Dự báo 10 công việc trong lĩnh vực công nghệ sẽ được trả lương cao nhất năm 2024

Phan Văn Hòa (Theo Techopedia) 05/02/2024 16:05

(Baonghean.vn) - Kiến trúc sư giải pháp đám mây, kỹ sư chuỗi khối, kỹ sư bảo mật đám mây… là những công việc trong lĩnh vực công nghệ được dự báo sẽ nhận được mức lương cao nhất trong năm 2024.

Định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng ta đối mặt với những công nghệ mang tính biến đổi. Từ cuộc cách mạng máy tính cá nhân đến kỷ nguyên điện thoại iPhone, những công nghệ mới luôn có vai trò định hình lại nghề nghiệp, chứ không phải xóa bỏ chúng.

Mặc dù một số vị trí công việc truyền thống đã biến mất, chúng được thay thế bằng vô vàn vai trò mới như Nhà khoa học dữ liệu, Nhà phát triển ứng dụng di động, Quản lý truyền thông xã hội, Kiến trúc sư đám mây, Chuyên gia marketing nội dung kỹ thuật số, Chuyên gia về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và Quản lý cộng đồng.

Những vị trí này đã trở thành biểu tượng của thế giới kỹ thuật số của chúng ta. Và khi chúng ta tiến tới một tương lai do trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn dắt, những công việc công nghệ nào được trả lương cao nhất và làm thế nào để chúng có thể “định hình” sự nghiệp của mình?

Sau đây là 10 công việc trong lĩnh vực công nghệ dự báo sẽ được được trả lương cao nhất năm 2024.

anh-minh-hoa1-510.jpg

10. Kỹ sư mạng máy tính

Kỹ sư mạng máy tính đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ của một tổ chức hoạt động liền mạch. Trách nhiệm của họ bao gồm một loạt các nhiệm vụ quan trọng như thiết kế, triển khai và quản lý mạng, đảm bảo an ninh mạng thông qua tường lửa và liên tục tối ưu hóa luồng dữ liệu trong tổ chức.

Với sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh mạng, nhu cầu hợp tác từ xa ngày càng cao và tầm quan trọng của dữ liệu trong việc ra quyết định, các kỹ sư mạng máy tính là người nắm giữ tính toàn vẹn hoạt động của một tổ chức. Kiến thức sâu rộng của họ về các công nghệ phức tạp như định tuyến, quản trị mạng và tường lửa khiến họ trở thành những tài sản không thể thiếu, lý giải mức lương đáng kể mà họ nhận được.

Nhu cầu về kỹ sư mạng máy tính vượt qua ranh giới ngành nghề, từ y tế và tài chính đến công nghệ và logistics. Khi các tổ chức ngày càng số hóa hoạt động, vai trò của kỹ sư mạng máy tính trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn trong các lĩnh vực mới và đang phát triển như điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT). Mức lương của một kỹ sư mạng máy tính không chỉ phản ánh tầm quan trọng cơ bản của họ đối với một tổ chức mà còn cả sự khan hiếm của các chuyên gia sở hữu bộ kỹ năng rộng và cập nhật như vậy.

Mức lương có thể thay đổi đáng kể tùy theo kinh nghiệm, kỹ năng, địa điểm và quy mô của nhà tuyển dụng. Ví dụ, chuyên môn trong các kỹ năng có nhu cầu cao như phát triển phần mềm và điện thoại có thể tăng đáng kể tiềm năng kiếm tiền của một kỹ sư mạng máy tính. Nhưng theo dự báo, các kỹ sư mạng máy tính có thể nhanh chóng kiếm được mức lương trong khoảng từ 62.881 USD đến 81.733 USD một năm.

9. Giám đốc sản phẩm

Giám đốc sản phẩm là cầu nối giữa nhu cầu của khách hàng và mục tiêu của công ty. Họ dẫn dắt định hướng sản phẩm một cách linh hoạt, đảm bảo nó phù hợp với nhu cầu thị trường và mục tiêu kinh doanh. Vai trò quan trọng này đòi hỏi sự cân bằng giữa kiến thức kỹ thuật, hiểu biết thị trường và tư duy chiến lược. Không ngạc nhiên, mức lương phản ánh nhu cầu cao đối với những chuyên gia này, dao động từ 86.936 USD đến 111.465 USD một năm, tùy thuộc vào kinh nghiệm.

