Người dân Nghệ An rộn ràng đụng lợn ngày Tết
(Baonghean.vn) - Vào ngày Tết, nhiều gia đình, nhất là ở các vùng thôn quê trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tập quán đụng lợn. Đây không chỉ là nét đẹp văn hoá, thắm tình đoàn kết mà còn cung cấp thịt lợn sạch, đảm bảo an toàn cho người dân vui Tết đón Xuân.
Tết năm nay, gia đình anh Ngô Trí Tình, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu xuất bán cả đàn lợn, nhưng vẫn để dành một con để đụng lợn Tết. Đàn lợn của gia đình anh Tình được chăm sóc tốt, thịt ngon nên được mọi người lựa chọn làm hộ dân đụng lợn.
Từ sáng sớm, các hộ dân tham gia đụng lợn đã tập trung đông đủ tại nhà anh Tình. Đàn ông khoẻ mạnh phụ trách việc vận chuyển lợn, làm thịt còn phụ nữ thì lo việc nấu nướng, hậu cần. Không khí Tết tràn ngập với tiếng cười nói rôm rả.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, con lợn hơn 5 yến đã được xẻ thịt và chia đều thành các phần, riêng phần nội tạng thì được chế biến tại chỗ làm mâm cơm trưa cho các hộ dân cùng thưởng thức.
Ông Đàm Văn Lê, xã Diễn Nguyên chia sẻ: Thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết, giờ bước chân ra đường mua rất đơn giản, tuy nhiên, năm nào nhà tôi cũng đụng lợn vì lợn nhà nuôi được chất lượng đảm bảo hơn so với lợn ngoài thị trường. Lợn sạch nên dâng cúng tổ tiên cũng yên tâm hơn, mọi người thưởng thức ngon hơn trong ngày Tết.
Theo chia sẻ của người dân, lợn được chọn đụng phải là con lợn được chăm sóc kỹ, nuôi theo cách truyền thống là chỉ ăn rau, cám gạo… không dùng các loại thức ăn công nghiệp. Khi nấu miếng thịt sẽ khô ráo, săn chắc và thơm ngon hơn. Những con lợn nuôi để mổ Tết, thường chọn những con lợn dày lông, mình dài, lợn đen càng tốt. Một con lợn ăn đụng không to quá, thường cỡ từ 50 đến 70 kg.
Việc đụng lợn Tết ở các vùng quê thường từ 2 – 5 hộ chung nhau, nhưng cũng có thể gần chục hộ, tùy theo trọng lượng của con lợn to hay nhỏ, và nhu cầu thịt của những nhà trong nhóm ăn đụng là nhiều hay ít…
Ông Nguyễn Văn Hoan, huyện Diễn Châu cho biết: Ngày đụng lợn cũng là ngày anh em, hàng xóm quây quần bên nhau làm mâm cơm đoàn viên ấm cúng. Phong tục này được gia đình tôi duy trì từ năm này qua năm khác, vừa để có thịt chế biến món ăn dâng lên bàn thờ tổ tiên, tiễn năm cũ, đón năm mới, vừa gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, hàng xóm ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả.
Không chỉ đơn thuần là chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết, việc đụng lợn thường được nhiều người lựa chọn vì theo cách này, thịt lợn có giá rẻ hơn so với mua lẻ ngoài thị trường. Đây là nét đẹp văn hoá được người dân duy trì nhiều năm qua, góp phần giúp không khí Tết trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn.