Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự ATGT liên quan đến tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn
(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung quan trọng vừa được UBND tỉnh đưa ra nhằm mục đích đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn toàn quốc diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng tại Nghệ An, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024 đã xảy ra 27 vụ tai nạn liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), làm chết 15 người, bị thương 26 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và bảo đảm an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm.
Việc xử lý các thông tin tiêu cực trên không gian mạng còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, nhất là đua xe, lạng lách, đánh võng… tác động đến lứa tuổi học sinh nhưng chưa được xử lý kịp thời, còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học nhưng chưa được khắc phục, việc quản lý chất lượng một số loại phương tiện và hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh còn thiếu chặt chẽ.
Trước tình hình trên, để triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến độ tuổi học sinh, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/1/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 53KH-UBND về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Qua đó, đã đưa ra 9 nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm. Đặc biệt, yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh nói riêng trên trên địa bàn. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông liên quan đến tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông trong học sinh với nhiều hình thức theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến đường có học sinh trên địa bàn, xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hay trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các trường học; tổ chức ký cam kết, đưa nội dung bảo đảm trật tự an giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các trường học, cấp học và các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, cần phối hợp để thường xuyên kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, tăng cường tuần tra, kiểm tra, đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, thông tin thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho các hành vi vi phạm như đua xe, lạng lách, đánh võng…
Liên quan đến nội dung này, tỉnh cũng giao các ban, ngành liên quan như Công an tỉnh, Sở giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã và một số ban, ngành khác tùy theo nhiệm vụ, chức năng phối hợp thực hiện./.