Không giống như các vai trò chuyên môn như kỹ sư phần mềm, giám đốc sản phẩm phải có nhiều khả năng khác nhau, từ nghiên cứu thị trường đến lập kế hoạch chiến lược. Vị trí quản lý sản phẩm có thể là một bước chuyển hướng nghề nghiệp tuyệt vời cho các kỹ sư phần mềm muốn chuyển sang một vị trí thiên về kinh doanh hơn.

8. Nhà phát triển giao diện người dùng

Nhà phát triển giao diện người dùng là những “nghệ sĩ công nghệ” thầm lặng đứng sau những trang web (website) và ứng dụng (app) mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Bằng các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và JavaScript, họ không chỉ khiến những nền tảng này đẹp mắt mà còn đảm bảo chúng hoạt động trơn tru trên tất cả các thiết bị của người dùng. Công việc của họ là sự kết hợp giữa sáng tạo và kỹ thuật, biến những dòng code thành giao diện trực quan, tiện dụng và đẹp mắt để người dùng có trải nghiệm tốt nhất.

Nhu cầu cho những chuyên gia này rất cao, với mức lương của một nhà phát triển giao diện người dùng cấp cao dao động từ 106.922 USD đến 130.083 USD. Lĩnh vực này cũng mang đến nhiều sự linh hoạt, bao gồm cơ hội làm việc từ xa và làm việc tự do. Tất cả những điều này khiến nhà phát triển giao diện người dùng trở thành một con đường sự nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người.

7. Kỹ sư trí tuệ nhân tạo và học máy

Sự kết hợp hoàn hảo giữa AI và học máy (ML) đã trở thành nền tảng cho sự phát triển công nghệ hiện đại. AI chính là hạt nhân của đổi mới trong lĩnh vực doanh nghiệp, thúc đẩy những giải pháp từng tưởng chừng như không thể. Nhu cầu ngày càng tăng này đã dẫn đến bùng nổ việc làm trong lĩnh vực AI.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng tạo ra một thách thức đó là trong khi số lượng vị trí tuyển dụng dồi dào, thì lại có một khoảng cách đáng kể về nguồn nhân lực. Sự mất cân bằng này tạo ra một cơ hội chưa từng có cho những cá nhân tài năng, khiến cho sự nghiệp trong lĩnh vực AI không chỉ sinh lời mà còn ổn định.

Trong một lĩnh vực luôn biến đổi, khả năng học tập suốt đời không chỉ là một lợi thế mà còn là một điều cần thiết. Khi AI tiếp tục tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, các kỹ sư học máy có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tinh chỉnh các thuật toán hiện nay, những thuật toán sẽ định hình công nghệ của tương lai. Đây chỉ là một vài trong số nhiều lý do tại sao kỹ sư AI và học máy có thể kiếm được từ 111.545 USD đến 138.637 USD.

6. Kỹ sư an ninh mạng

Ít ngành nào mang đến cơ hội hấp dẫn như an ninh mạng. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn về an ninh mạng Cybersecurity Ventures (Mỹ), nhu cầu toàn cầu về chuyên gia an ninh mạng đã tăng vọt 350% từ năm 2013 đến năm 2021. Riêng tại Mỹ, hiện có hơn 750.000 vị trí công việc an ninh mạng còn trống. Các chuyên gia bảo mật cũng dự đoán sẽ có 3,5 triệu vị trí trong ngành bị bỏ trống vào năm 2025, biến đây thành một trong những công việc công nghệ tốt nhất.

Mặc dù các sáng kiến ​​trong ngành đang được triển khai để thu hút nhân tài mới và giảm bớt tình trạng kiệt sức của chuyên gia, nhưng khoảng cách giữa cung và cầu vẫn tồn tại. Tuy nhiên, việc sở hữu chứng chỉ an ninh mạng có nhu cầu cao có thể biến tỷ lệ thất nghiệp trong ngành thành một cơ hội sinh lợi và con đường sự nghiệp hấp dẫn.

Với mức lương trung bình hàng năm là 120.000 USD và thu nhập tiềm năng lên tới 165.000 USD cho các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các kỹ sư an ninh mạng nắm giữ một trong những mức lương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu cao của lĩnh vực này. Sự không thể thiếu của họ trong việc bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng của tổ chức được phản ánh trong mức lương cao, khiến họ trở thành tài sản chiến lược quan trọng trong bối cảnh kỹ thuật số ngày nay.

