Những nhà giáo bách niên trọn đời tin Đảng

Đào Tuấn - Lâm Tùng 02/02/2024 06:05

(Baonghean.vn) - Chỉ trước kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đúng 1 ngày chúng tôi được gặp những con người mà dường như tên tuổi của họ đã góp phần gột tạc nên phẩm chất của những nhà giáo xứ Nghệ.

Đó là các nhà giáo lão thành Ngô Xuân Lan và Phan Huy Xý. Cả hai thầy giáo đáng kính ấy, Xuân Giáp Thìn này đều bước sang tuổi bách niên. Tuy vậy ở họ vẫn ngời lên sự mẫn tiệp, minh tường trong mỗi câu, mỗi chữ. Họ là những nhà giáo những người thầy rất đỗi giản dị nhưng đã gieo vào chúng tôi những cảm xúc vô cùng lớn lao.

bna-can-bo-tien-khoi-nghia-nha-giao-lao-thanh-ngo-xuan-lan-7733.jpeg
Cán bộ tiền khởi nghĩa, nhà giáo Ngô Xuân Lan. Ảnh: Lâm Tùng

Cụ Ngô Xuân Lan sống cùng vợ chồng người con trai út trong một ngôi nhà nhỏ có vườn rau xanh mướt ở xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, thành phố Vinh. Bên khung cửa sổ nhìn ra khoảng sân hẹp là chiếc bàn nhiều năm nay cụ vẫn cần mẫn làm việc. Trên bàn, có rất nhiều tài liệu, sách báo, bút mực. Ở đó, cũng có chiếc đồng hồ nhỏ hình vuông màu trắng cứ tích tắc, tích tắc ngày này qua tháng nọ như sự đều đặn của người chủ nhân. Khi trò chuyện với cụ Ngô Xuân Lan bên chiếc bàn, tôi nom một tờ giấy A4 được đánh máy rành rẽ. Trên đó có đánh số từng mục và ghi:

1. Học giỏi: Mồ côi cha khi 4 tuổi, nhà nghèo, đã vượt khó học giỏi, thi sơ học yếu lược đỗ đầu toàn huyện; thi tiểu học đỗ thứ ba toàn tỉnh. Từ năm 1960-1963 học Đại học Sư phạm tại Hà Nội. Thi tốt nghiệp đạt loại giỏi, các môn thi đều đạt điểm tuyệt đối. Từ năm 1973 - 1976 đã hoàn thành khoá nghiên cứu sinh Triết học tại Học viện cấp cao Nguyễn Ái Quốc. Kết quả tốt nghiệp đạt loại giỏi.

2. Về công tác: Làm hiệu trưởng Trường cấp II (Yên Thành) từ năm 1954-1960. Có 3 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục toàn tỉnh Nghệ An 1957-1960. Năm học 1965-1966 đã lãnh đạo Trường Cấp III Yên Thành 2 đạt kết quả toàn diện. 100% học sinh tốt nghiệp cấp 3 (tốt nghiệp cấp 3 hồi đó là không đơn giản). Trong số đó có 85 học sinh trúng tuyển đi học đại học ở nước ngoài, nhiều hơn hẳn các trường khác trong và ngoài huyện. Cũng vào thời điểm ấy, chi bộ kết nạp đảng cho 1 giáo viên và 17 học sinh. Có lẽ đây là trường cấp 3 duy nhất kết nạp học sinh vào Đảng nhiều nhất. Những học sinh được kết nạp Đảng và đi học nước ngoài đều trưởng thành và đảm nhận những chức vụ quan trọng, trong đó có Trần Quang Châu là Viện sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học hàng không; Nguyễn Tâm Chiến là Công sứ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ… Ngày 15/1/2015, tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, các học sinh cũ đến chào và ôm tôi. Anh Đào Quang Hiếu - Tiến sĩ mỏ địa chất tặng tôi tập thơ với lời đề: Trân trọng tặng thầy Ngô Xuân Lan, người có công rất lớn trong cuộc đời của em.

