Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết

Thành Chung 31/01/2024 16:40

(Baonghean.vn) - Ở thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gồm các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra

Sáng 29/1, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 tỉnh Nghệ An, đã đến kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa (xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành).

bna-anh-thanh-chung-3-7363.jpg
Kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa. Ảnh: Thành Chung

Làng Vĩnh Hòa có lịch sử, truyền thống chế biến thực phẩm lâu đời; xưa nay vốn nổi danh trong, ngoài tỉnh với thương hiệu “Bánh chưng Vĩnh Hoà”. Làng nghề được thành lập theo Quyết định số 2522/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành vào ngày 29/7/2005. Hiện nay, làng nghề đã được quy hoạch và được huyện, xã quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ về điện, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước,... phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Làng nghề Vĩnh Hòa có 352 hộ, trong đó có 178 hộ tham gia vào hoạt động của làng nghề (có 158 hộ trực tiếp làm nghề, 154 hộ làm bánh chưng, bánh tét và các loại bánh khác; 04 hộ làm giò chả). Số còn lại tham gia vào các ngành nghề khác, trong đó có việc buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm của làng. Đối với các hộ làm bánh chưng, hiện có 05 cơ sở được Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Làng nghề có 100 hộ được tham gia lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An tổ chức.

Ở làng nghề, việc sản xuất được kết hợp giữa thủ công và công nghệ hiện đại. Một số sản phẩm như kẹo cu đơ, bánh gai, các loại bánh ngọt, bánh chưng, bánh đa được sản xuất theo phương pháp thủ công. Bánh chưng, bánh tét trước đây được nấu bằng than tổ ong, củi nay có nhiều cơ sở lớn bánh được nấu bằng bếp điện. Bánh mướt, bún được sản xuất theo công nghiệp. Máy móc thiết bị chủ yếu là máy xay bột gạo, máy làm bún, máy làm bánh mướt, máy xay đậu nành để làm đậu phụ.

Theo ông Nguyễn Văn Nghiệm - Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 9 (xóm Vĩnh Hòa): Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa hoạt động quanh năm. Sản phẩm chủ yếu là bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh gai, bánh đa, các loại bánh ngọt, đậu phụ, bánh mướt và nhiều sản phẩm nông sản khác. Đối với bánh chưng, bánh tét, giò sản xuất mạnh nhất từ tháng 10 Âm lịch đến hết tháng Giêng Âm lịch. Ngày thường, trung bình mỗi hộ gói bánh tiêu thụ 30 kg nguyên liệu (nếp). Dịp Tết từ 20 đến 29/12 Âm lịch mỗi hộ gói bánh trung bình tiêu thụ 1,5 tấn nguyên liệu mỗi ngày.

bna-anh-thanh-chung-5-4663.jpg
Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa bây giờ đã bắt đầu vào vụ Tết. Ảnh: Thành Chung

Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa bây giờ đã bắt đầu vào vụ Tết. Các hộ làm nghề đã tích trữ đầy đủ gạo, nếp, đậu, lá dong để gói bánh. Chị Phan Thị Tình - Hộ sản xuất bánh, kẹo Hạnh Tình (xóm Vĩnh Hoà) cho hay: Ngày thường, 2 vợ chồng vẫn gói khoảng 500 cái. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Vinh và tỉnh Hà Tĩnh. Tết năm nay, gia đình đã nhận được tổng số đơn đặt hàng bánh chưng dịp Tết là 8.000 chiếc, có nhiều đơn đặt hàng ở tận Thành phố Hồ Chí Minh. Để gói, nấu bánh chưng phục vụ đơn đặt hàng, vợ chồng sẽ thuê thêm lao động thời vụ. Từ 2 năm nay, gia đình không còn nấu bánh bằng bếp than mà nấu bằng nồi điện, với công suất 2,5 tấn nguyên liệu/ngày, tương ứng 2.600 bánh/ngày.

Kiểm tra các hộ làm nghề ở Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 tỉnh Nghệ An nhận thấy: Các hộ sản xuất đều đảm bảo tốt về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Phần lớn người sản xuất thực phẩm của làng nghề đã được tập huấn kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm. Một số hộ đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Sản phẩm có chất lượng đảm bảo.

Theo thống kê, từ ngày 05/01/2024 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra được 25 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm với các lỗi (không đầy đủ giá kệ, nội quy, quy trình chế độ vệ sinh; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm). Đoàn đã đề nghị các cơ quan chức năng ban hành quyết định xử phạt 4 cơ sở với số tiền 37 triệu đồng.

Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức

Thông tin từ Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 tỉnh Nghệ An: Năm nay, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các đơn vị, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện, nâng cao. Số cơ sở vi phạm có giảm so với trước đây.

bna-anh-thanh-chung-1-4815.jpg
Kiểm tra nguyên liệu làm bánh chưng Tết ở làng nghề. Ảnh: Thành Chung

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Cụ thể, các huyện/thành phố/thị xã trong tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm; cùng phối hợp tốt với các ban, ngành và lực lượng Công an trên địa bàn thành lập và triển khai đoàn kiểm tra liên ngành.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành cho biết: Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra. Đến nay, đoàn đã thực hiện kiểm tra được 5 cơ sở, phát hiện 2 cơ sở có vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính 5,5 triệu đồng. Trước Tết, đoàn kiểm tra của huyện sẽ hoạt động cho đến ngày 30 Tết. Huyện chỉ đạo các đoàn kiểm tra của huyện, xã kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tết; đảm bảo các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn và chất lượng. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc mua, sử dụng thực phẩm an toàn, cũng như tích cực hợp tác và báo cáo các cơ quan chức năng những cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

bna-anh-thanh-chung-4-7936.jpg
Nấu bánh chưng bằng nồi điện ở Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa. Ảnh: Thành Chung

Thông qua việc kiểm tra, làm việc với Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm các địa phương, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 tỉnh Nghệ An đã đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các huyện/ thành phố/ thị xã, xã/ phường/ thị trấn. Đoàn cũng đã ghi nhận những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các địa phương; kịp thời nhắc nhở những mặt hạn chế.

Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An nêu rõ: Trong dịp cao điểm này, các địa phương cần tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm; tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong suốt mùa lễ hội. Song hành với công tác kiểm tra thì cần đẩy mạnh, tổ chức thường xuyên, liên tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho người dân. Từ đó, để người sản xuất thực phẩm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, sản xuất đúng quy trình, sản phẩm đạt chất lượng; để người dân trở thành người tiêu dùng thông thái, có kiến thức và kỹ năng trong việc chọn mua sản phẩm. Các địa phương cũng cần quan tâm, có giải pháp hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, làng nghề phát triển thương hiệu sản phẩm cũng như tiêu thụ./.

Thành Chung