5. Nhà khoa học dữ liệu

Trong thế giới ngày nay, nơi dữ liệu lên ngôi và AI đang thay đổi cuộc chơi, nhà khoa học dữ liệu giống như những cầu thủ ngôi sao trong một đội thể thao. Họ làm nhiều hơn là chơi với những con số. Đây là những người giúp các công ty đưa ra quyết định thông minh hơn, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, thậm chí tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

Trung bình, họ kiếm được khoảng 128.425 USD một năm, và những người giàu kinh nghiệm có thể kiếm tới 171.488 USD. Không chỉ vì họ giỏi về con số và lập trình máy tính mà còn vì họ có thể giúp một công ty thành công bằng những hiểu biết của mình. Và họ không chỉ bị giới hạn trong một ngành, những bậc thầy dữ liệu này đóng góp to lớn ở mọi lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe và mua sắm đến ngân hàng và thậm chí khiến các thành phố của chúng ta thông minh hơn.

4. Kỹ sư điện toán đám mây

Kỹ sư điện toán đám mây là chuyên gia công nghệ đảm trách thiết kế, quản lý và vận hành hệ thống và dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Vai trò này bao gồm thiết kế giải pháp và mô hình hệ thống đám mây phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu và hệ thống trên đám mây; xây dựng các ứng dụng và dịch vụ hoạt động trên nền tảng đám mây.

Kỹ sư điện toán đám mây đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy khả năng mở rộng, đổi mới và quản lý dữ liệu an toàn cho doanh nghiệp. Chuyên môn của họ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, từ các lĩnh vực đòi hỏi mức độ bảo mật cao như y tế và chính phủ cho đến các công ty thương mại.

Hơn nữa, lĩnh vực điện toán đám mây liên tục phát triển, với các xu hướng như giải pháp điện toán đám mây lai (hybrid cloud) và công nghệ mới nổi như AI và học máy, mang đến cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp không ngừng cho các kỹ sư điện toán đám mây.

Sự kết hợp của nhu cầu cao, tác động đến hoạt động kinh doanh cốt lõi và bối cảnh công nghệ luôn phát triển khiến kỹ sư điện toán đám mây trở thành một trong những lựa chọn nghề nghiệp mang lại nhiều lợi ích về tài chính và chuyên môn trong ngành công nghệ, với mức lương trung bình hằng năm khoảng 130.000 USD.

3. Kỹ sư bảo mật đám mây

Kỹ sư bảo mật đám mây đóng vai trò không thể thay thế trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng đám mây của doanh nghiệp khỏi vô số mối đe dọa mạng, truy cập trái phép và nguy cơ rò rỉ dữ liệu. Trách nhiệm nặng nề này bao gồm thiết kế, triển khai và duy trì các giao thức bảo mật mạnh mẽ, thực hiện mô phỏng các mối đe dọa và đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh.

Chuyên môn của họ đặc biệt quan trọng khi các doanh nghiệp ngày càng chuyển sang các giải pháp đám mây để tăng khả năng mở rộng và hiệu quả hoạt động, mang đến cơ hội cho các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn. Kiến thức sâu rộng của các kỹ sư bảo mật đám mây cùng với khả năng đưa ra các khuyến nghị bảo mật hiệu quả, là lý do chính đáng cho mức lương hấp dẫn của vai trò này.

Kỹ sư bảo mật đám mây rất điều cần thiết cho các doanh nghiệp hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro mạng gia tăng và tầm quan trọng của tính toàn vẹn dữ liệu. Với mức lương trung bình lên tới 140.000 USD mỗi năm và có khả năng kiếm được tới 180.000 USD cho các chuyên gia giàu kinh nghiệm, sự nghiệp của các kỹ sư bảo mật đám mây không chỉ mang lại lợi ích tài chính hấp dẫn mà còn là minh chứng cho vai trò quan trọng của những chuyên gia này trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của tổ chức khỏi hàng loạt các mối đe dọa mạng liên tục.

2. Kỹ sư chuỗi khối

Trên phương diện đầu tư, các tập đoàn lớn và những công ty khởi nghiệp (startup) đang phát triển nhận ra tiềm năng mang tính cách mạng của công nghệ chuỗi khối (blockchain). Dịch vụ tài chính, logistics chuỗi cung ứng và y tế chỉ là một vài ngành đang tích cực đầu tư vào các sáng kiến phát triển blockchain. Sự quan tâm từ các tổ chức lớn này thúc đẩy nhu cầu đối với các chuyên gia lành nghề, và ngay cả những vị trí cáp thấp (entry-level) cũng mang lại mức lương sáu chữ số, đặc biệt là ở các trung tâm công nghệ.

