Vàng thế giới bất ngờ tăng; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh
(Baonghean.vn) - Vàng thế giới bất ngờ tăng "bốc đầu"; Tỷ giá Yen Nhật lao dốc kéo dài; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam “bốc hơi” mạnh, có loại giảm 19 USD/tấn.
Vàng thế giới bất ngờ tăng
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 30/1, giá vàng trên sàn giao dịch của một số công ty như sau:
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 74,15 triệu đồng/lượng mua vào và 76,75 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 74,45 – 76,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 74,45 – 77,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.032,790 USD/ounce, chênh lệch 14,2 USD/ounce so với giá vàng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 59,459 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 14,841 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá Yen Nhật lao dốc kéo dài
Tỷ giá Yen Nhật khảo sát vào sáng ngày 30/1 tại các ngân hàng, cụ thể như sau:
Tại Vietcombank, có tỷ giá mua là 161,01 VND/JPY và tỷ giá bán là 170,42 VND/JPY, giảm 0,54 đồng ở chiều mua và giảm 0,57 đồng ở chiều bán. Tại Vietinbank, tỷ giá Yen giảm 0,58 đồng ở chiều mua và chiều bán, tương đương với mức 161,79 VND/JPY và 171,49 VND/JPY.
Tại BIDV, tỷ giá Yen Nhật giảm 0,46 đồng ở chiều mua và giảm 0,51 đồng ở chiều bán, lần lượt đạt mức 162,12 VND/JPY và 170,68 VND/JPY. Tại Agribank, tỷ giá Yen Nhật ở chiều mua và chiều bán là 162,62 VND/JPY và 168,41 VND/JPY –giảm 0,62 đồng ở chiều mua và giảm 0,65 đồng ở chiều bán.
Tại Eximbank, giảm 0,6 đồng ở chiều mua và chiều bán, lần lượt là mức giá 163,36 VND/JPY và 168,03 VND/JPY. Tại Techcombank, tỷ giá Yen Nhật giảm 0,39 đồng ở chiều mua và giảm 0,36 đồng ở chiều bán với mức giá lần lượt là 159,33 VND/JPY và 170,35 VND/JPY. Tại Sacombank, giảm 0,08 đồng ở chiều mua và giảm 0,09 đồng ở chiều bán tương ứng với mức giá 164,73 VND/JPY và 169,79 VND/JPY
Như vậy, hôm nay Sacombank là ngân hàng có tỷ giá mua Yen Nhật cao nhất và Eximbank là ngân hàng có tỷ giá bán thấp nhất trong số các ngân hàng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam “bốc hơi” mạnh, có loại giảm 19 USD/tấn
Trong vòng 1 tháng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục giảm mạnh, có loại giảm tới 19 USD/tấn, trái ngược với xu hướng tăng của các nước.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần qua tiếp tục biến động theo hướng giảm mạnh. Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 10 USD/tấn, từ mức 652 USD/tấn xuống còn 642 USD/tấn. Nếu tính từ đầu tháng 1-2024 tới nay, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm 11 USD/tấn.
Ngoài gạo 5% tấm, các phân khúc gạo khác cũng ghi nhận mức giảm sâu, trong đó, gạo 25% tấm hiện có giá 614 USD/tấn, giảm 19 USD/tấn so với hồi đầu tháng 1-2024; gạo Jasmine cũng giảm 8 USD so với hồi đầu tháng 1 và hiện có giá 720 USD/tấn. Riêng phân khúc gạo 100% tấm vẫn duy trì mốc 534 USD/tấn.
Trái ngược với đà giảm của gạo Việt Nam, gạo của Thái Lan và Pakistan lại tăng khá mạnh. Cụ thể, theo cập nhật Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), giá gạo 5% tấm của nước này đã tăng lên mốc lịch sử 669 USD/tấn trong tuần qua. Với mức giá này, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đã bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam 17 USD/tấn - đây cũng là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm nay giá gạo của Thái Lan cao hơn Việt Nam.
Tương tự, gạo của Pakistan cũng liên tục điều chỉnh tăng trong các tuần trở lại đây.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, sở dĩ giá gạo của Thái Lan và Pakistan liên tục tăng mạnh là do hạn chế nguồn cung từ hai nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, còn Việt Nam hiện còn ít nguồn và phải sau Tết mới thu hoạch rộ.
Chia sẻ với phóng viên Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV nêu quan điểm, thời điểm này cận Tết, giao dịch mới không nhiều, thêm vào đó vụ thu hoạch lúa đông xuân phải qua Tết mới bắt đầu. Do vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chẳng những không tăng mà ngược lại đã giảm mạnh. Còn với Thái Lan, giá gạo nước này tăng do nhu cầu thị trường lớn và Thái Lan cũng đang vào giai đoạn thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong năm nên giao dịch sôi động hơn.