Suốt quá trình công tác tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trường cấp 2, cấp 3, ở Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An và ở Trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh”…

bna-nha-giao-ngo-xuan-lan-gioi-thieu-ve-buc-anh-thoi-tre-cua-minh-4269.jpeg
Nhà giáo lão thành Ngô Xuân Lan giới thiệu về bức ảnh thời trẻ của mình. Ảnh: Lâm Tùng

Sinh ra ở mảnh đất Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), thầy giáo Ngô Xuân Lan nói rằng, mảnh đất quê chính là chiếc nôi nuôi lớn tinh thần ham học và khát vọng vươn lên của lớp lớp thế hệ. Trong câu chuyện của mình, người giáo chức lão thành vẫn nhiều lần nhắc, mảnh đất Vĩnh Thành là nơi Bác Hồ đã về thăm vào tháng 12 năm 1961. Và sự kiện ấy dường như thôi thúc, truyền khát vọng cho những người con quê lúa không ngừng nỗ lực cống hiến với niềm tin mà Bác Hồ đã gửi trao.

Kể về cuộc đời và cống hiến của mình trong vài câu ngắn ngủi, thầy giáo Ngô Xuân Lan cho biết: "Vào tháng 3 năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, tôi có 2 ông bác họ ra tù. Đó là ông Ngô Xuân Hàm, người sau này là Chủ tịch đầu tiên của huyện Yên Thành vào năm 1945, năm 1948 làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An và ông Ngô Xuân Hùng. Hai ông đến giác ngộ và giao nhiệm vụ cho tôi. Một năm sau tôi đã nỗ lực phấn đấu và được kết nạp vào Đảng. Khi đó, vào Đảng không hề đơn giản, vào Đảng rồi phải qua hai năm thử thách. Tôi là đảng viên đầu tiên của làng Vĩnh Tuy”.

Tính tuổi ta, năm Giáp Thìn này nhà giáo Ngô Xuân Lan vừa tròn bách niên. 100 năm - 1 thế kỷ với biết bao thăng trầm, biến động mà lịch sử quê hương và đất nước đã trải qua. Với một con người, 100 năm cũng đã ngàn vạn mưa nắng, bão giông, thử thách. Nhưng với người cán bộ tiền khởi nghĩa, nhà giáo lão thành - cụ Ngô Xuân Lan chỉ cười êm một tiếng tất cả lại tênh tênh. Ai từng gặp và trò chuyện với nhà giáo Ngô Xuân Lan, ắt hẳn sẽ đồng ý với tôi về giọng nói nhỏ nhẹ và tiếng cười nhẹ tênh của cụ. Phải là người vững tin, bình thản lắm mới có được phong thái như thế. Thầy nói rằng, mình dành phần lớn cuộc đời cống hiến trong ngành Giáo dục, và sống đến ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ và đất nước. Vì vậy đến mùa Xuân này, dẫu đã bước vào tuổi bách niên, người cựu giáo chức ấy vẫn không ngừng đọc, không ngừng học hỏi và rèn luyện. Bên chiếc bàn nhỏ, thầy nghiên cứu mỗi ngày. Dường như thầy không bỏ sót một dòng tin nào, từ thông tin nội bộ dành cho sinh hoạt chi bộ đến Báo Nhân Dân, Báo Nghệ An, những ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam, rồi truyền hình, phát thanh… Nhà giáo Ngô Xuân Lan nói: “Tôi rất phấn khởi vì Nghệ An quê ta đang đổi mới từng ngày. Đời sống, kinh tế của người dân không ngừng được nâng lên. Tôi xem báo và biết, Nghệ An năm vừa qua thu ngân sách 21.275 tỷ đồng, thành phố Vinh đang được xây dựng để từng bước trở thành trung tâm của khu vực Bắc miền Trung. Điều đó rất tốt, nhưng tôi cũng băn khoăn là làm thế nào để Nghệ An phát triển mạnh như hai tỉnh bạn là Thanh Hoá và Hà Tĩnh”.

