Người con nuôi xứ Nghệ đến từ đất Phù Tang

Tiến Đông 11/02/2024 11:14

(Baonghean.vn) - Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích từng chia sẻ thông tin, vào đầu thế kỷ XVII, tại khu vực Cửa Hội có một con tàu của thương nhân Nhật Bản bị đắm, chính quyền lúc bấy giờ đã cứu vớt được hơn 100 người; trong đó có 1 phụ nữ được người bản xứ nhận làm con nuôi...

Mối quan hệ giao thương đặc biệt

Là vùng đất có bề dày lịch sử, Nghệ An luôn là vùng đất giữ vị trí trọng yếu. Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, khi trấn lỵ Nghệ An được đặt dưới chân núi Lam Thành, cạnh con sông Lam và ngay trên trục đường thiên lý thời bấy giờ, đã thu hút nhiều thuyền buôn nước ngoài, trong đó có những thuyền buôn đến từ Nhật Bản. Các nguồn sử liệu Việt Nam và Nhật Bản đều ghi chép từ đầu thế kỷ XVII, thuyền buôn Nhật Bản đã đến xã Phục Lễ (Hưng Nguyên) để buôn bán.

theo-nha-nghien-cuu-thai-huy-bich-khu-vuc-duoi-chan-nui-lam-thanh-truoc-day-tung-la-noi-buon-ban-sam-uat-gan-lien-voi-ly-so-nghe-an-tiec-thay-noi-nay-da-bi-lo-het-xuong-song-lam-anh-tien-dong-4884-4259.jpg
Theo Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích, khu vực dưới chân núi Lam Thành trước đây là nơi buôn bán sầm uất, tiếc thay nơi này đã bị lở xuống sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Theo nhà nghiên cứu Thái Huy Bích, Phục Lễ là một xã thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên, nằm dưới chân núi Lam Thành, nay đã bị lở hết xuống sông Lam. Trong đó, khu vực Triều Khẩu của xã Phục Lễ có chợ Tràng, gắn với lỵ sở Nghệ An, nên có mối giao thương rộng mở. Đối diện Phục Lễ là khu vực bến Phù Thạch nằm ở phía Nam sông Lam, trên đất làng Vĩnh Đại, nay thuộc xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Thời kỳ mà chợ Tràng và Phù Thạch buôn bán thịnh vượng nhất, trở thành cảng thị sầm uất của xứ Nghệ là những năm 1593 - 1616. Khu vực này cả trên bộ lẫn dưới sông đều tấp nập. Tại đây còn lưu truyền câu ca "Chợ Tràng tháng hăm bảy phiên/Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi". Trên tấm bản đồ nước ta thời ấy người Nhật dùng bút đỏ khoanh tròn địa danh huyện Hưng Nguyên. Họ đem bán cho ta hàng hóa quan trọng nhất là vũ khí và đồng, sau đó thu mua nông sản, lâm sản đem về nước...

duoi-chan-nui-lam-thanh-noi-tung-la-cang-thi-sam-uat-tiec-thay-da-bi-sat-lo-het-xuong-song-lam-anh-tien-dong-3550-2663.jpg
Núi Lam Thành nhìn từ sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Năm 2013, Bảo tàng Quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka đã tìm thấy bức thư cổ nhất của Vương quốc An Nam gửi đến Nhật Bản. Bức thư được viết năm 1591, dưới thời Vua Lê Thế Tông, nội dung bức thư nhằm mục đích kết nối bang giao giữa hai nước. Đây cũng là thời điểm mà Nhật Bản mở ra thời kỳ “Châu ấn thuyền” (năm 1592), khi chính quyền Nhật Bản đương thời đã cấp “Châu ấn trạng” - tờ giấy cấp cho thương thuyền đi buôn bán ở khắp nơi trên thế giới, có đóng ấn triện son, cho hàng ngàn thương thuyền sang buôn bán tại thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) và đặc biệt là Phục Lễ ở Nghệ An.

bna-thu-co-4302.jpg
Bản sao của một trong những bức thư cổ được Bảo tàng Quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka (Nhật Bản), trao tặng lại cho Bảo tàng Hà Tĩnh. Ảnh: Tiến Đông

Chúa Trịnh thời điểm đó cũng đã chỉ thị cho quan trấn thủ Nghệ An điều tra rõ trước khi tới Phục Lễ, thương thuyền Nhật Bản đã trú tại huyện, xã nào; tra hỏi danh tính thuyền trưởng và các khách buôn đi cùng trên tàu; các hàng hóa, vật dụng mang theo, nếu sai sót thì xử lý theo quốc pháp. Việc kiểm tra chặt chẽ các thương thuyền Nhật Bản có thể hiểu là sự phòng bị từ Chúa Trịnh, bởi thời điểm này, tàu buôn Nhật Bản còn làm ăn buôn bán với cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Những năm đầu thế kỷ XVII, quan hệ giao thương ngày càng được gắn kết. Trong đó, một sự kiện đáng chú ý là vào tháng 6/1610, một tàu buôn Nhật Bản đến Nghệ An buôn bán ở khu vực sông Lam. Sau khi thu mua được nhiều hàng hóa đã quay trở về nước. Tuy nhiên, khi đi qua cửa biển Chu Nhai (Hội Thống – Cửa Hội), do sóng to, gió lớn khiến tàu bị đắm, 6 người trên tàu bị chết, chính quyền sở tại đã cứu được 105 người. Sau đó, những người này được cưu mang và được đóng thuyền cho trở về.

