Nghệ An nỗ lực phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội

Minh Quân 28/01/2024 12:40

(Baonghean.vn) - Tết Nguyên đán cũng là lúc vào mùa lễ hội truyền thống. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.

P.V: Thưa ông, từ nhiều năm qua, lễ hội truyền thống được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc, là nhu cầu sinh hoạt tinh thần chính đáng của nhân dân. Vậy, ông cho biết cụ thể về bản chất và vai trò của lễ hội trong đời sống hiện nay?

Ông Bùi Công Vinh: Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phổ biến, mang đậm bản sắc dân tộc, gồm 2 phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ với các nghi thức thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thể hiện sự tôn kính, tri ân thần linh và cầu xin thần linh phù hộ, độ trì cho mùa màng tươi tốt cuộc sống yên bình hạnh phúc... Phần hội là không gian và thời gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng.

bna-dai-te-763.jpg
Lễ đại tế tại Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Minh Quân

Với các hoạt động đặc sắc mang tính tập thể cao, mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi lễ hội đều hướng tới một nhân vật (hoặc một tập thể nhân vật) được coi là linh thiêng, cần được tôn kính, ghi ơn, và được các đời sau tưởng nhớ thông qua nhiều hoạt động. Đó là các vị danh tướng, lương thần đã có nhiều công lao bảo quốc, hộ dân được thờ phụng trong các di tích. Có khi đó là nhân thần, song cũng không ít di tích thờ nhiên thần, là những nhân vật có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, trong lao động sản xuất, gắn bó với đời sống nhân dân.

Vì vậy, lễ hội là dịp để nhân dân thể hiện sự tri ân, vinh danh công lao của các vị thần linh, anh hùng dân tộc. Từ đó, giúp cho việc giáo dục cho các thế hệ nhân dân thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, nâng cao ý thức cộng đồng, củng cố tình đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

bna-nghi-thuc-chay-oi-tai-le-hoi-den-con-nam-2023-anh-thanh-cuong-7025.jpg
Nghi thức chạy ói tại Lễ hội Đền Cờn năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Lễ hội là sản phẩm văn hóa kết tinh lâu đời trong tiến trình lịch sử của cộng đồng dân cư. Đó là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước. Lễ hội cũng giúp cho việc cố kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở một cách hiệu quả.

Do đó, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lễ hội truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách góp phần vào việc gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội vững chắc.

P.V: Nghệ An là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử, diện tích rộng với đầy đủ vùng biển, đồng bằng và rừng núi, dân cư đông với 6 dân tộc cùng sinh sống; vì thế Nghệ An có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái các vùng miền. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Bùi Công Vinh: Theo số liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011 – 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 78 lễ hội truyền thống, chủ yếu diễn ra ở các xã, thôn, làng, bản… với không gian, quy mô trong phạm vi hẹp.

Có 9 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ Xăng khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).

Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội truyền thống ở Nghệ An chủ yếu diễn ra trong 3 tháng đầu năm, một số ít diễn ra vào cuối năm. Mùa Xuân lúc mùa vụ khá nông nhàn cũng là mùa khởi đầu cho nên nhân dân mở hội để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, nhân dân thuận lợi trong làm ăn canh tác...

bna-nghi-le-xang-khan-cua-nguoi-thai-o-nghe-an-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-anh-sach-nguyen-3345.jpg
Lễ Xăng khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Ảnh: Sách Nguyễn

Cùng với lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, các lễ làng, lễ hội dòng họ, lễ rước Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa, danh hiệu văn hóa, nghi lễ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các phong tục, tập quán dân tộc được khôi phục và do nhân dân tổ chức đã góp phần phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở.

P.V: Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Đồng thời, xin ông cho biết về kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2024?

Ông Bùi Công Vinh: Những năm qua, đặc biệt là kể từ khi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ có hiệu lực, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Nghệ An đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quản lý và hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên môn nên cơ bản các lễ hội ít xảy ra hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội. Các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội cơ bản đảm bảo các yêu cầu thuần phong mỹ tục, phù hợp với không gian văn hóa của lễ hội, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi nổi.

