Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đồng hành hiệu quả cùng các nhà đầu tư

Lê Tiến Trị 01/02/2024 09:24

(Baonghean.vn) - Đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư - Đó là những nỗ lực của Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cùng với cả tỉnh “5 sẵn sàng” trong thu hút đầu tư, tạo nên những dấu ấn mới.

ĐỒNG HÀNH ĐỂ CÓ “QUẢ NGỌT”

Trong những điểm sáng của nền kinh tế Nghệ An năm 2023, thu hút đầu tư là lĩnh vực nổi bật với nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã cấp mới cho 120 dự án, điều chỉnh 190 lượt dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 58.123 tỷ đồng, gấp 1,7 lần mục tiêu đề ra (30.000 - 35.000 tỷ đồng). Đặc biệt, năm 2023, Nghệ An lọt Top 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2023 là 1.605,5 triệu USD.

bna_IMG_0710.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra bản đồ quy hoạch đất đai Dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc - Khu B. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Trong đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cấp mới cho 27 dự án với tổng số vốn đăng ký 35.069,7 tỷ đồng; điều chỉnh 55 lượt dự án, trong đó 17 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 6.462,8 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.532,5 tỷ đồng, vượt 137% mục tiêu đề ra (năm 2023 Khu kinh tế Đông Nam đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư 15.000 - 20.000 tỷ đồng). Hầu hết các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thu hút vào Khu kinh tế Đông Nam, vốn đầu tư FDI thực hiện trong năm 2023 ước đạt 642 triệu USD (đạt 40,3% trên vốn đăng ký).

Lũy kế đến tháng 12/2023, trong khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam có 305 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 143.509,59 tỷ đồng (tương đương 5.88 tỷ USD). Trong đó: 85 dự án FDI, vốn đăng ký 3,71 tỷ USD và 220 dự án trong nước vốn đăng ký 57.891,15 tỷ đồng.

Để đạt được những “quả ngọt” nêu trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số theo tinh thần đồng hành hiệu quả với nhà đầu tư; thực hiện tốt công tác rà soát, tham mưu UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ban. Năm 2023, ban tiếp nhận 828 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó, đã giải quyết 797 hồ sơ; số hồ sơ đúng hạn và trước hạn 793 hồ sơ (đạt 99,5%); số hồ sơ quá hạn chỉ có 04 hồ sơ (chiếm 0,5%). Trong triển khai nhiệm vụ, ban thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu công tác quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin điều hành công việc và kiểm tra, kiểm soát giải quyết thủ tục hành chính, kỷ luật kỷ cương.

bna-nha-may-matsuoka-cua-nhat-o-khu-cong-nghiep-vsip-5545.jpeg
Nhà máy Matsuoka của nhà đầu tư Nhật Bản ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh tư liệu

Xếp hạng cải cách hành chính của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao: Năm 2020 xếp thứ 14/21; năm 2021 xếp thứ 10/21 và năm 2022 xếp thứ 5/21 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh.

Kết quả nêu trên thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất hành động từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ, chuyên viên, nhân viên của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò đầu mối “Một cửa tại chỗ” của ban trong thực hiện thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp. Ban đã phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Nghệ An, chủ động chuẩn bị điều kiện “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư: “Sẵn sàng về quy hoạch - Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu - Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư - Sẵn sàng về nguồn nhân lực - Sẵn sàng về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh”.

TIẾP TỤC TẠO ĐỘT PHÁ TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ

Xác định thu hút đầu tư để tạo bước đột phá, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2023, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã chủ trì tổ chức thành công 2 đoàn công tác của tỉnh Nghệ An kết nối đầu tư tại Trung Quốc và Thái Lan; tham gia các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Singapore, Nhật Bản, châu Âu (Hungari, Áo, Đức) và Hoa Kỳ; phối hợp Công ty VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt tham mưu lãnh đạo tỉnh làm việc với các nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

bna_sia7.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các đối tác trong cuộc xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, tháng 11/2023. Ảnh tư liệu: Phan Tú

Phát huy kết quả đó, năm 2024, ban tiếp tục tham mưu, tổ chức các đoàn công tác của tỉnh tăng cường đối ngoại, thu hút đầu tư ở nước ngoài. Từ đó, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh vào đầu tư tại Nghệ An, từng bước lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các KCN thuộc KKT Đông Nam đạt 53,3% diện tích. Tính đến ngày 31/12/2023, KKT Đông Nam có 141 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Doanh thu ước đạt 58.998 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 4.026 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 20% trên tổng thu ngân sách cả tỉnh năm 2023; giải quyết việc làm cho hơn 38.000 lao động (năm 2023, tạo việc làm mới cho 7.904 lao động).

Năm 2024 và những năm tiếp theo, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tập trung phối hợp với các cấp ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục được phát triển mở rộng là một trong hai khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh và đổi tên thành Khu Kinh tế Nghệ An.

BNA_kk8fdbf7a4bf8d69d3309c.jpg
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại Hoa Kỳ gốc Á. Ảnh tư liệu: Phan Tú

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đôn đốc, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và triển khai các khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 2, Thọ Lộc giai đoạn 1, Hoàng Mai 1 và 2; định kỳ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Cùng đó, phối hợp hỗ trợ kết nối cung - cầu tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bổ sung các giải pháp hiệu quả, chủ trì tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 93/QĐ-TT ngày 15/02/2023 và Đề án xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2030 theo phê duyệt của UBND tỉnh.

mot-goc-kcn-wha-tai-huyen-nghi-loc-3581.jpeg
Một góc Khu công nghiệp WHA tại huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu

Lê Tiến Trị