Tục gọi vía về ăn Tết Nguyên đán của người Thái

Hữu Vi 08/02/2024 06:46

(Baonghean.vn) -Trước Tết Nguyên đán, người Thái ở huyện Con Cuông có tục lệ cúng gọi những hồn vía còn đang đi lạc hoặc ở đâu đó về nhà ăn Tết.

bna-goi-via-1-5742.jpg
Với quan niệm rằng hồn vía là phần không thể thiếu để con người sống khoẻ mạnh, may mắn, an vui, vì thế người Thái thường rất chú trọng hồn vía. Họ có niềm tin rằng cũng như thể xác, hồn vía có lúc đau yếu, đói khát, sợ hãi, thậm chí là đi lạc, vì thế những lễ cúng sẽ giúp hồn vía được mạnh khoẻ và luôn đi theo để bảo vệ thể xác. Trong ảnh là cảnh nữ thầy cúng ở bản Nam Sơn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông ra đường cái làm lễ gọi vía con cháu về ăn Tết. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-2-5014.jpg
Trước Tết Nguyên Đán, tại nhiều bản người Thái thuộc huyện Con Cuông như Chi Khê, Yên Khê… thường có lễ gọi vía. Người ta cho rằng trong một năm qua, con người đi khắp nơi làm lụng, học hành, vui chơi, có thể hồn vía còn chưa kịp về ăn Tết. Lễ này như là lời nhắc nhủ hồn vía không được quên rằng, năm hết Tết đến, mọi người đều đã về thì vía cũng nên về. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-3-5850.jpg
Mâm cúng gọi vía trước Tết thường khá đơn giản, chỉ gồm rượu, xôi, gà. Những chiếc áo của các thành viên trong gia đình cũng được bày cạnh mâm cúng. Người ta tin rằng áo là chốn ở của vía. Lời cúng vía thường có những phần như mời gọi vía về hưởng lộc và phù hộ cho thể xác mỗi người được khoẻ mạnh, làm ăn, học hành hanh thông. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-4-7777.jpg
Sau bài cúng kéo dài khoảng 15 phút thì thầy cúng sẽ buộc chỉ cổ tay cho mỗi thành viên trong gia đình để cầu mong sự bình yên. Sợi chỉ có thể đứt nhưng vía không rời đi, để mỗi người đều được khoẻ mạnh. Trước đây người Thái ở bản Nam Sơn thường buộc chỉ tay màu đen, gần đây một số thầy cúng đã dùng chỉ đỏ khi đi làm lễ. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-5-9531.jpg
Trong khi thầy cúng buộc chỉ, những thành viên trong gia đình lại cầm tay người được làm lễ để chúc sức khoẻ. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-6-4675.jpg
Trong lễ gọi vía trước tết Nguyên Đán, trẻ em thường là những người được quan tâm nhất. Người ta tin rằng hồn vía các bé cũng còn non nớt, dễ tổn thương, dễ đi lạc. Thế nên nhà nào có trẻ nhỏ thường coi trọng lễ này hơn các nhà khác. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-7-8847.jpg
Những người đi làm ăn xa trở về cũng được buộc chỉ cổ tay để thêm vững tâm sau một năm làm lụng vất vả và để chuẩn bị khởi đầu cho năm làm việc mới. Ảnh: Hữu Vi
bna-goi-via-8-7202.jpg
Sau nghi thức “tom văn” (hưởng lộc) thì lễ gọi vía cũng kết thúc, mọi người tiến đến mâm lễ ăn xôi, gà và gửi tới nhau lời chúc sức khoẻ, bình an trong năm mới. Ảnh: Hữu Vi

Hữu Vi