Gian nan 'giữ lửa' sân khấu nghệ thuật truyền thống

Tiến Đông 04/02/2024 07:03

(Baonghean.vn) - Mặc dù mới được sáp nhập, dù vậy, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đang đứng trước muôn vàn khó khăn, có nguy cơ không còn diễn viên để hoạt động trong tương lai gần.

Diễn viên ngày càng già hóa

Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 2909/QĐ-UBND ngày 27/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ với Đoàn Nghệ thuật truyền thống. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao, có chức năng biểu diễn nghệ thuật; nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số Nghệ An và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy quyền của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, sau khi có quyết định thành lập, số lượng phòng chức năng và biên chế của trung tâm đã giảm từ 110 người năm 2018 xuống còn 94 người trong năm 2023.

bna-nhieu-lo-ngai-khi-dien-vien-doan-dan-ca-vi-dam-ngay-cang-lon-tuoi-anh-tu-lieu-7341.png
Sân khấu hoá Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cho biết: Do rút gọn được 1 phòng chức năng, 1 phòng chuyên môn và 1 đoàn biểu diễn rút gọn bộ máy quản lý của đơn vị nên đã thuận lợi hơn trong điều hành hỗ trợ chuyên môn giữa 2 loại hình nghệ thuật.

Tuy vậy, theo ông Chung, với một nghề đặc thù về năng khiếu, tuổi nghề ngắn, thời gian đào tạo dài, tốn kém nhưng hiện nay chưa có một cơ chế đặc thù nào về đào tạo, tuyển dụng, tuổi nghỉ hưu dẫn đến bất cập trong việc thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đầu năm 2023, trong lúc đơn vị đang thiếu nhân lực hoạt động và còn trống 5 biên chế theo chỉ tiêu nhưng vẫn không được tuyển dụng.

bna-mot-tiet-muc-tham-gia-lien-hoan-dan-ca-vi-dam-nghe-tinh-anh-tu-lieu-2590.jpg
Một tiết mục biểu diễn Dân ca ví, giặm. Ảnh: Tư liệu

Lý giải nguyên nhân khó khăn trong công tác tuyển dụng, ông Chung cho biết, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống là đơn vị hoạt động nghề đặc thù về năng khiếu, nhưng đến nay chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù về nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật dẫn đến những bất cập. Điều dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Nhiều bạn trẻ có năng lực đủ đam mê làm nghề thì bằng cấp lại không đảm bảo (chỉ có trình độ trung cấp hoặc học truyền nghề). Nếu hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn lại trái quy định. Cho nên, xét về chỉ tiêu, đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức. “Sau khi sáp nhập, một số bộ phận thừa, một số bộ phận lại thiếu. Chúng tôi không thể đưa tay trống sang múa và đưa diễn viên múa lên hát được. Chưa kể diễn viên thì ngày càng lớn tuổi, không thể cứ để diễn viên múa lớn tuổi lên sân khấu mãi được. Diễn vậy ai xem”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An nhấn mạnh: Việc có nhiều diễn viên lớn tuổi khiến việc đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi cao với một số vị trí diễn viên biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp gặp nhiều trở ngại. Ngay như tại Đoàn Dân ca ví, giặm diễn viên trẻ nhất cũng đã 37 tuổi. Trong khi đó, từ năm 2015, nhiều ca sĩ, diễn viên được đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An nhưng sau đó không có ai về trung tâm làm việc.

bna-du-an-trung-tam-bao-ton-va-phat-huy-di-san-dan-ca-vi-dam-nghe-tinh-du-thuc-hien-tu-nam-2015-nhung-den-nay-van-chua-the-hoan-thanh-dua-vao-su-dung-anhtien-dong-6126.jpg
Dự án Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh dù được triển khai từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Cần có cơ chế đặc thù

Là một ngành đặc thù hoạt động về văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là góp phần bảo tồn, phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, kể từ năm 2012, khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11/2014. Thế nhưng, từ đó đến nay, vẫn chưa có một cơ chế để đào tạo và tuyển dụng đội ngũ kế cận phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Hiện tại, ở Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, Đoàn Dân ca ví, giặm có 34 diễn viên (bao gồm diễn viên kịch hát và diễn viên nhạc) thì chỉ có 7 diễn viên là diễn viên hạng 3, còn lại là diễn viên hạng 4, trong đó có nhiều diễn viên là Nghệ sĩ Ưu tú vẫn không chuyển được hạng viên chức do không có bằng đại học chuyên ngành. Đặc biệt là chuyên ngành Diễn viên kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, bởi cho đến hiện nay, trên cả nước chưa có cơ sở đào tạo nào tổ chức đào tạo diễn viên kịch hát Nghệ Tĩnh từ trình độ cao đẳng trở lên. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nếu như không có những thay đổi về cơ chế tuyển dụng, thì chỉ khoảng 5 năm nữa Đoàn Dân ca ví, giặm sẽ có nguy cơ “lụi tàn”.

tap-hat-8361.jpg
Nhiều người lo ngại, nếu không có cơ chế đặc thù thì chỉ trong tương lai gần Đoàn Dân ca ví, giặm sẽ có nguy cơ “lụi tàn”. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Ngọc Quyết nói thêm: Ai cũng biết, ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: Lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa…; nó không phải là loại hình nghệ thuật hàn lâm để có thể mở rộng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo về nghệ thuật, mà đôi khi chỉ là trao truyền, truyền dạy truyền thống.

Chưa kể, nếu như được đào tạo bài bản trong trường nghệ thuật thì thời gian đào tạo trình độ đại học cho ngành Nghệ thuật biểu diễn cũng kéo dài và tốn kém. Để có trình độ đại học chuyên ngành ngắn nhất phải mất từ 5 đến 6 năm, có những chuyên ngành phải học 11 năm. Nếu không có những chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng thì nhiều ca sĩ trẻ có tố chất, hát hay, thậm chí là các ca sĩ được đào tạo bài bản sẽ không về.

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cũng đã đề xuất với đoàn giám sát, có báo cáo, kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh một số quy định trong tuyển dụng, thu hút cán bộ, viên chức làm việc tại các đơn vị đặc thù như Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Nếu không thì việc “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống đã khó, nói gì đến việc phát huy các giá trị của nó.

Tiến Đông