Nhà sư phạm lão thành còn cho biết, 3 ngày mình không xem tin tức, không đọc sách báo mình sẽ “bị lạc hậu”. “Những vấn đề nào hóc búa tôi gọi điện hỏi người thân” - thầy Ngô Xuân Lan cho hay. Người mà thầy thường gọi để được giải đáp “vấn đề hóc búa” là ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc VOV - một người học trò cũ của nhà giáo Ngô Xuân Lan. Những nội dung thầy quan tâm có thể là cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng ta đang phát động; là thông tin về một cá nhân hay một lĩnh vực nào đó…

“Việt Nam ta, từ một đất nước nghèo bị nô lệ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, bị cấm vận giờ đây trở thành 1 trong những quốc gia trên thế giới có kinh tế phát triển ổn định. Điều này hết sức phấn khởi. Nghệ An là là tỉnh khó nhưng giờ đây quy mô nền kinh tế đứng trong tốp 10 của cả nước. Dân ta không ai bị đói. Đời tôi không bao giờ dám nghĩ, dám tưởng tượng về thành quả của ngày hôm nay”.

Điều đặc biệt ý nghĩa với nhà giáo Ngô Xuân Lan và gia đình là vào dịp cuối năm 2024 này cụ sẽ đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Người dịch thơ Bác Hồ ra tiếng Pháp và Bồ Đào Nha

bna-nha-giao-lao-thanh-phan-huy-xy-van-ngay-ngay-can-man-ben-ban-lam-viec-anh-lam-tung-1516.jpeg
Nhà giáo lão thành Phan Huy Xý vẫn ngày ngày cần mẫn viết, đọc và nghiên cứu bên bàn làm việc. Ảnh: Lâm Tùng

“Tuổi tôi, cha tôi khai là sinh năm 1926. Cha tôi là một giáo viên. Cha tôi nói: Cha khai bớt tuổi con một năm để đề phòng con phải học đúp. Thành ra tuổi tôi chính xác là sinh ngày 15/9/1925. Đến tháng Giêng năm Giáp Thìn này tôi bước vào tuổi 100.

Sách tôi viết có những tập: “Vẫn chờ Tết”, “Mơ đi mộng đến”, “Thọ mần răng?”, “Hướng tới một trăm linh”… Tôi vẫn nghĩ rằng tôi sống đến “một trăm linh”. “Trăm linh” theo quan điểm của tôi là tuổi từ 101 đến 109 tuổi. Tôi nói với học trò và bạn tôi là tôi gắng sống cho đến 106 tuổi, lúc đó lịch là năm 2030 và vừa tròn 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Trên đây là những chia sẻ của nhà giáo lão thành Phan Huy Xý - nguyên Giảng viên Trường Đại học Vinh khi chúng tôi đến thăm thầy trong ngày cuối năm Quý Mão, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Nhà giáo lão thành Phan Huy Xý sống và làm việc trong một căn phòng nhỏ. Ở đó có một chiếc giường, phía trước là bàn làm việc có một đèn bàn nhỏ. Vây kín căn phòng là cơ man sách và tài liệu. Đó thực sự là một nhà giáo đặc biệt. Thầy có thể nói và viết thành thạo 3 ngoại ngữ: Tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Nga, ngoài ra còn biết tiếng Anh. Ở người giáo viên lão thành này, dẫu tai nghe không còn tỏ, nhưng phong thái vẫn toát lên sự mẫn tiệp, trí tuệ và lịch thiệp đến tuyệt vời. Từ vóc người đến giọng nói vẫn luôn toát lên sự khiêm nhường, nhẹ nhõm. Chỉ khi nào được hỏi về sách, về viết thầy mới lại say sưa chia sẻ. Với nhân cách ấy, con người ấy, đọc, viết và nghiên cứu không chỉ là nhu cầu tự thân mà còn là động lực để truyền đi nguồn cảm hứng, năng lượng, sinh khí cho mọi người. Thầy nói: “Ngày ngày tôi phải đọc một vài chương, viết một vài bài để cho đầu bớt lão hoá. Người thì yếu nhưng mà tôi nghĩ tôi chưa lẫn!”. Chắc chắn là như vậy. Bởi vì thầy không chỉ viết và đọc bằng tiếng Việt mà hằng ngày vẫn làm thơ, viết bài bằng tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha.

