Canh bon là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Món canh này được đặt tên theo nguyên liệu chính là cây “co bon”, theo tiếng Kinh có nghĩa là cây môn (dọc mùng) và da trâu gác bếp. Ảnh: T.P Da trâu gác trên bếp lửa lâu ngày được nướng trên than hồng, cháy đen lớp ngoài của da và giúp da chín thơm, mềm hơn khi chế biến. Ảnh: H.T Sau khi nướng, cạo sạch lớp vỏ đen bên ngoài da, rửa sạch, dùng chày đập cho mềm và cắt miếng. Ảnh: T.P Nguyên liệu thứ hai không thể thiếu của món canh bon là cây mùng ngọt. Mùng được dùng cả cành và lá, để nguyên không cắt khi nấu. Ảnh: H.T Nguyên liệu da trâu, dọc mùng được nêm gia vị gồm mắc khén, muối, hạt dổi và phịa (ruột non của trâu, bò) gác bếp để tạo vị đắng. Nếu không có phịa gác bếp thì có thể thay thế bằng vỏ túi mật bò gác bếp, hoặc cây lá đắng (tiếng Thái là cây cha lăng). Tất cả nguyên liệu được cho vào ống mét tươi, nút bằng lá chuối và lam trên than lửa nhiều giờ đồng hồ để các nguyên liệu mềm, nục quyện vào nhau. Ngoài lam trong ống mét, còn có thể cho nguyên liệu vào nồi đun trong nhiều giờ, đảo liên tục để món canh mịn, mềm. Ảnh: H.T “Trong tiết trời se lạnh, canh bon thịt mềm, để nguội vừa ngọt, vừa đắng, ăn với cơm nóng luôn khiến ta thèm thuồng quá đỗi. Người Thái ai cũng biết nấu món này, song ngày nay ít khi lam canh trong ống mét, mà thường là nấu trong nồi nhôm, nồi sắt hiện đại” , anh bạn đồng bào Thái bộc bạch. Ảnh: T.P
Quy trình chế biến món canh bon. Clip: Thu - Phúc
Thu - Phúc