Đổi thay ở làng nghề đóng tàu trăm năm tuổi Trung Kiên

Hoài Thu 03/02/2024 09:56

(Baonghean.vn) - Đầu Xuân, đến làng Trung Kiên, một ngôi làng có truyền thống đóng tàu biển vỏ gỗ với lịch sử hàng trăm năm, cảm nhận rõ sự chuyển mình trước thời cuộc đổi thay. Vẫn còn thợ đóng tàu bám làng, trăn trở vừa giữ nghề truyền thống, vừa tìm hướng mới mưu sinh.

Chuyển hướng mưu sinh

Nằm sát bên trục đường chính chạy giữa hai xóm Rồng và xóm Đình của xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), xưởng mộc của anh Phan Văn Anh chỉ rộng chừng 100m2. Những ngày áp Tết Nguyên đán, hầu như không khi nào dứt tiếng máy cưa máy cắt gỗ, lượng người ra vào xưởng cũng đông hơn ngày thường.

bna-anh-phan-van-anh-truc-tiep-san-xuat-tai-xuong-moc-cua-gia-dinh-8525.jpg
Anh Phan Văn Anh có hơn 30 năm làm việc trong xưởng đóng tàu, nay chuyển hướng sang nghề mộc dân dụng. Ảnh: Hoài Thu

“Ông chủ” Phan Văn Anh cười tươi, dừng tay máy, trước ngổn ngang các mẫu đồ gia dụng đang làm dở, anh nói: Dịp sát Tết các đơn hàng có tăng hơn ngày thường, khoảng 4 đơn/tháng. Song kinh doanh nghề mộc ngày nay cũng nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh. So với đóng tàu trước đây, sản xuất đồ mộc dân dụng đòi hỏi nhiều kỹ thuật và cả tay nghề, tài năng cao hơn nhiều.
Chia sẻ về “nghề mới” của thợ đóng tàu ở Làng nghề Trung Kiên, anh Phan Văn Anh cho biết, người làm nghề phải tự tiếp thị, liên hệ các mối quen biết để mời đặt hàng. Các hộ rất ít sản xuất để bán tự do vì lo sợ sẽ ế không có khách mua. Bởi các hộ theo nghề mộc dân dụng này hầu hết đều tận dụng khoảng không gian chật hẹp của nhà ở để sản xuất, hoặc phải đi thuê đất ở xóm khác, xã khác để đặt xưởng.

Những tháng áp Tết Nguyên đán, anh Phan Văn Anh hầu như làm việc tại xưởng bởi đơn hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Những tháng còn lại trong năm, trung bình chỉ được khoảng 1-2 đơn hàng/tháng với giá trị vài chục triệu đồng/đơn. Thời gian nhàn rỗi anh lại liên hệ nhận đóng mới đồ mộc tại gia cho các khách hàng chủ yếu ở thành phố Vinh.

bna-nhieu-tho-dong-tau-o-lang-trung-kien-chuyen-sang-nghe-moc-dan-dung-ht-1303.jpg
Làng Trung Kiên nay chỉ còn 14 hộ giữ nghề mộc, chuyển từ đóng tàu sang đóng đồ gia dụng. Ảnh: Hoài Thu

“Thường thì đơn hàng đến làm tại nhà tôi chỉ nhận đơn giá trị trên 100 triệu đồng, bởi thường xuyên phải đi lại xa xôi, phải vận chuyển các máy móc đi kèm và còn phải lo chi phí ăn ở cho bản thân cũng như thợ thuê phụ giúp” – anh Phan Văn Anh chia sẻ.

Bà Phạm Thị Định – Xóm trưởng xóm Đình cùng đến thăm xưởng sản xuất của anh Phan Văn Anh nói thêm, gia đình anh Phan Văn Anh đã nhiều đời làm nghề đóng tàu, là một trong hàng trăm hộ tham gia Hợp tác xã đóng tàu Trung Kiên xưa. Đến nay, cũng như bao thợ đóng tàu khác, khi không còn đơn hàng đặt đóng tàu vỏ gỗ, người làm nghề phải chuyển hướng mưu sinh.

Ngoài hộ của anh Phan Văn Anh, có một số hộ khác có quy mô sản xuất khá lớn, doanh thu hơn 500 triệu – 1 tỷ đồng/năm… Trước đây, hơn 300 hộ của xóm hộ nào cũng làm nghề đóng tàu. Nay cả xóm chỉ còn 14 hộ giữ nghề gia truyền bằng cách chuyển sang sản xuất đồ mộc dân dụng như tủ, giường, bàn ghế, các loại khung cửa, cầu thang… Làng nghề Trung Kiên xưa có hơn 30 xưởng đóng tàu hoạt động đêm ngày, nay cũng chỉ còn vài xưởng duy trì hoạt động.

