Khoảng cách châu lục nhìn từ Asian cup 2023

Bùi Hoa 31/01/2024 09:27

(Baonghean.vn) - Người hâm mộ bóng đá khu vực mong chờ vào đội bóng cuối cùng còn sót lại ở vòng 1/16 Asian Cup trong cuộc đối đầu giữa Đội tuyển Thái Lan và Đội tuyển Uzbekistan ngày 30/1, nhưng mọi việc đã không đi ra ngoài quy luật thông thường.

blob-3-2746-5840.jpg
Bảng xếp hạng chung cuộc bảng F.

Đội bóng có tới 4 cầu thủ đang chơi ở châu Âu, với lối đá nhanh, áp sát, tấn công đa dạng đã giành chiến thắng 2-1 trước đội bóng hàng đầu Đông Nam Á, vốn chỉ có vài ba ngôi sao chơi bóng Nhật Bản và nhập tịch 2 trung vệ cao lớn từ châu Âu.

Như vậy ở kỳ Asian Cup 2023 này, bóng đá khu vực đã không có đội bóng nào lọt tới vòng tứ kết hoặc xa hơn như trước đây Thái Lan và Việt Nam đã làm được. Đội tuyển Thái Lan lập “kỷ lục” bất bại ở vòng bảng (1 thắng, 2 hòa), không để lọt lưới bàn nào nhưng đến vòng 1/16 đã không thể giữ trọn mành lưới trước sự tấn công sắc bén của đội bóng Trung Á đang chơi rất lên chân ở giải đấu cấp châu lục này.

bna-tl-z5102615147713-f6be387294ae9d35a74fb5e981ac63be-937-7578.jpg
Đội tuyển Việt Nam gặp Đội tuyển Iraq. Ảnh:Thụy An

Đội tuyển Indonesia lần đầu tiên vượt qua vòng bảng nhờ chiến thắng trước “kỳ phùng địch thủ” Việt Nam nhưng đã nhanh chóng trở lại mặt đất sau trận thua tan nát 0-4 trước đối thủ hàng đầu châu lục Australia. Đội tuyển Malaysia có được một trận hòa 3-3 trước Hàn Quốc ở vòng bảng nhưng nhiều người biết đó là cách để đội bóng xứ kim chi tránh gặp Nhật Bản ở vòng 1/16 (nhưng Hàn Quốc lại gặp phải Arabia Saudi và giành thắng lợi 4-2 trên chấm đá luân lưu sau khi hòa 1-1 ở 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ). Đội tuyển Việt Nam thua cả 3 trận vòng bảng, để lọt lưới 10 bàn nhưng đã ghi được 4 bàn thắng vào lưới 2 “ông lớn” Nhật Bản và Iraq…

Tuy vậy, ở giải đấu này, bóng đá khu vực cũng cho thấy nhiều điều đáng nói trong quá trình đi lên, vươn tầm theo những cách làm khác nhau của mỗi nền bóng đá. Trước hết, Đội tuyển Thái Lan sau khi lấy lại ngôi vị ở AFF Cup nhưng thi đấu không thành công các trận đầu tiên ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 đã tìm đến một “thuyền trưởng” mới, là ông Ishi, người Nhật Bản vốn rất am tường Thai League.

Nhờ nắm vững “chân tơ kẽ tóc” của từng tuyển thủ thi đấu trong và ngoài nước, ông thầy người Nhật đã nhanh chóng kết nối mọi tài năng trong một đội hình giàu sức chiến đấu, phòng ngự chặt chẽ, tấn công linh hoạt trước mọi đối thủ khu vực và châu lục. Bàn thắng của Supachok trong trận gặp Uzbekistan cho thấy sự sắc sảo, hiệu quả trong tấn công trước một đối thủ hàng đầu châu lục.

Đội tuyển Indonesia cũng có những phút giây chơi rất bùng nổ trước Iraq ở vòng bảng và Australia ở vòng 1/16, chơi áp đặt trước dàn trẻ của Việt Nam ở vòng bảng. Ai đó nói Indonesia ồ ạt nhập tịch là không sai nhưng hiệu quả là điều họ đã bước đầu đạt được ở giải đấu này và nghe đâu sẽ tiếp tục có tới 5 cầu thủ từ châu Âu sẵn sàng về nước để chuẩn bị cho Vòng loại thứ 2 World Cup sắp tới.

