Hương vị quyến rũ của chè đâm Quỳ Hợp
(Baonghean.vn) - Đến với huyện Quỳ Hợp, du khách sẽ có dịp thưởng thức món chè đâm nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái bản địa với hương vị có sức quyến rũ đặc biệt...
Trang “antamtour.vn” từng viết: “Chè đâm là đặc sản của mảnh đất Quỳ Hợp, một vùng Tây Bắc xứ Nghệ; nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái - nơi có sông Dinh, hồ Thung Mây thơ mộng, có hang Thẩm Ồm - Thẩm Poòng, có thác Bản Bìa quanh năm nước chảy trắng xóa, có truyền thuyết về Khủn tinh huyền thoại, có bãi tập luyện binh của nghĩa quân Lê Lợi năm xưa...”, “Nước chè đâm đặc biệt bởi nó không chỉ chứa đựng những tinh túy của hương vị chè xứ Nghệ mà còn ẩn sâu trong đó là cả ân tình người xứ Nghệ...”.
Bị dẫn dụ bởi “danh tiếng” thức uống độc đáo ấy, ngày giáp Tết cổ truyền Giáp Thìn, chúng tôi ngược lên huyện Quỳ Hợp, ghé vào nghỉ chân nơi quán nước ven hồ Thung Mây thơ mộng. Không ai bảo ai, gọi ngay mấy bát nước chè đâm để thưởng thức. Quả là “danh bất hư truyền”, nước chè đâm không những thơm ngon mà lập tức “làm tỉnh cả người” như mấy anh bạn đồng nghiệp tấm tắc.
Bà Nguyễn Thị Châu – chủ quán nước cũng là “tác giả” của món chè đâm cho biết, theo tiếng Thái thì “chè đâm” được gọi là “chè tắm”. Chè đâm xuất phát từ sinh hoạt của người dân tộc Thái bản địa nơi đây. Xưa kia, người Thái có cuộc sống du mục bên những sườn đồi, với cuộc sống săn bắt, hái lượm, gần gũi với thiên nhiên. Ban đầu họ vào rừng bóc những vỏ cây và hái lá rừng về giã để đun uống. Khi cây chè xuất hiện và du nhập vào đời sống của họ, theo bản năng, họ cũng đem chè vào giã và đun uống, dần dần nó đã trở thành một thứ đồ uống quen thuộc và không thể thiếu của người dân vùng đất này.
Trong các loại nước uống từ chè xanh thì nước chè đâm là công phu nhất. Để làm được bát nước chè ngon, có màu xanh đẹp mắt, người hái chè phải chọn những nhánh chè lá dày, không bị đỏ ngọn, không bị khuất nắng, sau đó đem về rửa nhẹ tay để lá chè không bị dập, phải đâm khi chè vẫn còn ướt nước. Chè bỏ vào đâm phải cắt ra, có cả lá và cành thì mới đạt yêu cầu. Dụng cụ đâm chè là một cái cối làm từ ống mét già lót một miếng gỗ ở đáy, một cái chày gỗ và một cái huột (đồ vật đan bằng tre có các lỗ nhỏ) để lóng bã chè. Chè đâm xong, lấy một ca nước sôi nguội đổ vào, rồi rót qua cái lọc, khi uống pha thêm nước nóng (theo công thức 3 sôi 2 lạnh). Tùy theo thời tiết và sở thích của từng người mà có thể dùng nóng hay dùng lạnh.
Nối tiếp câu chuyện, với vẻ sành sỏi, bà Châu nói: “Uống chè đâm ăn cùng với kẹo cu đơ thì ngon không gì sánh bằng. Khi uống chè đâm phải ngồi nhâm nhi từng ngụm, thả hồn vào tách trà rồi thư giãn và cảm nhận như cách uống trà đạo của người Nhật Bản thì mới thấy được hương vị đặc trưng của chè đâm”.
Điều rất quan trọng nữa, để tạo nên nét đặc sắc riêng cho chè đâm Quỳ Hợp thì phải dùng bát hoặc tách làm bằng sứ thì uống mới ngon. Người dân bản địa vẫn thường dùng bát sứ Hải Dương để uống.
Với những người nghiện chè đâm có thể sáng sớm chưa ăn gì, uống 2-3 bát cho tỉnh người rồi mới đi làm việc. Có người bị đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, pha thêm mật mía hoặc đường trắng với chè đâm uống vào thấy khỏe hẳn.
Theo nhiều người, thì uống nước chè đâm có lợi rất nhiều cho sức khỏe, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, đem lại sự tỉnh táo cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng, mặt khác uống nước chè đâm một cách thường xuyên còn giúp tăng cường ngăn ngừa sâu răng và nhiệt miệng…
Giờ đây, không chỉ đồng bào Thái mà nhiều người Kinh và một số dân tộc khác ở huyện Quỳ Hợp học cách làm chè đâm để uống hàng ngày. Chè đâm cũng đã theo chân những người con dân tộc Thái miền Tây Bắc Nghệ An có mặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Nhưng có lẽ phải là chè trồng trên đồi và nước của những vùng đất có chất đá ong như ở huyện Quỳ Hợp thì chè mới thơm ngon “tuyệt đỉnh” được. Hãy lên huyện Quỳ Hợp, đi dọc theo con đường bao quanh hồ Thung Mây thơ mộng, gặp bất kỳ quán bán nước chè đâm nào, ghé vào thưởng thức bạn sẽ có một trải nghiệm để xác tín điều đó.