Nhiều nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống của người dân Nghệ An được thể hiện trong các lễ hội truyền thống, làm cho các lễ hội mang đậm dấu ấn vùng miền, trở thành nét đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân tham gia, thưởng ngoạn. Thông qua tổ chức lễ hội, tạo ra sự giao lưu về văn hóa, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, hình ảnh quê hương và con người Nghệ An.

bna-nguoi-dan-xem-dau-vat-tai-le-hoi-den-vua-mai-nam-2023-4162.jpg
Người dân xem đấu vật tại Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động lễ hội truyền thống ở Nghệ An còn một số tồn tại, hạn chế. Văn hóa lễ hội trên địa bàn tỉnh đa dạng về bản sắc vùng, miền, dân tộc, nhưng một số lễ hội, đặc biệt là lễ hội ở đồng bằng, hầu hết còn được tổ chức theo một mô-tip chung, có sự trùng lặp về kịch bản; việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác các tích trò của lễ hội và bản sắc văn hóa của từng địa phương để tạo sự khác biệt trong các lễ hội và tạo điểm nhấn cho lễ hội chưa được thực hiện một cách thấu đáo. Các hoạt động thương mại - du lịch, các dịch vụ phục vụ khách tham quan gắn kết trong tổ chức lễ hội còn đơn điệu, không hấp dẫn du khách.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội quy, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường... chưa có chiều sâu. Vì thế, ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người tham gia lễ hội chưa cao. Vẫn còn tình trạng chen lấn, xô đẩy trong lễ hội, đi lễ hội ăn mặc chưa phù hợp, xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường; tình trạng chèo kéo bán đồ lễ, viết sớ, xem quẻ…

Để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Thông báo số 176/TB-SVHTT ngày 16/1/2024 về kế hoạch tổ chức các lễ hội năm 2024. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 27 lễ hội được đưa vào danh mục quản lý, trong đó, có 21 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân (tháng 1-3 Âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm (từ tháng 4-10 Âm lịch). Các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể của từng lễ hội đảm bảo tổ chức theo nguyên tắc quy định của pháp luật, đó là trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội.

Trước đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 164/UBND-VX ngày 9/1/2024 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024, qua đó yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn có các hoạt động lễ hội thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

P.V: Để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, khắc phục các hạn chế nói trên, chúng ta cần những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Bùi Công Vinh: Để lễ hội là không gian sinh hoạt văn hóa giúp người dân có được những phút giây thư giãn, chiêm ngưỡng, hưởng thụ các nghi thức tâm linh lành mạnh, qua đó hướng con người đến những điều tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào, ý thức về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội.

bna-nguoi-dan-lam-le-tai-ha-dien-den-con-8177.jpg
Người dân làm lễ tại hạ điện Đền Cờn - Di tích có lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Minh Quân

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, đảm bảo vừa quảng bá nét đặc trưng của lễ hội, đồng thời cũng giúp nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia lễ hội. Tăng cường vận động nhân dân và du khách tham gia lễ hội, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, ứng xử văn minh trong hoạt động tâm linh, lễ hội, không ép giá, không chèo kéo khách.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao, giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi tại lễ hội, di tích nhất là vào dịp đầu năm; ngăn chặn các hành vi lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch; âm thanh mở quá mức độ cho phép, tình trạng lộn xộn trong thực hành nghi lễ tại các di tích, lễ hội, tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém lãng phí, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Về lâu dài, ngành Văn hóa và Thể thao sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc truyền dạy thực hành các nghi thức tín ngưỡng cổ truyền để không bị mai một thất truyền; xây dựng các chương trình đề án nghiên cứu về lễ hội cổ truyền một cách bài bản, chuyên sâu làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản lễ hội; chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tham mưu tổ chức lễ hội, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Minh Quân