Tại Mỹ, theo đuổi sự nghiệp phát triển công nghệ blockchain không chỉ đầy hứa hẹn mà còn sinh lợi. Với mức lương trung bình hàng năm là 146.250 USD hoặc 70,31 USD/giờ, lĩnh vực này đang nhanh chóng trở thành mỏ vàng cho những tài năng công nghệ. Nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu. Mức lương khởi điểm cho những người mới vào lĩnh vực này cũng hấp dẫn không kém, khoảng 123.925 USD mỗi năm.

Và đối với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, họ có thể kiếm được mức lương đáng kinh ngạc lên tới 185.250 USD mỗi năm. Với tiềm năng thu nhập hấp dẫn như vậy, rõ ràng sự nghiệp phát triển blockchain mang lại những phần thưởng tài chính và giúp bạn luôn dẫn đầu trong công nghệ định hình tương lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi lĩnh vực này trưởng thành, việc giám sát tuân thủ quy định, bảo mật dữ liệu và khả năng tương thích cũng ngày càng được chú ý, đây là những thách thức ngay cả đối với các nhà phát triển có tay nghề nhất. Do đó, đây là một lĩnh vực có nhiều cơ hội và những thách thức ngày càng gia tăng.

1. Kiến trúc sư giải pháp đám mây

Trong môi trường kinh doanh ngày càng tập trung vào điện toán đám mây, kiến trúc sư giải pháp đám mây đóng vai trò then chốt và nhận mức lương cao xứng đáng nhờ chuyên môn của họ trong việc thiết kế và điều phối cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây.

Nắm vững kiến thức toàn diện về các nền tảng đám mây như AWS, Azure và Google Cloud, những kiến trúc sư này là linh hồn của việc tối ưu hóa hiệu suất, đảm bảo khả năng mở rộng và tạo điều kiện cho các giải pháp hiệu quả về chi phí.

Công việc của kiến trúc sư giải pháp đám mây vượt xa trình độ kỹ thuật thuần túy; họ là những nhà lãnh đạo tư tưởng và những người giao tiếp, gắn kết các bên liên quan khác nhau trong tổ chức để cho phép các chiến lược đám mây gắn kết, an toàn và hiệu quả.

Tầm vóc của vai trò này, thường đòi hỏi hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong tính toán hiệu năng cao và nền tảng dữ liệu lớn, đòi hỏi bộ kỹ năng toàn diện bao gồm hiểu biết kỹ thuật và kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp và quản lý dự án.

Với những kỹ năng toàn diện này khiến kiến trúc sư giải pháp đám mây trở nên không thể thiếu cho các doanh nghiệp trong việc điều hướng sự phức tạp của kiến ​​trúc đám mây hiện đại, chứng minh cho mức lương cao của họ.

Với mức lương trung bình là 156.093 USD mỗi năm và có thể đạt tới 200.023 USD cho các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, kiến trúc sư giải pháp đám mây không chỉ nằm trong số những người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực công nghệ mà còn là những nhân vật quan trọng cho phép các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của điện toán đám mây.

Tóm lại, trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay, cơ hội cho những công việc có mức lương cao và mang lại tác động lớn đến xã hội đang vô cùng dồi dào. Các lĩnh vực như an ninh mạng và kỹ sư điện toán đám mây không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn đóng vai trò trụ cột trong việc bảo vệ tương lai kỹ thuật số của chúng ta.

Những vai trò như nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư học máy cũng đang trở thành những nhân tố then chốt trong quá trình ra quyết định và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các công nghệ mới nổi như blockchain đang mở ra những con đường mới đầy hứa hẹn cho những người nắm bắt được sự phức tạp của chúng.

Rõ ràng, công nghệ không chỉ định hình tương lai mà còn mang đến những hướng đi mới trong công việc. Điều đáng chú ý chính là tiềm năng mức lương hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ và vai trò quan trọng của những vị trí này trong việc xây dựng một thế giới an toàn, hiệu quả và dựa trên dữ liệu.

Vì vậy, khi bạn lên kế hoạch định hướng sự nghiệp cho tương lai, hãy nhớ rằng những công việc mang lại nhiều giá trị nhất sẽ không chỉ có mức lương cao mà còn cho phép bạn trở thành một phần không thể thiếu của thời đại tiến bộ công nghệ phi thường này.

Phan Văn Hòa (Theo Techopedia)