Thao thiết giữ nghề

bna-xuong-dong-tau-cua-anh-tran-dang-lu-o-xom-dinh-ht-4131.jpg
Xưởng đóng tàu của anh Trần Đăng Lữ nay chủ yếu sửa chữa tàu. Ảnh: Hoài Thu

Đến làng Trung Kiên những ngày đầu Xuân năm mới, “người dẫn đường” có gần 40 năm làm việc tại xưởng đóng tàu là ông Võ Văn Chiến, vừa bước đi dọc con ngõ nhỏ dài hun hút vừa bộc bạch, xưa nay thanh âm quen thuộc ở Trung Kiên vẫn là tiếng sóng vỗ ầm ào của biển cả hoà cùng tiếng cưa xẻ gỗ.

“Thứ âm thanh đã bám sâu vào tiềm thức, kỷ niệm của bao thế hệ người dân Trung Kiên chúng tôi. Nay, tuy có thưa thớt tiếng nghề, song sẽ không bao giờ mất đi” – ông Võ Văn Chiến bộc bạch. Ông Phạm Văn Yết ở xóm Đình, người đã có thâm niên ngót nghét 50 năm gắn bó với nghề đóng tàu chia sẻ: “Ngày ấy, ở các xưởng đóng tàu lúc nào cũng rộn ràng, làm một ngày 3 ca liên tục với hơn 30 xưởng. Mỗi xưởng mỗi tháng đóng mới ít nhất 2 tàu, có những xưởng lớn cao điểm đóng 7-8 tàu, mỗi năm làng nghề đóng cả trăm con tàu lớn nhỏ”.

Quanh ấm chè xanh buổi chiều muộn đầu Xuân, thao thiết nhắc những kỷ niệm vang bóng một thời, các bậc cao niên gắn bó với Làng nghề đóng tàu Trung Kiên cho biết, dân làng quen với nghề đóng tàu vỏ gỗ đã năm bảy trăm năm, qua lớp lớp thế hệ cha truyền con nối từ những ngày đóng tàu cho vua chúa. Dù rằng trước thời cuộc đổi thay, người sản xuất kinh doanh cũng phải thay đổi theo xu thế thị trường, nhưng nghề truyền đời ở Trung Kiên vẫn luôn có người nối tiếp, gắn bó, yêu mến.

bna-canh-hoang-vang-diu-hiu-o-mot-xuong-dong-tau-tai-xom-dinh-ht-9336.jpg
Một xưởng đóng tàu ở xóm Đình nhiều năm không có đơn hàng đóng mới tàu cá vỏ gỗ. Ảnh: Hoài Thu

Một trong số ít người còn giữ xưởng đóng tàu ở Trung Kiên là hộ anh Trần Đăng Lữ ở xóm Đình. Căn nhà ở và xưởng đóng tàu của anh Lữ nằm cách nhà văn hoá xóm Đình không xa. Sau những con ngõ khá ngoằn ngoèo, xưởng đóng tàu của anh Lữ nằm sát bờ sông. Khung cảnh khá hoang tàn, nhiều nơi cỏ mọc um tùm vì lâu ngày không có người phát dọn. Nhiều đồ đạc, dụng cụ đã rỉ sét, mối mọt, bào mòn vì mưa nắng nằm chỏng chơ khắp mặt xưởng.

“Trước đây, xưởng đóng tàu làm không bao giờ hết việc. Xưởng này được cha ông truyền lại. Tôi quen với nghề đóng tàu, quen với nghề mộc từ tấm bé. Nghề mộc đã nuôi lớn bao thế hệ gia đình, nay xu hướng thị trường thay đổi, buộc người làm nghề cũng phải thay đổi theo, song tôi vẫn muốn lưu giữ nghề đã mấy trăm tồn tại ở làng” – anh Lữ bộc bạch. Giữ nghề truyền thống, xưởng đóng tàu của anh Lữ mỗi năm vẫn nhận đóng mới 2-4 tàu vỏ gỗ, song chủ yếu là loại tàu công suất nhỏ. Còn lại, xưởng của anh chủ yếu nhận sửa chữa tàu thuyền cũ.

Năm 2014, Làng nghề Trung Kiên được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; Hợp tác xã đóng tàu Trung Kiên được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''.

Cũng chung tâm tư như anh Lữ, nhiều người dân ở Nghi Thiết khi nhắc đến nghề đóng tàu vẫn luôn bộc bạch niềm tự hào về một thời vang bóng làng nghề đóng tàu cho nhà vua.

bna-7754-9643.jpg
Làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) còn giữ nét đẹp cổ kính, có số lượng đền chùa, miếu mạo nhiều bậc nhất xứ Nghệ. Ảnh: Hoài Thu

“Sau này, nếu một ngày nghề đóng tàu của làng Trung Kiên không còn duy trì được nữa, thì có thể chuyển hướng sang làm làng du lịch. Nghi Thiết có cảnh đẹp thế núi tựa sông, tựa biển, người dân có truyền thống đặc trưng và là nơi có trầm tích văn hoá lâu đời, đặc sắc, rất phù hợp để làm du lịch. Và mong rằng những xưởng đóng tàu của làng cũng sẽ được lưu giữ” – một người dân làng Trung Kiên bày tỏ.

Hoài Thu