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh đã nhiều lần về dâng hương tại phần mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh (Nam Đàn) và vào tận thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) dâng hương trước phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Với chuyên môn về mỹ thuật được đào tạo cơ bản, cùng với niềm đam mê và sự tôn kính, tác giả mong muốn phục dựng lại chân dung những người thân trong gia đình Bác. Bao gồm bố, mẹ, anh trai và chị gái của Bác để lưu giữ những hình ảnh thân thương, quý giá cho các thế hệ mai sau.

Bắt tay vào công việc, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh đã cất công tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, bài viết, hình ảnh từ internet, sách báo và các bảo tàng, nhưng đáng tiếc là mỗi người thân của Bác chỉ lưu giữ được một bức ảnh duy nhất. Ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc được chụp vào năm 1923; ảnh cụ Hoàng Thị Loan được phục dựng từ hình ảnh của con gái và em gái là Hoàng Thị An; ảnh ông Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh được chụp vào cuối năm 1946.

bna-7-4713.jpg
Các đại biểu bên những bức chân dung người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Khánh Hồng

Những bức ảnh này đều là đen trắng đã phai mờ, không còn rõ nét. Do vậy, tác giả đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phục dựng lại bộ tranh chân dung với chất liệu màu dầu trên vải canvas có độ bền lên đến hàng trăm năm.

Trong quá trình thực hiện, có những lúc gặp khó khăn nhưng tình cảm và niềm kính yêu đối với gia đình Bác Hồ là động lực thôi thúc họa sĩ tiếp tục với công việc, cũng là niềm cảm hứng dẫn dắt tác giả hoàn thiện từng bức ảnh.

Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh còn nhận được sự động viên, đánh giá, nhận xét, đóng góp ý kiến từ các họa sĩ có tên tuổi như họa sĩ Nguyễn Đình Truyền - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Nghệ An; họa sĩ Nguyễn Hữu Tuấn hiện công tác Báo Nghệ An...

Đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ từ Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên - ông Nguyễn Bảo Tuấn. Điều đó đã giúp họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh thêm vững tin trong từng nét vẽ và mảng màu.

Tâm huyết trong từng nét vẽ

Sau nhiều tháng miệt mài, nghiêm túc làm việc, đến cuối năm 2023, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh đã hoàn thành 4 bức tranh chân dung màu với độ chính xác cao, được giới chuyên môn đánh giá là thể hiện được đúng thần thái, tình cảm của từng nhân vật. Mỗi bức chân dung đều hiện rõ đường nét của từng gương mặt, toát lên vẻ đẹp và đức tính của mỗi người.

Chân dung cụ ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ) toát lên vẻ thông minh, nghiêm khắc và nỗi suy tư của một nhà nho trước cảnh đất nước lầm than. Chân dung Cụ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) mang vẻ hiền từ, nhân hậu, chịu thương chịu khó và giàu đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Chân dung ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) có nhiều đường nét tương đồng với người cha của mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chân dung bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) toát lên vẻ thông minh, cương nghị và giàu tình yêu thương.

bna-01-4559.jpg
Chân dung cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ).
bna-2-9481.jpg
Chân dung cụ Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ).
bna-3-9639.jpg
Chân dung ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ).
bna-4-7292.jpg
Chân dung bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ).

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Nghệ An nhận xét: “Tôi đánh giá cao việc làm mang nhiều ý nghĩa của họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh. Anh đã dành nhiều tâm huyết và rất mạnh dạn khi thực hiện công việc phục dựng bộ tranh chân dung những người thân trong gia đình Bác Hồ. Và chính anh là người đầu tiên làm công việc ấy, bởi từ trước đến nay chưa từng có ai vẽ bộ tranh màu này”.

Trong thời gian tới, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh dự định sẽ dành thời gian tìm hiểu và tiếp tục phục dựng những bức ảnh về Bác Hồ và các bậc cách mạng tiền bối, giàu lòng yêu nước và các danh nhân, văn nghệ sĩ tiêu biểu của đất nước để lưu giữ cho thế hệ tương lai.

bna-6-259.jpg
Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh bên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Bởi lời chia sẻ của ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim liên khiến họa sĩ luôn tâm đắc: “Chính cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lay động mỗi ý nghĩ, tâm tư không chỉ của con người Việt Nam, mà cả với bạn bè quốc tế”.

Đó cũng chính là động lực và nguồn cảm hứng để họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh không ngừng học hỏi và sáng tạo trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh bộc bạch: “Hoàn thành bộ tranh chân dung người thân của Bác Hồ, tôi thực sự vui, hạnh phúc và tự hào vì đã làm được một việc có ý nghĩa. Bộ tranh này được trưng bày tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên sẽ giúp nhân dân và du khách có được sự hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về gương mặt những người thân yêu, ruột thịt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã thôi thúc tôi ấp ủ những dự định mới trên con đường sáng tác của mình”.

Công Kiên