bna-1nha-giao-lao-thanh-phan-huy-xy-trao-doi-voi-phong-vien-bao-nghe-an-anh-lam-tung-2031.jpeg
Nhà giáo lão thành Phan Huy Xý trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Nhà giáo lão thành Phan Huy Xý quê gốc ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhưng gia đình sống tại huyện Yên Thành. Cụ thân sinh của nhà giáo Phan Huy Xý cũng là một giáo sư thời thuộc Pháp nên cũng định hướng cho con theo đuổi nghiệp giáo dục. Cụ Phan Huy Xý từng học tại Trường Quốc học Huế sau về học Trường Quốc học Vinh rồi lại vào Huế. Tháng 3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp, thầy Phan Huy Xý trở về Nghệ An. Cũng thời gian này thầy tham gia huấn luyện, giảng dạy tại các khoá bình dân học vụ theo lời kêu gọi “xoá giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1947, thầy giáo Phan Huy Xý chính thức trở thành “giáo viên Nhà nước” - như thầy nói. Sau đó thầy giảng dạy và làm Hiệu trưởng Trường Cấp 2 công lập đầu tiên ở Yên Thành. Đến năm 1960 thầy công tác tại Trường Đại học Vinh.

Các thế hệ học sinh, sinh viên từng học thầy Phan Huy Xý đều không thể quên về một người thầy có kiến thức uyên bác, khả năng ngoại ngữ đặc biệt, một nhà giáo nhân hậu hết lòng với học trò.

bna-cac-tap-tho-van-sang-tac-bang-tieng-phap-va-bo-dao-nha-cua-thay-giao-phan-huy-xy-7106.jpg
Các tập thơ, văn sáng tác bằng tiếng Pháp và Bồ Đào Nha của thầy giáo Phan Huy Xý. Ảnh: Lâm Tùng

Giai đoạn 1987-1990 nhà giáo Phan Huy Xý được cử làm chuyên gia sang công tác tại nước Cộng hoà nhân dân Angola. Đây là giai đoạn ông hoàn thiện ngôn ngữ Bồ Đào Nha của mình. Thầy Phan Huy Xý nói rằng, mình tự nghiền ngẫm và học tiếng Bồ Đào Nha. Chỉ trong một thời gian ngắn, thầy đã viết được 1.800 bài thơ bằng tiếng Bồ Đào Nha. Đặc biệt, thời gian làm chuyên gia ở Angola, thầy Phan Huy Xý đã dịch 75 bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Bồ Đào Nha. Thầy còn dành thời gian viết và soạn thảo nhiều bài nghiên cứu về Bác Hồ bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp giảng dạy, tuyên truyền tại Angola. Đài phát thanh và nhiều cơ quan báo chí đất nước châu Phi này cũng sử dụng hàng trăm bài viết, tài liệu của nhà giáo dục Phan Huy Xý trên ấn phẩm của mình.

Dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), nhà giáo Phan Huy Xý được công nhận và vinh danh là người dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ sang tiếng Bồ Đào Nha.

Nói về sự phát triển của đất nước hôm nay, nhà giáo lão thành Phan Huy Xý trầm tư: “Tôi rất mừng vì sự phát triển của đất nước ta, của tỉnh ta. Tôi vẫn nói với bạn bè, tôi là “communistes sans parti” tức là người Cộng sản không Đảng. Vì niềm tin với Đảng, với đất nước, tôi còn sống sẽ tiếp tục cống hiến và mong muốn được chứng kiến lúc Đảng ta tròn 100 tuổi.

Đào Tuấn - Lâm Tùng