Người Thái cho rằng, ngày Tết hay những ngày lễ mà thiếu món moọc là chưa trọn vẹn. Moọc được chế biến từ nguyên liệu chính là cây chuối rừng, nếp nương và thịt lợn. Ảnh: Đình Tuân Chuối rừng là một trong những loại nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến món moọc. Bởi, chuối rừng không chỉ ăn mát mà còn giúp cho món moọc không bị khô. Ảnh: Đình Tuân Chuối rừng được xắt nhỏ và trộn đều với nếp nương, thịt lợn và các loại gia vị khác như tiêu, mặc khẻn (ớt tiêu rừng), muối, mì chính... Chị Xên Thị Dân, ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương cho biết: “Để người ăn cảm nhận được hết hương vị đậm đà của món moọc, thì phụ thuộc vào khâu lựa chọn và sơ chế nguyên liệu cũng như sự khéo léo và tinh tế của người chế biến. Khi chọn nếp phải là nếp nương lúa mới, rồi giã nhỏ, ngâm mềm, để ráo nước; thịt phải là lợn bản không nạc quá và cũng không mỡ quá. Tốt nhất là chọn phần sườn; chuối rừng non chỉ bóc lấy phần nõn giữa cũng được xắt nhỏ, sau đó loại bỏ phần xơ nhựa chuối. Ảnh: Đình Tuân Gói moọc là một công đoạn cũng khá quan trọng sao cho vừa bắt mắt lại không bị vào nước khi hấp. Khi gói phải chặt tay, để lúc thành phẩm mọc mới dẻo, không méo mó. Ảnh: Đình Tuân Sau khi gói xong, người dân đem moọc cho vào nồi hấp cách thủy. Đun khoảng hơn một giờ đồng hồ thì mọc chín. Ảnh: Đình Tuân Hương thơm của sả, vị béo của thịt hòa quyện trong lớp nếp sánh, dẻo, mát của chuối rừng... ai thưởng thức cũng khó quên được món ăn độc đáo này. Moọc được ăn khi đang nóng, nếu nguội thì phải hông lại trước khi ăn. Ảnh: Đình Tuân Trong mâm cúng tổ tiên ngày Tết của người Thái không thể thiếu món moọc. Moọc là món ăn được chế biến rất công phu, nên người Thái chủ yếu chế biến trong các dịp lễ, Tết hoặc thiết đãi khách quý. Ảnh: Đình Tuân
Đình Tuân