khu-vuc-duoc-xem-la-phu-thach-nam-o-bo-nam-song-lam-truoc-day-nay-cung-da-bi-lo-het-xuong-song-anh-tien-dong-7413-2137.jpg
Khu vực bến Phù Thạch, nằm ở phía Nam sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Đến giữa thế kỷ XVII, trong khoảng 5 năm (từ năm 1655 đến 1660), do cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn diễn ra ác liệt, sông Lam trở thành giới tuyến giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, hai bên bờ đều là chiến trường ác liệt. Chưa kể đến việc vùng đất Phục Lễ bị lở dần xuống sông đã khiến người Nhật rời Hưng Nguyên ra Phố Hiến (Hưng Yên) kinh doanh, buôn bán. Cảng thị Phục Lễ và Phù Thạch cũng dần lùi vào dĩ vãng.

nha-nghien-cuu-thai-huy-bich-ben-tam-ban-do-co-co-ghi-dia-danh-trieu-khau-o-lang-phuc-le-anh-tien-dong-1739.jpg
Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích bên tấm bản đồ cổ có ghi địa danh Phục Lễ (Hưng Nguyên), một trong những địa điểm buôn bán sầm uất thời bấy giờ. Ảnh: Tiến Đông

Người con nuôi đến từ xứ Phù Tang

Vào Hà Tĩnh, chúng tôi được tiếp cận những bức thư cổ của Vương quốc An Nam gửi Nhật Bản, là những bức thư được Hội Chấn hưng Nhật Bản trao tặng cho Bảo tàng Hà Tĩnh vào năm 2018. Trong số 5 bức thư được trao tặng, chủ yếu viết từ năm 1591 dưới thời Vua Lê Thế Tông đến năm 1611 thời Vua Lê Kính Tông.

Đặc biệt, bức thư đề ngày 25/2/1611 có nhắc đến sự kiện thuyền buôn Nhật Bản bị đắm 1 năm trước đó: “...được biết ngày nọ tháng 6 năm trước, việc buôn bán trao đổi tiền tệ với An Nam đã xong xuôi. Nay về đến cửa Đan Nhai ở ngoài biển thì bỗng nhiên bị sóng nổi lên đánh cho tan tác, khiến cho 105 người ở bản xứ phải sống trôi nổi...”.

nha-tho-cu-tran-tinh-anh-tien-dong-104-7597.jpg
Nhà thờ cụ Trần Tịnh tại xã Kim Song Trường, Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Đậu Khoa Toàn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh: Thời điểm đó, những người cưu mang đoàn người Nhật Bản có Văn Lý hầu Trần Tịnh, người quê thôn Mật, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), lúc này đang làm chức quan Đô đường, nha môn đóng ở xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên. Khi tàu buôn Nhật Bản bị đắm, Trần Tịnh đã cưu mang 29 người, đưa về tư gia, nuôi ăn ở trong vòng 1 năm, trước khi họ được chúa Trịnh Tùng đóng thuyền cho về nước. Do Trần Tịnh không có con nên có một người phụ nữ Nhật Bản được ông nhận làm con nuôi và đặt họ tên đầy đủ là Trần Thị Dưỡng Nương.

Đến tuổi lập gia đình, Trần Thị Dưỡng Nương được Văn Lý hầu Trần Tịnh gả cho Hình bộ Lang trung Nguyễn Như Thạch (1579-1662), một vị quan đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, huyện La Sơn (nay cũng thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

giao-su-tskh-vien-sy-nguyen-huy-my-cung-cap-them-nhung-thong-tin-ve-ba-vo-nguoi-nhat-cua-cu-nguyen-nhu-thach-anh-tien-dong-3196-8648.jpg
Giáo sư, TSKH, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ câu chuyện về bà Trần Thị Dưỡng Nương. Ảnh: Tiến Đông

Ghé thăm làng Trường Lưu, chúng tôi may mắn được gặp Giáo sư, TSKH, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu. Ông cho biết thêm thông tin về người con nuôi đến từ Nhật Bản ấy. Trong “Phượng Dương Nguyễn tông thế phả” của dòng họ Nguyễn có đoạn chép: “Người vợ thứ hai chính gốc Nhật Bản con nuôi của họ Trần “Trần Thị Dưỡng Nương”, tục gọi là mệ Bà người Nhật. Quan Liêm Quận công người xã Nguyệt Ao nhặt được đưa về làm con nuôi gả cho cụ Như Thạch thời ông tại triều mà hầu hạ vậy. Nay cửa thế con cháu Tri huyện Nguyễn Công Chất kế tiếp giỗ chạp”.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ, trong gia phả không thấy nhắc đến việc mệ Bà có người con nào với cụ Nguyễn Như Thạch hay không. Sau khi bà mất được an táng tại núi Mác, sau cải táng về núi Phượng, làng Trường Lưu...

Tiến Đông