Nhưng dường như mọi cố gắng của các đội bóng hàng đầu khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam vẫn chưa cho thấy bước tiến để tiệm cận với các đội bóng hàng đầu châu lục. Thể hình, thể lực thua sút là dấu hiệu đầu tiên trong các cuộc đọ sức 90 phút cân não, như những gì đã thấy trong trận đấu giữa Thái Lan và Uzbekistan hay Indonesia và Australia.

Những ngôi sao lớn của Thái Lan như Therathon, Dolah…đã không thể thi đấu tốt dưới áp lực quá lớn, dẫn đến sai lầm trầm trọng ở những thời khắc quyết định. Dàn cầu thủ nhập tịch Indonesia chơi bung sức trong 1 hiệp đầu để rồi sau đó chịu trận và thua trận chóng vánh. Dàn trẻ của Việt Nam chỉ có thể chơi thăng hoa từng lúc, không thể giữ ổn định qua các trận đấu, thậm chí còn bị ngợp, phạm sai lầm non nớt trước đối thủ…

Rõ ràng, khoảng cách châu lục đang từng bước được rút ngắn nhờ ý chí, nhờ cách làm mới nhưng chừng đó là chưa đủ, không đủ trong bối cảnh hiện nay. Tuy không đạt kết quả như mong đợi nhưng rõ ràng, cách làm, bước đi của Thái Lan là đáng quan tâm và học tập hơn cả. Đó là chất lượng của Thai League, tăng cường đưa ngôi sao thi đấu ở các nền bóng đá phát triển của châu lục, sử dụng hợp lý tài năng trong nước và ngoài nước, nhập tịch dàn sao chất lượng, chọn thầy am hiểu bóng đá Thái…Cách làm của Indonesia có điều đáng nói khi sử dụng một đội hình có thể hình, thể lực tốt so với khu vực nhưng việc loại bỏ quá nhiều ngôi sao trong nước cũng đang vấp phải sự chỉ trích nặng nề.

Trong khi đó, việc quá ưu tiên dàn trẻ thiếu kinh nghiệm thực chiến mà “bỏ bê” các trụ cột cũ, thiếu am tường “văn hóa bóng đá Việt” cũng đang khiến ông thầy người Pháp ở Đội tuyển Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ bật bãi nếu không thay đổi được thế trận và kết quả khi gặp lại Indonesia tới đây…

Ai ai cũng biết con đường vươn tầm, vượt tầm ra khỏi khu vực, tiệm cận các đội bóng hàng đầu châu lục tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, cản trở sau giải đấu Asian Cup này. Cả Thái Lan, Indonesia lẫn Việt Nam đều đang phải trở lại vị trí vốn có lâu nay khi sớm bị “văng” ra khỏi giải đấu cấp châu lục và chấp nhận cảnh “học tập đội bạn”, chờ đợi các giải đấu tiếp theo. Hoàn toàn không dễ để “vượt trần” khi ngay cả Thái Lan từng dày công, tốn kém nhiều năm nay mà vẫn chỉ ghi được vài dấu ấn không đáng kể.

Nhưng nói cho cùng, thể thao hay bóng đá đều là quá trình tự vươn lên, tự tìm kiếm năng lực bản thân, tự vượt qua giới hạn vốn có. Thất bại là để biết rõ mọi yếu khuyết, để làm lại, để làm mới, làm khác, chứ không phải để bỏ cuộc hay chùn chân, mỏi gối. Cuộc đua vì vậy, sẽ không bao giờ kết thúc. Câu chuyện sẽ lại nóng lên, hay lên khi Đội tuyển Việt Nam 2 lần gặp lại Đội tuyển Indonesia ở Vòng loại thứ 2 World Cup với bao điều để xem, để bàn luận, để chờ đợi. Và đó mới thực sự là bản chất muôn đời của thể thao, của bóng đá, của mỗi “cuộc chơi” ở vùng trũng hay bất cứ nơi nào./.

Bùi Hoa